Hoá ra Mỹ đã can ngăn Đức đừng phụ thuộc năng lượng Nga từ nửa thế kỷ trước
Thoả thuận năm 1970 giữa Nga và Đức
Vào Chủ nhật ngày 1/2/1970, các chính trị gia cấp cao và giám đốc một số công ty khí đốt lớn của Đức và Liên Xô đã tề tựu về khách sạn hạng sang Kaiserholf ở thành phố Essen, Đức.
Họ có mặt để chính thức ký kết thoả thuận cho đường ống dẫn khí đốt lớn đầu tiên giữa hai nước. Đường ống này sẽ đi từ khu vực Siberia đến biên giới Tây Đức tại Marktredwitz ở Bavaria.
Thoả thuận là kết quả của 9 tháng thương lượng căng thẳng về giá khí đốt, chi phí cho 1,2 triệu tấn đường ống mà Đức bán cho Nga, cùng các điều khoản tín dụng mà một liên doanh gồm 17 ngân hàng của Đức cung cấp cho Moscow.
Mối quan hệ này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên: Đức sẽ cung ứng máy móc và hàng hoá công nghiệp chất lượng cao để xây đường ống; Nga sẽ cung cấp khí đốt - nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp của Đức.
Hệ thống đường ống và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ có tiềm năng gắn kết hai quốc gia, bởi việc hợp tác đòi hỏi hai bên phải thực sự tin tưởng và phụ thuộc lẫn nhau.
Song, đó không chỉ là một thoả thuận thương mại. Đối với các chính trị gia ủng hộ “Ostpolitik” - chính sách phương Đông nhằm bình thường mối quan hệ giữa Tây Đức và Đông Âu được đưa ra dưới thời Thủ tướng Willy Brandt, đây là thời điểm rất quan trọng.
Thoả thuận này nhận được nhiều sự ủng hộ. Tuy nhiên, đối với một số nhà quan sát thì đó là một động thái tiềm ẩn nguy hiểm. Trước lễ ký kết, NATO đã kín đáo viết thư cho Bộ Kinh tế đứng để gặng hỏi về tác động của thoả thuận với tình hình an ninh khu vực.
Ông Norbert Plesser - người quản lý mảng khí đốt trong Bộ Kinh tế Đức, đã đảm bảo với NATO rằng không có gì đáng quan ngại. Vị này nhấn mạnh Đức sẽ không bao giờ phụ thuộc vào Nga, dù chỉ 10% nguồn cung khí đốt.
Khủng hoảng nhen nhóm từ năm 2020
Nửa thế kỷ sau, vào năm 2020, Nga đã cung ứng hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên của Đức và khoảng một phần ba lượng dầu thô mà người Đức dùng để tiếp nhiên liệu cho xe cộ, nhà máy. Ngoài ra, gần một nửa lượng than nhập khẩu của Đức cũng đến từ Nga.
Có lẽ Đức không ngờ rằng việc mua quá nhiều năng lượng của Nga sẽ kìm hãm phản ứng của chính phủ nước này sau khi Nga chính thức tấn công vào nước láng giềng Ukraine hồi tháng 2 năm nay.
Đồng thời, sự phụ thuộc này còn có thể khiến Đức phải trả giá đắt hơn nếu Nga đột ngột cắt đứt dòng chảy khí đốt và người dân phải chấp nhận cảnh sống lay lắt qua mùa đông lạnh giá.
Các quan chức chính phủ Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã một vài lần cáo buộc rằng toàn cõi châu Âu đang trở thành “con tin” của đại gia khí đốt Nga. Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn màng.
Đến nay, Đức vẫn “tài trợ” cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine, vì nền kinh tế lớn nhất châu Âu chưa thể từ bỏ khí đốt của Moscow. Trong hai tháng đầu của chiến sự, Đức ước tính đã trả gần 8,3 tỷ euro cho năng lượng của Nga. Điện Kremlin dùng tiền để nâng đỡ đồng ruble và mua đạn dược cho cuộc chiến tại Ukraine.
Việc từ chối năng lượng hạt nhân cũng như chuyển đổi từ than đá sang năng lượng xanh càng khiến Đức có ít lựa chọn thay thế cho khí đốt của Nga hơn. Berlin phải chấp nhận rằng họ đã mắc phải sai lầm khủng khiếp khi quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Một thoả thuận được sắp xếp để mở ra thời bình giữa những kẻ thù cũ bỗng trở thành một công cụ để đe doạ. Ngoại trưởng Annalena Baerbock giờ đây thừa nhận Đức đã không lắng nghe lời cảnh báo từ những quốc gia từng chịu sự uy hiếp từ Nga, như Ba Lan và các nước vùng Baltic.
Ngay cả Tổng thống Frank-Walter Steinmeier - một người từng rất mực ủng hộ đường lối Ostpolitik, cũng đảo chiều. Ông nói mình đã hiểu sai ý định của Nga khi theo đuổi việc xây dựng một đường ống khí đốt mới dưới biển với Đức.
Hồi tháng 4, ông Steinmeier chia sẻ trên truyền thông: “Chúng tôi đã cố gắng duy trì những cầu nối mà Nga không còn tin tưởng và phớt lờ những lời cảnh báo từ các đối tác khác”.
Mỹ đã bắn tín hiệu cho Đức từ lâu
Làm thế nào mà Đức lại mắc sai lầm như vậy? Một số người đổ lỗi rằng Berlin đã đánh giá sai lầm mối quan hệ với Nga trong suốt 50 năm qua. Lời thừa nhận của Tổng thống Steinmeier có thể phản ánh nhận định này.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều chính trị gia người Mỹ từ Ngoại trưởng Henry Kissinger đến Tổng thống Jimmy Carter đều đã cảnh báo rằng Đức đang ký kết một thoả thuận mà họ sẽ phải hối hận.
Tháng 4/1970, ông Kissinger - khi đó còn là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã viết thư cho Tổng thống Richard Nixon: “Rất ít người, dù ở trong nước hay nước ngoài, nhận thấy Brandt đang bán đứng phương Đông; điều khiến mọi người lo lắng là ông ta liệu có thể kiểm soát thứ mình đã khơi mào hay không”.
Trong hơn 50 năm kể từ thời điểm trên, Đức đã tranh cãi với nhiều đời tổng thống Mỹ về sự phụ thuộc ngày càng lớn vào năng lượng của Nga. Đức tin rằng chỉ có mình mới thực sự hiểu Liên Xô, chứ không phải là nước Mỹ bên kia bờ Đại Tây Dương.
Các cuộc xung đột giữa Đức và Mỹ trong những năm 1970 và 1980 - vốn liên quan tới hai đời tổng thống Mỹ là Jimmy Carter và Ronald Reagan, là minh chứng rõ nét.
Theo chia sẻ của nhà sử học Mary Elise Sarott với Guardian, tranh chấp bắt nguồn từ việc Tây Đức muốn thể hiện sự độc lập trong chính sách đối ngoại trong thời kỳ chiến tranh lạnh và điều đó khiến một số nhà lãnh đạo Mỹ khó chịu.
Khi đương nhiệm, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Thủ tướng Đức Helmut Schmidt được cho là không ưa nhau và dễ bất đồng về các chính sách thực tế.
Trong cuốn tự truyện của mình, ông Schmidt khẳng định mình muốn phát triển quan hệ thương mại với Nga, để “Liên Xô phụ thuộc hơn nữa vào nguồn cung ứng của châu Âu”, từ đó giúp châu Âu tạo ảnh hưởng lớn hơn tới các chính sách của Moscow.
Và sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, Thủ tướng Schmidt càng tin rằng Liên Xô là một nhà cung ứng năng lượng đáng tin cậy của Đức, hơn nhiều so với các quốc gia vùng Vịnh.
Trái lại, ông Carter nói huỷ bỏ quan hệ thương mại mới là cách tốt hơn để gây áp lực với Liên Xô. Tháng 7/1978, để đáp trả việc Moscow bỏ tù hai nhà bất đồng chính kiến, ông Carter đã hạn chế xuất khẩu sang Liên Xô các công nghệ của Mỹ về thăm dò dầu khí.
Tuy nhiên, doanh nghiệp châu Âu lại làm ngược lại. Ngay cả khi Liên Xô tấn công Afghanistan năm 1979, một phái đoàn kinh doanh lớn của Đức vẫn tới Moscow và hoàn tất đàm phán về một dự án khí đốt lớn mới.
Thoả thuận trên được dự đoán sẽ làm tăng mức độ phụ thuộc của Đức vào khí đốt của Nga từ 15% lên 30%. Khi đánh giá tác động an ninh, các bộ trưởng của Đức kết luận rằng không có nguy cơ nào. Lý luận của họ rất đơn giản: “Sự gián đoạn lâu dài sẽ đi ngược lại lợi ích của Liên Xô”.
Trong mắt Tổng thống Ronald Reagan - người kế nhiệm ông Carter, mối quan hệ thương mại của Đức với Nga xung đột trực tiếp với an ninh phương Tây. Một báo cáo của CIA năm 1981 đã chứng thực lo ngại đó.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 1970 - 1980, xuất khẩu khí đốt của Liên Xô sang Tây Âu đã tăng từ 1 tỷ mét khối/năm lên 26,5 tỷ mét khối/năm.
Dự án mới mà Đức và Liên Xô chốt năm 1979 không chỉ thúc đẩy nền kinh tế Liên Xô, mà còn cung cấp cho nước này thêm 8 tỷ USD ngoại tệ, giúp họ xây dựng quân đội lớn mạnh hơn, CIA cảnh báo.
Bất chấp nhiều nỗ lực khác của Washington nhằm thuyết phục Đức dừng dự án khí đốt mới, Đức vẫn không tin. Đáp lại cảnh báo từ Tổng thống Reagan, ông Schmidt đảm bảo Đức có thể “trụ vững 6 tháng nếu Liên Xô cắt khí đốt”.
Đến tháng 11/1982, ông Reagan từ bỏ nỗ lực áp đặt cấm vận. Trong mắt Berlin, lời lẽ của Washington không có mấy sức nặng. Cuối cùng, đường ống mới từ mỏ Urengoy ở Tây Siberia tới Đức chính thức bơm khí đốt từ ngày 1/1/1984 và các đời thủ tướng Đức về sau ngày càng thắt chăt mối quan hệ với Liên Xô, và cho đến gần đây là Nga.