|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

5 dự báo lớn về xung đột Nga – Ukraine trong nửa năm tới

18:47 | 25/08/2022
Chia sẻ
Sau 6 tháng giao tranh ác liệt kể từ ngày 24/2/2022, xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết và còn tiềm ẩn nhiều bất ngờ phía trước. Dưới đây là 5 dự báo về tình hình 6 tháng tiếp theo, do tờ The Guardian tổng hợp.

Xe tăng Ukraine bắn về phía quân Nga, ngày 12/8/2022. (Ảnh: Reuters).

Dự báo 1: Xung đột có thể sẽ kéo dài thêm ít nhất một năm nữa nhưng tình hình nhìn chung sẽ bế tắc, mức độ ác liệt giảm dần.

Cả Nga và Ukraine đều chịu thiệt hại nặng sau 6 tháng đối đầu nhưng cả hai nước đều chưa sẵn sàng ngừng bắn.

Ukraine muốn giành lại phần lãnh thổ đã để mất, còn Nga muốn gây thêm thiệt hại cho đối thủ, không chỉ là Ukraine mà còn bao gồm cả phương Tây. Điện Kremlin tin rằng mùa đông sẽ mang lại lợi thế cho Nga.

Kể từ khi xuất hiện bằng chứng về các vụ thảm sát tại Bucha, Irpin và một số nơi khác mà Nga từng chiếm đóng ở Ukraine, hai nước đã không tổ chức cuộc đàm phán hòa bình nào.

Tuy nhiên, từ khi Nga chiếm được thành phố Lysychansk vào cuối tháng 6 đến nay, những biến đổi trên chiến trường là khá hạn chế. Cả hai bên đều không giành được thế chủ động và ngày càng tỏ ra mệt mỏi do tác chiến lâu ngày. 

Dự báo 2: Ukraine không có phương pháp hiệu quả nào để phản công bằng lực lượng chính quy, chiến tranh du kích không đủ để đánh sập quân Nga.

Ukraine rất muốn chiếm lại thành phố Kherson bên bờ tây sông Dnieper nhưng một quan chức cấp cao tại Kiev thừa nhận rằng “chúng tôi không có đủ lực lượng để đẩy lùi quân Nga”.

Kiev đã chuyển sang sử dụng các chiến lược khác như tấn công bằng tên lửa tầm xa và tổ chức các cuộc đột kích táo tợn vào căn cứ quân sự Nga ở sâu trong vùng địch hậu.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, cho biết mục đích của chiến thuật mới là “tạo ra sự hỗn loạn trong nội bộ quân Nga”. Tuy cách làm này có thể làm giảm hiệu quả tác chiến của quân địch nhưng khó có thể khiến cho lực lượng Nga sụp đổ hay tự nguyện trao trả Kherson như một số quan chức Ukraine từng hy vọng.

Binh sĩ Ukraine và một chú chó tại thành phố Sievierodonetsk, ngày 20/6/2022. (Ảnh: Reuters).

Dự báo 3: Nga vẫn muốn dùng sức mạnh để tiến lên nhưng trọng tâm sắp tới sẽ chuyển sang bảo vệ những vùng đất đã chiếm được và sáp nhập lãnh thổ của Ukraine.

Theo The Guardian, Nga không có kế hoạch tiến công nào khác ngoài việc tập trung pháo binh, phá hủy làng mạc và thị trấn, rồi gắng sức tiến lên. Nga sử dụng cách này một phần vì nó có hiệu quả và cũng là để giảm thiểu thương vong.

Theo một số ước tính của phương Tây, khoảng 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể trong 6 tháng đầu xung đột với Ukraine.

Nga vẫn đang sử dụng pháo binh bắn phá ác liệt gần Bakhmut ở Donbas nhưng tình hình tiến triển khá chậm, một phần là bởi Moscow phải điều động bớt lực lượng tới tiếp viện cho Kherson.

Có thể Điện Kremlin đã không đạt được kỳ vọng đặt ra từ đầu xung đột, nhưng Nga vẫn chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía đông và nam Ukraine. Nga hiện đang công khai tính đến việc tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân để sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

Thời tiết đang lạnh hơn nên quân đội Nga có khả năng sẽ tập trung vào việc củng cố những thành quả đạt được.

 Nga chiếm giữ nhiều lãnh thổ ở phía đông và nam Ukraine.

Dự báo 4: Mùa đông sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn mới và tạo ra cơ hội cho phe nào chuẩn bị tốt.

Mùa đông là nhân tố quan trọng bậc nhất trong những toan tính chiến lược của cả hai bên. Ukraine đang lo ngại về các vấn đề nhân đạo do những căn chung cư ở tỉnh Donetsk và các khu vực tiền tuyến khác không có khí gas để sưởi ấm.

Một quan chức về nhân đạo dự báo sẽ có một làn sóng di cư mới trong mùa đông với khoảng 2 triệu người vượt qua biên giới để sang Ba Lan.

Phía Nga coi mùa đông là một cơ hội. Ukraine lo quân Nga sẽ tấn công vào mạng lưới năng lượng, khiến cho bài toán sưởi ấm càng thêm nan giải. Ngoài ra, Nga còn có thể ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia, phía Nam Ukraine.

Moscow muốn làm cho phương Tây chịu thiệt hại nhiều nhất có thể vì giá năng lượng cao nên sẽ có rất nhiều lý do để gia tăng áp lực.

Khi mùa xuân đến, hai bên có thể bắt đầu các đợt tấn công mới. Hiện tại, cả Nga và Ukraine đều đang cần bổ sung lực lượng và chuẩn bị cho giai đoạn giao tranh tiếp theo.

Binh sĩ thân Nga đứng gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, phía nam Ukraine. (Ảnh: Reuters).

Dự báo 5: Phương Tây phải lựa chọn rõ ràng: Ukraine cần phải thắng hay chỉ cần cầm cự?

Nếu không có hỗ trợ quân sự của NATO, Ukraine đã thất bại từ lâu. Tuy nhiên, phương Tây chưa bao giờ cung cấp đủ các vũ khí hạng nặng như pháo binh hay máy bay chiến đấu để Ukraine có thể đẩy lùi quân Nga ra khỏi lãnh thổ.

Các chính trị gia nói nhiều về việc cần phải buộc quân Nga ra khỏi đường biên giới trước xung đột, nhưng lại không cung cấp đủ khí giới và trang thiết bị để thực hiện mục tiêu này.

Trong khi đó, nhu cầu cứu trợ nhân đạo của Ukraine đang tăng nhanh. Chẳng hạn, hiện Ukraine không thể có đủ tiền để tái thiết đất nước, nhiều khu nhà ở đông bắc và tây bắc thủ đô Kiev vẫn còn là đống đổ nát sau khi quân Nga đã rút đi được 5 tháng. Cư dân ban đầu của các khu nhà này đang phải sống trong gara ô tô hoặc các khu lều trại tạm bợ.

Những người phải rời nhà cửa vì xung đột mà không ra nước ngoài hiện đang phải sống trong các trường học và lớp mẫu giáo – những nơi không phù hợp để lưu trú lâu dài.

Mỗi tháng, Ukraine thâm hụt ngân sách 5 tỷ USD vì xung đột. Chi phí để cứu trợ nhân đạo và tái thiết đất nước còn tốn kém gấp nhiều lần.

Đức Quyền