|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đến năm 2045, sản lượng than thương phẩm khai thác giảm xuống dưới 40 triệu tấn

07:52 | 18/01/2024
Chia sẻ
Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp than đặt mục tiêu sản lượng than thương phẩm khai thác sẽ giảm dần trong giai đoạn 2031 – 2045, chỉ còn khoảng 38-40 triệu tấn vào năm 2045.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo Cổng TTĐT Chính phủ.

Chiến lược đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than bể than Đông Bắc, bể than An Châu nhằm xác minh và nâng cấp trữ lượng than đảm bảo đủ độ tin cậy theo quy định để huy động vào thiết kế khai thác.

“Phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác (không bao gồm than bùn) giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 45 - 50 triệu tấn/năm và giảm dần trong giai đoạn 2031 – 2045, còn khoảng 38 -40 triệu tấn vào năm 2045”, Chiến lược nêu.

Đồng thời, Chiến lược kỳ vọng đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng trước năm 2040 để tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050, nếu thử nghiệm thành công.

Về thị trường than, Chiến lược đặt mục tiêu hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng hóa nguồn than (than sản xuất trong nước, pha trộn, nhập khẩu...) và đầu mối cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong giai đoạn đến năm 2030.

Chiến lược kỳ vọng vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than sau năm 2030.

Ngoài ra, ngành than cần hoàn thành việc nghiên cứu, thí điểm áp dụng chỉ số giá than quốc tế phù hợp cho tham chiếu giá than nhập khẩu phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh được Thủ tướng phê duyệt.

Xuất khẩu, nhập khẩu than phù hợp nhu cầu thị trường và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, trong đó có xem xét đến việc dự trữ than.

Liên quan đến cơ chế chính sách, Chiến lược sẽ hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực công nghiệp than phù hợp với các giai đoạn phát triển của thị trường năng lượng theo hướng thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên than, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định liên quan.

Ngoài ra, Chiến lược sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… để bảo đảm phát triển các dự án ngành than đáp ứng mục tiêu của Chiến lược.

“Chiến lược tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, tiến tới xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá than minh bạch do thị trường quyết định. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài”, Chiến lược nêu rõ.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng than rà soát, hoàn thiện các quy định về dự trữ than, bảo đảm đáp ứng yêu cầu than cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện; trong đó có tính đến dự phòng để ứng phó với những trường họp rủi ro trong việc nhập khẩu than, biến động cực đoan của thời tiết. 

Hoàng Anh