Nga siết cung khí đốt, Đức muốn quay lại dùng than cũng khó
Nga siết cung khí đốt
Theo Reuters, vào tối hôm 27/7 (theo giờ Việt Nam), lượng khí đốt chảy qua đường ống Nord Stream 1 đã tụt xuống 14,4 triệu kilowatt giờ một giờ (kWh/h) hay 33 triệu mét khối/ngày.
Kể từ giữa tháng 6, dòng chảy khí đốt từ Nga đã chỉ còn 28 triệu kWh/h, tương đương với 40% công suất tối đa. Đến ngày 27/7, công suất của Nord Stream 1 lại tiếp tục giảm thêm 20%. Sự sụt giảm này xảy ra chưa đầy một tuần sau khi đường ống kết thúc 10 ngày bảo trì.
Các chính trị gia phương Tây đã liên tục cảnh báo về việc Nga có thể ngừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt vào mùa đông này, khiến giá cả tăng cao cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp và đẩy Đức vào suy thoái.
Giá khí đốt giao tháng 8 trên thị trường Hà Lan (Dutch TTF), tiêu chuẩn của châu Âu, đã lên mức 210 EUR/MWh vào hôm 27/7, tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu và nhà nhập khẩu lớn nhất của khí đốt Nga, đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi nguồn cung sụt giảm vào giữa tháng 6. Berlin đã phải tung ra khoản giải cứu trị giá 15 tỷ EUR cho gã khổng lồ năng lượng Uniper.
Italy, một quốc gia thường nhập 40% nhu cầu khí đốt từ Nga, cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vào mùa đông tới nếu nguồn cung bị ngừng hoàn toàn. Uniper của Đức và Eni của Italy đều tuyên bố đã nhận được ít khí đốt hơn trong những ngày gần đây.
Chỉ riêng đường ống Nord Stream 1 đã chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 1/3 lượng khí đốt từ Nga xuất sang châu Âu. Một ngày trước khi Nord Stream 1 giảm công suất, các quốc gia châu Âu đã thông qua kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm tiêu thụ khí đốt tại một số quốc gia.
Kế hoạch cho thấy nỗi lo của các nước châu Âu về việc không lấp đầy được kho chứa khí đốt và giữ cho người dân đủ ấm trong mùa đông. Đồng thời, nền kinh tế mong manh của EU sẽ chịu thêm cú sốc nếu phải tiết giảm khí đốt.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) cho biết kế hoạch khẩn cấp có thể giúp EU vượt qua mùa đông, nếu dòng chảy khí đốt từ Nga được duy trì ở mức 20-50%.
Phó Giám đốc điều hành Vitaly Markelov cho biết Gazprom vẫn chưa nhận được turbine được tập đoàn Siemens của Đức gửi đi bảo trì để dùng cho trạm nén khí Portovaya. Ông Markelov tuyên bố có những rủi ro trừng phạt liên quan bộ phận này, trong khi Siemens yêu cầu Gazprom phải cung cấp những chứng từ hải quan cần thiết để thông quan.
Đức dự kiến sẽ phải sử dụng đến các nguồn năng lượng khác thay thế, chẳng hạn như các nhà máy điện hạt nhân hoặc điện than đã quá tuổi thọ, gây ô nhiễm môi trường hoặc được cho là không đủ an toàn để bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố sẵn sàng sử dụng nhiên liệu hạt nhân để tránh tình trạng thiếu điện. Đức có thể kéo dài vòng đời của ba nhà máy hạt nhân còn lại, cung cấp khoảng 6% tổng điện năng.
Quay lại dùng than cũng khó
Giá than cao, nguồn cung hạn chế và những nhà máy quá tuổi đang là những thách thức lớn tới kế hoạch tăng cường sản xuất điện than của Đức. Đầu tháng 7, Berlin đã cho phép tái khởi động hoặc kéo dài vòng đời của các nhà máy điện than nhằm đối phó với sự sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga.
Theo ước tính sơ bộ, động thái của Berlin có thể bù đắp cho khoảng từ 1 đến 2% lượng khí đốt tiêu thụ. Tuy nhiên, nhiều nhà khai thác năng lượng đã từ chối mở lại nhà máy điện than hoặc gặp khó khăn liên quan tới việc kiếm đủ nguồn nhiên liệu.
Bundesnetzagentur (Cơ quan quản lý năng lượng của Đức) cho biết các nhà khai thác năng lượng mới chỉ thông báo về việc kết nối lại với điện lưới duy nhất 1 trong số 16 nhà máy điện than theo kỳ vọng của Berlin. Bộ Kinh tế đang thảo luận với các nhà khai thác và các tổ chức, đồng thời theo sát tình hình của điện than.
Một nửa trong số 16 nhà máy trên được vận hành bởi công ty điện lực EnBW tại miền nam nước Đức. Tuy nhiên, công ty này cho biết những nhà máy này không thể hòa vào lưới điện quốc gia do tuổi đời quá cao. EnBW chỉ có thể kéo dài vòng đời cho duy nhất một nhà máy từng dự kiến sẽ đóng cửa vào tháng 10.
Gã khổng lồ Uniper cũng sở hữu nhà máy trong danh sách của chính phủ, nhưng vẫn chưa ra quyết định về việc tái khởi động. Trong khi đó, tập đoàn hóa chất Evonik cho biết sẽ mở cửa lại nhà máy tại thị trấn Marl, nhưng sẽ phải chờ đến mùa thu. “Chúng tôi đã thuê nhân viên, mua than và bảo trì nhà máy”, người phát ngôn của Evonik nói.
Công ty điện Steag cũng dự định khởi động lại nhà máy, tuy nhiên đang phải đối mặt với vấn đề nguồn cung. Người phát ngôn của Steag cho biết kiếm đủ than sẽ là “một gánh nặng đáng kể” với tình hình tài chính của công ty, và chi phí sẽ rơi vào khoảng hàng trăm triệu EUR.
- TIN LIÊN QUAN
-
Gió ít thổi, nước sông cạn: Thiên nhiên đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng của Đức 13/07/2022 - 10:57
Giá điện cao khiến các nhà khai thác năng lượng suy xét việc quay trở lại với điện than. Nhưng giá than cũng đang tăng nhanh, và doanh nghiệp cần phải thanh toán trước để có được nhiên liệu.
Hiệp hội các nhà nhập khẩu than của Đức cho biết, nhiều tuyến vận chuyển nội địa cũng đang gặp vấn đề. Mực nước sông Rhine đang ở mức thấp, khiến cho các xà lan chỉ có thể chở được một nửa công suất. Trong khi đó, hệ thống đường ray đang chịu áp lực lớn do phải vận chuyển các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine.
Hiệp hội này cảnh báo tắc nghẽn về vận chuyển than sẽ ngày càng lớn, đặc biệt kể từ tháng 9, khi khối lượng nhập khẩu được dự báo sẽ tăng lên đáng kể.