|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Cá mập' ngoại ồ ạt rút vốn khỏi mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam

16:53 | 16/09/2024
Chia sẻ
Việt Nam từng là điểm đến hấp dẫn, tiềm năng về năng lượng tái tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài. Song, trong thời gian gần đây, nhiều "cá mập" ngoại lại lên kế hoạch rút lui khỏi thị trường.

Các nhà đầu tư rút khỏi loạt dự án

Đầu tháng 9, nguồn tin của Reuters cho biết, tập đoàn năng lượng Enel của Italy đang chuẩn bị để rút khỏi Việt Nam, một phần trong kế hoạch tái cấu trúc hoạt động toàn cầu của doanh nghiệp này.

Hồi năm 2022, Enel cho biết họ muốn đầu tư vào các nhà máy có thể sản xuất đến 6 GW năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tuy không nói rõ cụ thể loại năng lượng nào, Enel đề cập rằng Việt Nam có tiềm năng đối với năng lượng gió và mặt trời.

Tờ Reuters lưu ý họ không chắc chắn có đúng Enel sẽ hủy bỏ các dự án ở Việt Nam không và nếu có thì khi nào tập đoàn sẽ ra thông báo. Dự kiến Enel sẽ trình bày kế hoạch chiến lược hàng năm vào tháng 11.

Cũng trong khoảng thời gian này, Scatec ASA, tập đoàn năng lượng tái tạo Na Uy đã ký thỏa thuận chuyển nhượng trang trại điện gió Đầm Nại và Công ty vận hành tại Việt Nam cho SARA (Sustainable Asia Renewable Assets), nền tảng năng lượng tái tạo quy mô tiện ích của Quỹ chuyển đổi năng lượng châu Á SUSI (SAETF).

Theo thoả thuận, Scatec sẽ nhận khoản trả trước trị giá 27 triệu USD (khoảng 663 tỷ đồng) cho 100% giá trị cổ phần tại dự án. Giao dịch dự kiến ​​sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025, theo trình tự thủ tục của cơ quan quản lý. Ngoài ra, công ty có thể nhận thêm một khoản tiền lên tới 13 triệu USD sau khi hoàn tất một số điều kiện ràng buộc giữa hai bên trước tháng 5/2026.

 Cánh đồng điện gió Đầm Nại (Ảnh: Thanh Niên).

Tháng trước, người phát ngôn của gã khổng lồ năng lượng Na Uy Equinor cho biết “công ty đã quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng Hà Nội".

Đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa văn phòng đại diện tập trung vào các dự án điện gió ngoài khơi ở nước ngoài. Trước đó, Equinor đã rút khỏi hơn chục quốc gia, nơi họ từng đầu tư vào các dự án dầu mỏ và khí đốt, để tập trung vào mảng năng lượng tái tạo và phát thải carbon thấp.

Theo Equinor, công ty quyết định rời khỏi Việt Nam sau khi xem xét danh mục tài sản năng lượng tái tạo. "Gần đây, ngành điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với nhiều trở ngại và chúng tôi cần phải có chiến lược hợp lý", ông Eidsvold cho biết. 

 Trụ sở của Equinor tại Na Uy (Nguồn: Reuters).

Cuối năm ngoái, tập đoàn Orsted của Đan Mạch thông báo dừng kế hoạch đầu tư vào các trang trại điện gió ngoài khơi ở nước ta. Công ty này cho rằng, các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ dự án điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng.

Theo Orsted, ngay cả sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai nhằm xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ cũng như quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư. Do chưa có chính sách rõ ràng, thống nhất nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót hàng tỷ USD vào các dự án. Hơn nữa, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện vẫn chưa rõ ràng. 

Việt Nam từng là điểm đến hấp dẫn

Nhìn lại giai đoạn 2018 – 2020, đây là thời điểm diễn ra nhiều thương vụ sang nhượng các dự án năng lượng tái tạo để kịp đóng điện trước ngày 1/1/2021 (đối với điện mặt trời) và 1/11/2020 (đối với điện gió) nhằm hưởng giá ưu đãi.

Năm 2019, Vina Solar Technology (Trung Quốc) đã mua lại dự án điện mặt trời VSP Bình Thuận 2

Cũng trong năm đó, Reonyuan Power Singapore - công ty con của Ningbo Boway Alloy Material - một tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực vật liệu hợp kim đã mua lại dự án điện mặt trời HCG Tây Ninh công suất 100 MW.

Năm 2020, Super Energy (Thái Lan) chi gần 460 triệu USD để mua cụm dự án điện mặt trời là Lộc Ninh 1,2,3,4 tại tỉnh Bình Phước.

Cùng năm, một Tập đoàn năng lượng Thái Lan là Gulf Energy Development công bố mua 2 nhà máy điện gió với tổng công suất 100 MW tại huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai với giá khoảng 200 triệu USD thông qua việc mua cố phiếu của CTCP Đầu tư Năng lượng Điện Xanh Gia Lai.

 Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3. (Ảnh: Pecc2).

Sang năm 2021, Hitachi Sustainable Energy, thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) đã mua 35,1% cổ phần của CTCP Điện gió Trung Nam, đơn vị sở hữu dự án cùng tên với tổng vốn đầu tư tương đương 4.000 tỷ đồng.

Rào cản pháp lý cho năng lượng tái tạo 

Hồi tháng 3, trong cuộc làm việc với Phó Chủ tịch Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (GFANZ), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong xây dựng cơ chế, chính sách pháp lý cho chuyển đổi xanh.

Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo nhưng chưa giải được bài toán công nghệ như bảo đảm cân bằng, ổn định của lưới điện quốc gia, sản xuất, sử dụng hydro xanh, amoniac xanh, các giải pháp lưu trữ điện năng, xuất khẩu điện.

Trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm các vướng mắc về pháp lý, đồng thời triển khai thí điểm một số dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời với giải pháp lưu trữ điện năng, cấp điện linh hoạt…

 Nguồn: VCBS.

Trong Sách Trắng 2024 của EuroCham chỉ ra có nhiều khía cạnh hạn chế sự phát triển và tiến bộ của ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân là không có quy định rõ ràng về cách lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án năng lượng trong tương lai, đặc biệt là với các công nghệ năng lượng tái tạo mới nếu các cơ chế thí điểm được thực hiện và các tiêu chí cho những cơ chế này, hoặc khả năng lựa chọn qua hình thức đấu thầu.

Bên cạnh đó, EuroCham cho rằng cần phải đánh giá toàn diện và khai thác tối đa tiềm năng thị trường bán lẻ cũng như cải cách giá điện để tăng tính minh bạch và sự đảm bảo (giảm rủi ro) để khuyến khích đầu tư thêm từ khu vực tư nhân (nhà phát triển) và các ngành thuộc chuỗi cung ứng bắt buộc tương ứng.

Trong báo cáo về ngành điện của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) hồi tháng 5 chỉ ra hai loại năng lượng tái tạo có tiềm năng nhất là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

VCBS cho rằng, lưu trữ năng lượng là một trong những điều kiện tiên quyết để tích hợp công suất năng lượng tái tạo lớn vào hệ thống và duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, hệ thống lưu trữ hiện tại có chi phí đầu tư cao và đây thực sự là thách thức kinh tế đối với Việt Nam.  

Theo đơn vị phân tích, tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam phân bố không đồng đều nên việc truyền tải là nhu cầu tất yếu để phân bổ năng lượng hiệu quả. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển mạng lưới truyền tải phù hợp nhằm đáp ứng nhanh sự tăng trưởng của công suất và nhu cầu điện, đưa điện từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Lâm Anh