|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gió ít thổi, nước sông cạn: Thiên nhiên đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng của Đức

10:57 | 13/07/2022
Chia sẻ
Thời tiết khó lường đang khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại Đức thêm nghiêm trọng khi sản lượng điện gió thiếu hụt và tuyến vận chuyển than đá, dầu mỏ chính đang bị ác tắc do mực nước sông thấp kỷ lục.

Gió không thổi

Theo Bloomberg, giá điện ngắn hạn của Đức đã tăng hơn gấp đôi khi gió ít thổi và việc Nga tạm dừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 ảnh hưởng tới nguồn cung.

Hôm 11/7, giá điện chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, với sản lượng điện gió dự kiến tiếp tục thấp trong vài ngày sau. 

Điện gió chiếm 22.5% tổng điện năng của Đức nên

Đức và châu Âu cũng đang đối mặt với lo ngại rằng Moscow sẽ không mở lại đường ống khí đốt Nord Stream 1 sau khi việc bảo trì hoàn tất. Chính phủ đã phải cho phép mở lại các nhà máy điện than và hạn chế các nhà máy sử dụng khí đốt.

Sản lượng điện gió tại Đức đạt đỉnh 8.242 megawatt vào lúc nửa đêm và có khả năng giảm xuống khoảng 2.000 megawatt hôm 12/7, theo mô hình của Bloomberg.

Các tấm pin mặt trời của quốc gia này ước tính sản sinh tối đa 24.254 megawatt vào hôm 11/7, thấp hơn nhiều so với kỷ lục 36.833 megawatt được thiết lập vào ngày 15/6.

Giá cả có khả năng chịu nhiều áp lực hơn trong tuần này khi một đợt nắng nóng lan đến Đức từ ngày 16/7. Nhiệt độ ở Frankfurt được dự báo lên tới 37,5 độ C vào ngày 18/7, theo Maxar Technologies. Hợp đồng điện giao ngày hôm sau đã tăng lên 372,6 EUR/MWh (megawatt giờ) trong vào hôm 10/7. Giá điện cho ngày 12/7 được giao dịch ở mức 370 EUR/MWh.

Điện gió ít đi cũng đồng nghĩa với việc Đức sẽ phải tăng cường điện than, khí đốt, đúng vào lúc những nguồn năng lượng này đang ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.

Nước sông cạn

Mực nước trên sông Rhine tiếp tục xuống thấp, ảnh hưởng tới nỗ lực của châu Âu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.

Đợt nắng nóng đã khiến một nhánh của dòng sông, cũng là tuyến đường thủy quan trọng nhất của châu Âu, xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm, ảnh hưởng tới việc tích trữ than và dầu cho mùa đông.

Ông Guillaume Perret, người sáng lập công ty tư vấn năng lượng Perret Associates, cho biết: “Mực nước thấp trên sông Rhine đồng nghĩa với việc sà lan sẽ không thể chở than hết trọng tải” cho các nhà máy điện tại Đức.

 

Hiện tại, hầu hết công ty điện đều có kho dự trữ dồi dào, nhưng điều này có thể thay đổi nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn cho tới cuối tháng sau, ông nói thêm. 

Sông Rhine là một huyết mạch của châu Âu, dài khoảng 1.288 km chạy từ Thụy Sĩ đến Biển Bắc. Con sông là tuyến đường quan trọng để vận chuyển hàng hóa từ các cảng nhộn nhịp của Amsterdam, Rotterdam và Antwerp đến người mua ở nội địa Châu Âu.

Mực nước tại Kaub, một điểm tắc nghẽn gần Frankfurt, đang ở mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2007, theo dữ liệu từ cơ quan quản lý đường thủy Đức. Tình hình cũng tương tự gần Duisburg và Dusseldorf.

Những đợt khô hạn đôi khi hạn chế giao thông trên sông Rhine, buộc các sà lan phải giảm tải. Công ty môi giới hàng hải Riverlake cho biết rằng một sà lan với sức tải 2.500 tấn chở nhiên liệu diesel thực tế chỉ có thể mang theo 1.600 tấn.

Ông Jelle Vreeman, một nhà môi giới cấp cao của công ty cho biết: “Nếu mực nước thấp kết hợp với nguồn cung cấp dầu diesel hạn chế sẽ khiến một số bể chứa ở Đức có thể cạn kiệt và điều này đã xảy ra trước đây”. 

Một đợt nắng nóng kéo dài có thể cản trở nỗ lực đảm bảo năng lượng cho mùa đông khi lục địa già cần nhiều năng lượng nhất. 

Nhiệt độ cao và lượng mưa thấp hơn mức trung bình được dự báo sẽ kéo dài trong tuần tới. Các nhà khoa học cho biết đây có thể trở thành một vấn đề liên tục trong những năm tới khi biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

Đức đang có kế hoạch nhập khẩu thêm 10 triệu tấn than nhiệt so với thường lệ trong năm nay để cung cấp điện cho mùa đông, tiết kiệm khí đốt cho ngành công nghiệp và sưởi ấm. Sông Rhine đã vận chuyển 17 triệu tấn than và 28 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2020.

Một số công ty năng lượng đã và đang thực hiện các bước để chuẩn bị cho những tháng lạnh hơn. EnBW AG, có bốn nhà máy điện than đang hoạt động ở Đức cho biết họ đã sử dụng quý thứ hai của năm để tích trữ hàng tồn kho tại các cơ sở và hiện có một lượng hàng dự trữ ở mức “đáng kể”.

Người phát ngôn của công ty cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình mực nước sông Rhine”.

Thời tiết khó lường ảnh hưởng tới chuyển đổi xanh

Không có bất cứ hệ thống năng lượng tái tạo nào có thể hoạt động mà không cần tới năng lượng hóa thạch. Khả năng phát điện của những nguồn năng lượng như gió, mặt trời, thủy điện là khác nhau theo mùa, và thậm chí theo từng thời điểm trong ngày.

Một hệ thống năng lượng thường phải được xây dựng với nhiều nguồn khác nhau.

Thứ nhất là những nguồn năng lượng ổn định, không thể nhanh chóng tăng giảm công suất, ví dụ như hạt nhân, thủy điện, địa nhiệt. Thứ hai là những nguồn năng lượng tái tạo, có công suất không ổn định theo từng thời điểm: gió, mặt trời, thủy triều. Và cuối cùng là những nguồn năng lượng hóa thạch có thể nhanh chóng tăng hoặc giảm công suất: than, khí đốt, dầu.

Nguồn năng lượng mặt trời chỉ hoạt động hiệu quả trong khoảng 8 tiếng/ngày. (Ảnh: Đức Quyền/Alex Chu).

Vào những thời điểm giữa trưa hay ngày nhiều gió, công suất phát điện tái tạo cao, các nhà máy than, khí đốt có thể tạm ngừng hoạt động. Khi trời tối hoặc gió lặng, điện than và khí đốt sẽ được sử dụng để bù đắp. 

Sông và các hồ chứa cũng đóng vai trò quan trọng, vừa để làm thủy điện, vừa hoạt động như những cục pin: bơm nước lên hồ chứa khi thừa điện và xả nước để chạy turbine thủy điện khi gió không thổi hoặc trời không nắng. Với Đức, các dòng sông còn là tuyến vận chuyển chính cho năng lượng hóa thạch.

Hệ thống năng lượng tái tạo không chỉ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, mà còn dựa vào khả năng dự báo thời tiết để điều tiết. Chẳng hạn nếu mùa đông gió thổi ít hơn, tuyết rơi dày hoặc ít ánh nắng, Đức sẽ cần có phương án để tăng cường điện than, điện khí đốt hoặc điện hạt nhân.

Biến đổi khí hậu đang khiến khả năng đoán trước thời tiết của con người ngày càng khó khăn. Mực nước sông Rhine thất thường, gió thổi ít hơn hay tuyết rơi dày hơn vào mùa đông sẽ gây áp lực ngày càng lớn đến hệ thống năng lượng của Đức nói riêng và châu Âu nói chung.

Năng lượng tái tạo được châu Âu xem như cơ hội để thoát sự phụ thuộc nhiên liệu từ Nga nhưng cũng có thể khiến châu lục này phải dựa vào thứ còn thất thường hơn: thời tiết. 

Minh Quang