|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Reuters: Gã khổng lồ năng lượng tái tạo Enel sắp rút khỏi Việt Nam

15:56 | 10/09/2024
Chia sẻ
Các nguồn tin tiết lộ với tờ Reuters rằng tập đoàn Enel của Italy sẽ hủy bỏ các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Logo của Enel tại trụ sở ở Milan, Italy. (Ảnh: Reuters). 

Các nguồn tin của tờ Reuters cho biết tập đoàn năng lượng Enel của Italy đang chuẩn bị để rút khỏi Việt Nam, một phần trong kế hoạch tái cấu trúc hoạt động toàn cầu của doanh nghiệp này.

Hồi năm 2022, Enel cho biết họ muốn đầu tư vào các nhà máy có thể sản xuất đến 6 GW năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tuy không nói rõ cụ thể loại năng lượng nào, Enel đề cập rằng Việt Nam có tiềm năng đối với năng lượng gió và mặt trời.

Tờ Reuters lưu ý họ không chắc chắn có đúng Enel sẽ hủy bỏ các dự án ở Việt Nam không và nếu có thì khi nào tập đoàn sẽ ra thông báo. Dự kiến Enel sẽ trình bày kế hoạch chiến lược hàng năm vào tháng 11. Enel từ chối trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Tập đoàn Enel - do nhà nước Italy kiểm soát - là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới về năng lượng tái tạo. Nhưng kể từ khi CEO Flavio Cattaneo lên nắm quyền vào năm 2023, tập đoàn đã chuyển trọng tâm sang cơ sở hạ tầng lưới điện và cam kết dành một lượng đáng kể nguồn lực để đầu tư trong nước, đồng thời giảm bớt hoạt động quốc tế.

Enel Green Power - công ty năng lượng tái tạo của Enel - quản lý hơn 1.300 nhà máy và đã lắp đặt khoảng 64 GW năng lượng tái tạo trên khắp thế giới, theo thông tin công ty này đăng tải trên trang web.

Trong số 6 GW công suất năng lượng tái tạo mà Enel có kế hoạch lắp đặt ở Việt Nam, khoảng 1 GW đã “ở giai đoạn nâng cao” từ giữa năm 2022. Trên trang web, Enel cho biết dự kiến nhà máy năng lượng đầu tiên ở Việt Nam của họ sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024. 

Tháng trước, Reuters đưa tin ông lớn năng lượng Equinor của Na Uy đã hủy kế hoạch đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Năm ngoái, tập đoàn Orsted của Đan Mạch cũng thông báo dừng kế hoạch đầu tư vào các trang trại điện gió ngoài khơi ở nước ta. 

Tổng công suất các nguồn điện Việt Nam hiện nay vào khoảng 80 GW. Chính phủ đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất lên gần 160 GW vào năm 2030, trong đó điện gió chiếm gần 20%.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam gặp rắc rối với việc tích hợp một số nguồn điện mới, bao gồm những dự án điện mặt trời và điện gió ngoài khơi chưa được kết nối với lưới điện.

Giang

Nóng mùa ESOP, có lãnh đạo được nhận giá trị cổ phiếu lên tới hơn trăm tỷ
Nhằm giữ chân, thu hút nhân tài, nhiều doanh nghiệp niêm yết luôn duy trình chính sách ESOP. Việc chào bán ESOP cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn tiền cho hoạt động đầu tư đồng thời ESOP sẽ hiệu quả về thuế hơn cho với trả thưởng tiền mặt cho cả doanh nghiệp và người lao động. Song chính sách này cũng gây xung đột lợi ích cho cổ đông.