|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau 6 tháng xung đột với Ukraine, hình ảnh 'cường quốc quân sự' của Nga đang dần vỡ vụn

14:46 | 25/08/2022
Chia sẻ
Nửa năm sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân sang tấn công Ukraine, những giả định cơ bản của phương Tây về sức mạnh quân sự và kinh tế của Nga đã đảo chiều.

Sự sụp đổ của những giả định

Đầu năm nay, khi Mỹ cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến sự tại châu Âu, giới quan chức và phân tích phương Tây đều cho rằng quân đội với quy mô lớn hơn và được trang bị tốt hơn của Nga sẽ nhanh chóng giành ưu thế so với Ukraine.

Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley còn cảnh báo với Quốc hội rằng Kiev có thể thất thủ trong vòng 72 giờ sau khi Moscow động binh.

Tại Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin và các cố vấn thân cận nhất coi Ukraine là một quốc gia bị chia rẽ. Trong mắt họ, giới lãnh đạo tại Kiev rất bất tài và dĩ nhiên thiếu hẳn ý chí chiến đấu.

Mặt khác, phương Tây cũng tin rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ chùn bước khi nền kinh tế Nga trở nên suy yếu dưới các đòn trừng phạt liên tiếp của chính quyền Washington và đồng minh.

Chia sẻ trước báo giới, Tổng thống Joe Biden hứa hẹn sẽ biến đồng ruble của Nga thành “đống đổ nát” (rubble, một cách chơi chữ).

Tuy nhiên, khi cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 6, những giả định và kỳ vọng nêu trên đều sai lầm một cách nghiêm trọng, tờ Bloomberg đánh giá.

Ukraine đã phải chịu thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng cũng như thương vong nặng nề. Cuộc chiến đã khiến hàng triệu người dân phải tháo chạy khỏi quê hương và nền kinh tế Ukraine đang ngập trong khó khăn.

Song, Tổng thống Volodymyz Zelensky đã trở thành một nhà lãnh đạo cứng rắn trong thời chiến, có thể huy động cả nước gây tổn thất lớn cho quân đội Nga. Binh lính Nga giờ đã buộc phải rút lui khỏi thủ đô Kiev và lùi về phía đông.

“Vào ngày 24/2, chúng tôi được thông báo là mình không có cơ hội chiến thắng. Vào ngày 24/8, chúng tôi xin đáp lại: Chúc mừng Ngày Độc lập, Ukraine!”, ông Zelensky phát triển trước toàn dân nhân kỷ niệm 31 năm độc lập khỏi Liên Xô cũ.

“Ukraine muốn cuộc chiến này đi về đâu ư? Trước kia, Ukraine mong muốn hoà bình. Còn bây giờ, chúng tôi khát khao giành chiến thắng”, vị tổng thống tiếp lời.

Theo Bloomberg, trái với nhận định của Moscow, Tổng thống Volodymyz Zelensky đã trở thành một nhà lãnh đạo cứng cỏi và có thể huy động cả nước đứng lên chống lại quân Nga. (Ảnh: Getty Images).

Mặt khác, các dự báo về sự sụp đổ của nền kinh tế Nga đã được chứng minh là sai. Tăng trưởng GDP của Nga giảm tốc, nhưng chưa đến mức thảm hại. Quý II năm nay, nền kinh tế này chỉ mất 4% so với một năm trước, phần lớn là nhờ giá năng lượng tăng cao.

Trong khi Mỹ và các đồng minh thân cận áp đặt trừng phạt với Nga, thì nhiều quốc gia khác - từ Trung Quốc đến Ấn Độ và khu vực Trung Đông, vẫn đang tiếp tục giao thương với doanh nghiệp Nga.

Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu, sử dụng vũ khí kinh tế này nhằm gây áp lực cho lục địa già.

Mặc dù châu Âu đang chuẩn bị các bước để giảm thiểu tác động nếu Nga khoá vòi hoàn toàn, gần đây các quan chức từ Phần Lan cho tới Đức đều cảnh báo người dân nên sẵn sàng tâm thế cho khó khăn phía trước.

Đầu tuần này, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhận định “5 đến 10 mùa đông tới sẽ rất khó khăn”, bởi giá khí đốt tự nhân của châu Âu đã tăng khoảng 15 lần so với mức trung bình mùa hè.

 

Còn đâu hình ảnh siêu cường của Nga

Trong các giả định đã bị đảo chiều, có một điểm mà Bloomberg đặc biệt lưu ý. Thay vì tái khẳng định Nga là một cường quốc quân sự như ông Putin hy vọng, quyết định tấn công Ukraine của ông lại khiến công chúng phải nghĩ lại về năng lực thực tế của Nga.

Cuộc chiến của ông chủ Điện Kremlin còn góp phần thúc đẩy sự mở rộng hơn nữa của NATO. Hiện, hai quốc gia trung lập có tiếng là Phần Lan và Thuỵ Điển đã đệ đơn xin gia nhập liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.

Ông Phillips O’Brien - giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews (Scotland), nhận thấy quân đội Nga “không thể ngang hàng với Mỹ” hoặc thậm chí là khi so với các thành viên NATO khác.

Chiến sự tại Ukraine cho thấy binh lính Nga “không thể thực hiện các hoạt động quân sự phức tạp mà người Anh hoặc Pháp hoặc Israel có thể làm”. Vì vậy, xét theo những điều kiện đó, ông O’Brien nói Nga “thậm chí không phải là một cường quốc quân sự cấp hai”.

Xe tăng của Nga bị phá huỷ tại làng Dmytrivka, Ukraine. (Ảnh: Getty Images).

Giáo sư O’Brien là một trong số ít các nhà phân tích quốc phòng phương Tây dự đoán rằng thứ chờ đón ông Putin ở Ukraine là một “vũng lầy”.

Nhận định trên được đưa ra ngay cả trước khi chiến sự nổ ra và các sự kiện kể từ đó chỉ làm ông O’Brien thêm hoài nghi về chất lượng trang thiết bị, chương trình huấn luyện và năng lực chỉ huy của Nga.

Vị giáo sư của Đại học St. Andrews cho biết, Nga đã không tìm được kế sách đáp trả cho chỉ 20 hệ thống tên lửa tầm xa HIMARS mà quân đội Ukraine đang sử dụng để phá huỷ các bãi chứa đạn dược và hệ thống hậu cần nằm sâu phía sau phòng tuyến của Nga.

Theo Bloomberg, HIMARS là một công nghệ do Mỹ phát triển từ những năm 1980. “Mỹ có 540 hệ thống HIMARS. Nga thì thậm chí còn thua xa, không thể so với Mỹ”, ông O’Brien nhấn mạnh.

Một số cố vấn ở cả trong lẫn ngoài chính quyền Moscow cho biết rằng họ nhận thức rõ những điểm yếu cũng như thách thức mà quân đội Nga sẽ phải đối mặt ở Ukraine, trước cả khi ông Putin khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” hồi cuối tháng 2.

Đó là lý do tại sao rất nhiều người từ chối tin rằng Tổng thống Nga sẽ châm ngòi cho cuộc xung đột, Bloomberg cho hay.

Tổng thống Vladimir Putin từng được một số cố vấn can ngăn bởi họ nhận thấy rõ điểm yếu của quân đội Nga. (Ảnh: Getty Images).

Theo ông Michael Kofman - giám đốc cấp cao tại viện chính sách CNA (Mỹ), một nguyên nhân khiến quân Nga hoạt động kém hiệu quả là chỉ sau khi chiến sự nổ ra, Nga mới thấy rõ là quân đội đã “khai lố” để che giấu việc họ thiếu đầu tư vào binh sĩ.

Khi Nga tập trung quân đội xung quanh nước láng giềng Ukraine để chuẩn bị cho cuộc tấn công, ước tính về quy mô binh sĩ được dựa trên số lượng của các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG).

BTG là các đơn vị cơ động được trang bị thêm pháo binh, phòng không, hậu cần và khoảng 50 xe tăng và thiết giáp. Giả định là mỗi BTG có khoảng 700 - 900 binh lính. Suy ra, lực lượng vây quanh Ukraine rơi vào khoảng 150.000 người.

Trên thực tế, trung bình một BTG chỉ có 600 lính hoặc ít hơn và tổng lực lượng có thể chỉ tầm 90.000 người, ông Kofman tính toán. Khi Nga điều động phần lớn binh lính cho bộ binh, “về cơ bản tất cả đều sẽ tham chiến và không có ai điều khiển máy móc, thiết bị”.

Theo vị giám đốc của CNA, điều đó có tác động rất lớn cho cuộc chiến, phần nào giải thích cho những khó khăn của Nga trong việc tìm đường, tham gia vào chiến tranh đô thị và giành lấy lãnh thổ của Ukraine.

Lực lượng phòng không của Nga hoạt động kém hiệu quả cũng khiến công chúng hoài nghi về chất lượng của các thiết bị cũng như của chương trình đào tạo phi công và binh sĩ vận hành chúng.

Ngoài ra, năng lực sản xuất vũ khí tiên tiến của Nga có thể sẽ suy yếu hơn nữa khi các lệnh trừng phạt cản trở việc nhập khẩu linh kiện.

Một nghiên cứu về vũ khí Nga bị tịch thu hoặc phá huỷ trên chiến trường Ukraine đã tìm thấy 540 bộ phận do nước ngoài sản xuất trong 27 hệ thống quan trọng của Nga, bao gồm máy bay không người lái, tên lửa và thiết bị liên lạc.

Phần lớn các bộ phận đó được doanh nghiệp Mỹ sản xuất, phần còn lại chủ yếu tới từ các nước ủng hộ Ukraine.

Mặc dù buôn lậu và gián điệp có thể giúp Nga lấp đầy khoảng trống, “Moscow và các lực lượng vũ trang của mình vẫn rất dễ bị tổn thương trước các nỗ lực đa phương nhằm ngăn chặn những bộ phận quan trọng này tới Nga…”, theo báo cáo của viện nghiên cứu Royal United Services Instute (Anh).

Nhà phân tích quốc phòng Pavel Luzin tại nền tảng Riddle cho biết thêm, Nga thậm chí có thể không duy trì được kho vũ khí hạt nhân của mình trong thời gian dài bởi nước này vẫn bị trừng phạt.

“Việc thiếu thiết bị công nghiệp, công nghệ và nguồn nhân lực sẽ khiến Nga khó đảm bảo được số lượng tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng hiện tại”, ông Luzin giải thích.

Dẫu vậy, Nga vẫn là một siêu cường hạt nhân với khả năng đáng sợ là leo thang xung đột tại Ukraine bằng cách kích hoạt vũ khí hạt nhân. Liên Xô đã có thể phát triển kho vũ khí của mình mà không cần tiếp cận công nghệ phương Tây.

Yên Khê