Quảng Trị đón 4.400 tỷ đồng đầu tư, đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung
Theo Quyết định số 1737, Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung vào năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với đó, tỉnh sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng logistic chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến. Nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối, điện hydrogen, tập trung các nguồn nhiệt điện khí, điện gió và công nghiệp khí tại vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ; ưu tiên áp dụng công nghệ sản xuất khí hydro xanh và khí amoniac xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Trao chủ trương đầu tư cho 9 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng
Để triển khai hoàn thành các mục tiêu này, phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá Quảng Trị có nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt để trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và cả nước.
"Quảng Trị hội tụ nhiều điều kiện tốt để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần 'thay áo mới' cho tỉnh trong giai đoạn tiếp theo", Phó Thủ tướng cho biết.
Ông nhấn mạnh, về công nghiệp, Quảng Trị cần chú trọng phát triển năng lượng điện gió tại vùng ven biển, đảo Cồn Cỏ và các vùng tiềm năng, các cơ sở công nghiệp khí, điện khí tại Khu Kinh tế Đông Nam. Cũng như, xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, kết hợp cải thiện hệ thống thủy lợi; ưu tiên phát triển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao…
Ngoài ra, với 75Km đường bờ biển, Quảng Trị là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây, đồng thời cũng là đầu mối giao lưu, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước với các nước trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng và là cầu nối vùng Bắc Trung Bộ với vùng động lực miền Trung.
Vì vậy, Phó Thủ tướng giao tỉnh Quảng Trị phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistics tại các nơi có tiềm năng. Cảng Mỹ Thuỷ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá của khu vực và thế giới. Hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo (Quảng Trị) - Đensavan (Lào).
Quảng Trị phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong (GMS).
Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 4.400 tỷ đồng. Đồng thời, trao chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho hai dự án PPP với tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng và 5 dự án được trao chủ trương nghiên cứu, khảo sát đề xuất dự án.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, tỉnh sẽ tập trung phấn đấu trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm điện khí, công nghiệp khí; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp silicat; sản xuất vật liệu xây dựng.
“Tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ luôn lắng nghe, đối thoại, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Quảng Trị luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội và quyết định đầu tư dự án”, ông Hưng khẳng định.