|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Putin: Nga chẳng những không mất gì mà còn được lợi từ xung đột Ukraine

10:19 | 08/09/2022
Chia sẻ
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga không mất gì khi đối đầu với Mỹ trong cuộc xung đột Ukraine mà thậm chí còn có được cơ hội để khôi phục tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ông Putin cũng tố cáo phương Tây đang lừa đối các nước nghèo trong thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine.

Theo Reuters, Tổng thống Putin coi cuộc xung đột tại Ukraine như một dấu mốc quan trọng trong lịch sử, khi mà người Nga cuối cùng cũng có thể trút bỏ được sự tủi nhục sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) hôm 7/9 tại thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông, Tổng thống Putin cho biết phương Tây đang thất bại và tương lai nằm ở châu Á.

Ông Putin rất ít đề cập tới Ukraine, ngoài việc nhắc đến thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc. Nhưng khi được hỏi rằng Nga đã mất thứ gì trong cuộc xung đột hay chưa, ông khẳng định rằng Nga đã đạt được lợi ích và sẽ trỗi dậy khi đã xóa bỏ được những cản trở.

(Đồ họa: Minh Quang).

“Về những thứ mà Nga đã nhận được, quan trọng nhất là việc củng cố chủ quyền, chính là kết quả tất yếu của những gì đang diễn ra”, ông khẳng định. “[Cuộc xung đột] cuối cùng sẽ củng cố đất nước Nga từ bên trong”.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng cuộc xung đột đã tạo ra “sự phân cực nhất định” giữa Nga và thế giới.

“Cơn sốt” trừng phạt

Cuộc xung đột với phương Tây về vấn đề Ukraine đã khiến Nga xoay trục sang châu Á, đặc biệt về phía Trung Quốc, đất nước từng là đối tác yếu thế trước Liên Xô và giờ đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tổng thống Putin cho biết phương Tây thất bại bởi những nỗ lực vô ích và hung hăng nhằm cô lập Nga bằng các biện pháp trừng phạt đang phá hủy nền kinh tế toàn cầu, trong khi châu Á đang trỗi dậy để nắm lấy tương lai.

Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất trong lịch sử hiện đại lên Nga. Tổng thống Putin cho rằng động thái này không khác nào tuyên bố chiến tranh kinh tế.

“Tôi đang nói đến cơn sốt trừng phạt của phương Tây, với nỗ lực trơ trẽn và hung hãn để áp đặt khuôn mẫu lên các quốc gia khác, nhằm tước đoạt chủ quyền và ép các nước này phải phục tùng”, Tổng thống Putin tuyên bố.

“Trong một nỗ lực nhằm chống lại dòng chảy lịch sử, các quốc gia phương Tây đang phá hoại các trụ cột của hệ thống kinh tế toàn cầu được xây dựng trong hàng thế kỷ”, ông nói, đồng thời cho biết niềm tin vào USD, EUR và bảng Anh (GBP) đang dần mất đi.

“Từng bước một, chúng ta đang loại bỏ các đồng tiền không đáng tin cậy và bị thao túng này. Và nhân tiện, theo số liệu thống kê thì ngay cả đồng minh của Mỹ cũng đang giảm các khoản dự trữ và thanh toán bằng đồng USD”, ông nói.

EUR và USD đang mất dần tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối của các quốc gia.

Trong danh sách khách mời đến diễn đàn EEF có ông Lật Chiến Thư, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc. Tổng thống Putin dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần tới tại Uzbekistan. Tổng thống Putin cho biết Trung Quốc sẽ thanh toán cho Gazprom bằng cả đồng nhân dân tệ lẫn ruble theo tỷ lệ 50-50.

Ông Putin cho rằng nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga, một trong những nhà sản xuất tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới, đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình thế nguy hiểm khi giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Tuy nhiên, Nga cũng đã bị tổn thương.

Tổng thống Putin cho biết nền kinh tế Nga đang chống chịu sự gây hấn về tài chính và công nghệ của phương Tây, nhưng cũng thừa nhận khó khăn tại một số ngành công nghiệp và khu vực.

Ông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang bùng phát và cho biết sẽ thảo luận về việc sửa đổi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine để hạn chế các quốc gia có thể nhận các chuyến hàng. 

Lừa dối các nước nghèo

Theo RT, Tổng thống Putin cho rằng các nước phương Tây đã nói dối khi tuyên bố Ukraine cần quyền tiếp cận biển để giải quyết khủng hoảng lương thực và nạn đói tại các quốc gia nghèo.

Theo ông Putin, đa số các chuyến hàng từ Ukraine trong thỏa thuận được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (UN) làm trung gian vào cuối tháng 7 đều đã tới EU. Ông nói thêm rằng các điều khoản của thỏa thuận nên được thay đổi.

Giá lương thực đã giảm trong những tháng gần đây. Chỉ số giá ngũ cốc và dầu ăn là hai thành tố trong chỉ số giá lương thực.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết thỏa thuận này được giới thiệu như một cách để kiềm chế giá lương thực toàn cầu tăng cao. Nhưng trên thực thế, gần như tất cả ngũ cốc từ Ukraine đều đi tới các quốc gia EU giàu có.

“Trong nhiều thập kỷ và thế kỷ trước, các quốc gia châu Âu từng là thực dân, và đến nay những nước này vẫn hành động như vậy. Châu Âu đã lừa đối các quốc gia đang phát triển. Và họ sẽ tiếp tục lừa dối”, Tổng thống Nga nói.

Với thái độ như thế này, vấn đề với nguồn cung lương thực sẽ trở nên tồi tệ hơn, ông Putin cảnh báo. Vào hôm 30/8, Chương trình Lương thực của UN tuyên bố đã gửi chuyến hàng viện trợ thứ hai từ Ukraine, con tàu chở theo 37.000 tấn lúa mì tới Yemen.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng chỉ có 2/80 tàu rời Ukraine thực sự tham gia vào các nhiệm vụ cứu đói.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc các quốc gia phương Tây không gỡ bỏ các hạn chế thứ cấp đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ Nga sau khi đạt được thỏa thuận với Ukraine. 

Minh Quang