|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Phi trách phương Tây 'đạo đức giả' trong cuộc khủng hoảng năng lượng

10:39 | 12/07/2022
Chia sẻ
Châu Âu muốn nhập khẩu càng nhiều khí đốt của châu Phi càng tốt, nhưng không muốn tài trợ cho các dự án cho phép lục địa nghèo nhất thế giới có cơ hội sử dụng nguồn nhiên liệu này.

Theo Bloomberg, tại Đảo Bonny thuộc Nigeria, có một nhà máy khổng lồ sản xuất đủ lượng khí hóa lỏng (LNG) để sưởi ấm cho một nửa nước Anh trong mùa đông. Đa số lượng khí đốt này được bán ra nước ngoài, với khách hàng chủ yếu là Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha.

Chỉ cách Đảo Bonny hơn 27 km, tại thị trấn Bodo, người dân vẫn phải sử dụng kerosone (dầu hỏa, nhiên liệu máy bay) và diesel mua từ chợ đen để đốt lò và chạy máy phát.

Những loại nhiên liệu này được sản xuất bằng dầu thô lấy trộm từ các tập đoàn dầu khí khổng lồ như Shell, Eni và TotalEnergies: nhà đồng sở hữu của cơ sở trên Đảo Bonny với chính phủ Nigeria.

Ông Pius Dimkpa, Chủ tịch Ủy ban phát triển cộng đồng của Bodo cho biết: “Khí đốt của Nigeria được đưa tới Bonny và châu Âu để cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp và hộ gia đình, nhưng chúng tôi chẳng được hưởng lợi gì”.

Một khu chợ không có điện tại Nigeria. (Ảnh: Pius Utomi Ekpei/AFP).

Nigeria chiếm 3% nguồn dự trữ khí đốt toàn cầu, gần như hoàn toàn chưa khai thác. Như đa số các quốc gia châu Phi, những gì được khai thác từ quốc gia này sẽ được chuyển tới châu Âu, nơi đang đẩy mạnh nhập khẩu LNG để bù đắp lượng thiếu hụt do ảnh hưởng từ xung đột Ukraine.

Vào tháng 4, Italy ký hợp đồng với Angola và Cộng hòa Congo, trong khi Đức đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Senegal. Động thái gần đây hoàn toàn trái ngược với những gì mà một vài lãnh đạo châu Âu đã cam kết tại Hội nghị Khí hậu COP26 tháng 11 năm ngoái.

 

Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Phi sẵn lòng chấp nhận khoản doanh thu hàng triệu USD từ khí đốt, họ cũng không ngần ngại chỉ ra tiêu chuẩn kép của châu Âu.

Những nhà lãnh đạo đặt câu hỏi tại sao châu Phi phải từ bỏ nhiên liệu “bẩn”, đồng nghĩa với việc trì hoãn khả năng tiếp cận điện của hàng trăm triệu người, trong khi khí đốt của họ lại giúp thắp sáng châu Âu.

Các quốc gia giàu có không sẵn lòng tài trợ đường ống và nhà máy điện giúp châu Phi có thể sử dụng khí đốt, từ đó giảm phát thải. Và phương Tây cũng chưa hề hoàn thành lời hứa giúp tài trợ các dự án năng lượng xanh.

Ngoại lệ hay tiêu chuẩn kép

Tại hội nghị thượng đỉnh G7, những nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã quay lưng lại với các cam kết khí hậu trước đây về việc ngừng tài trợ cho các dự án năng lượng hóa thạch tại nước ngoài. 

Các quốc gia này cho biết trường hợp ngoại lệ nhiều khả năng được áp dụng với các dự án cho phép xuất khẩu được nhiều LNG hơn.

Cơ sở khí đốt tại Đảo Bonny, Nigeria năm 2013. (Ảnh: Pius Utomi Ekpei/AFP).

Gần đây, các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu phân loại các dự án khí đốt và năng lượng hạt nhân là “đầu tư xanh”, mở ra hàng tỷ USD nguồn vốn mới.

Cách tiếp cận của phương Tây đã chọc giận các nhà lãnh đạo châu Phi, những người cần bất kỳ loại nhiên liệu nào để đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. “Chúng tôi cần quan hệ đối tác lâu dài, chứ không phải sự thiếu nhất quán và mâu thuẫn về chính sách năng lượng xanh từ Anh và Liên minh châu Âu”, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari tuyên bố.

“Các chính sách của phương Tây không giúp ích gì cho an ninh năng lượng của châu Phi, không giúp ích gì cho nền kinh tế của Nigeria, và không giúp ích cho môi trường. Châu Âu cần phải chấm dứt thói đạo đức giả”, ông Buhari khẳng định.

Một cửa hàng bán than củi tại Mozambique. (Ảnh: Jekesai Njikizana/AFP).

Tất nhiên, các chính phủ của khu vực châu Phi hạ Sahara cũng phải chịu một phần trách nhiệm về việc không tận dụng tốt nguồn dự trữ khí đốt của mình.

Không có nhiều quốc gia nghiêm túc đầu tư hoặc cải tổ ngành năng lượng, dầu mỏ hoặc khí đốt. Các nhà máy tại Đảo Bonny của Nigeria hoạt động dưới công suất ít nhất 20% kể từ năm 2021 do nạn trộm cắp và phá hoại.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Phi ủng hộ việc thúc đẩy xuất khẩu khí đốt để mang lại nguồn thu, nhưng cũng mong muốn tiếp cận nguồn tài chính để tạo ra thị trường khí đốt trong nước.

"Phương Tây không thể chỉ đến và nói: ‘Chúng tôi cần khí đốt của bạn, tôi sẽ mua khí đốt của bạn và chúng tôi sẽ đưa nó đến châu Âu’", bà Gabriel Obiang Lima, Bộ trưởng năng lượng của Guinea Xích Đạo cho biết. "Châu Âu cần trả lại một cái gì đó cho chúng tôi".

Năng lượng hóa thạch cho châu Âu

Khí đốt từ lâu đã gây tranh cãi về mặt khí hậu: dù sạch hơn các nhiên liệu hóa thạch khác như than và dầu nhưng vẫn tạo ra CO2 và có nguy làm rò rỉ khí metan gây hiệu ứng nhà kính.

Lập trường riêng của châu Âu về nhiên liệu đã thay đổi kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu. Ưu tiên hàng đầu của EU hiện nay là mua càng nhiều LNG càng tốt, trong khi các nước bao gồm Đức, Áo và Hà Lan đã chuyển sang sử dụng than đá như một nguồn dự phòng.

Quá trình chuyển đổi thẳng tới năng lượng sạch được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không khả thi trừ khi các quốc gia giàu có và các ngân hàng phát triển đứng ra tài trợ.

Thêm vào sự thất vọng của châu Phi là các quốc gia giàu có đã không đạt được nhiệm vụ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho mục tiêu khí hậu từ 2020.

Bộ trưởng Năng lượng Ghana Matthew Opoku Prempeh nói: “Toàn bộ phương Tây phát triển dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Và ngay bây giờ, một số quốc gia phương Tây đang quyết định đưa than trở lại vì xung đột Ukraine”.

“Vậy, khi thế giới muốn chuyển sang phát thải carbon bằng không, ai sẽ phải đóng góp nhiều hơn? Có phải phương Tây hàm ý rằng châu Phi nên tiếp tục lạc hậu?", ông mỉa mai.

Nhiều quốc gia châu Phi có quá nửa dân số không được tiếp cận lưới điện.

Một loạt các phát hiện gần đây đã thu hút hàng chục tỷ USD từ các công ty năng lượng hóa thạch như Exxon Mobil, BP và Shell đổ vào Mozambique, Tanzania, Senegal và Mauritania để khai thác khí đốt xuất khẩu.

Theo các nhà tư vấn Rystad Energy, kế hoạch phát triển các cơ sở LNG sẵn có ở Nigeria và Angola có thể giúp châu Phi sản xuất 470 tỷ m3 khí/năm vào cuối thập niên 2030, tương đương 75% sản lượng của Nga. Điều đáng nói là hầu như toàn bộ nguồn nhiên liệu này sẽ được xuất khẩu.

Trong khi đó, nguồn tài trợ dành cho các nhà máy điện sử dụng khí đốt ở châu Phi đang rất khan hiếm. Các chính phủ và doanh nghiệp đang có các dự án trị giá 100 tỷ USD đã được lên kế hoạch, bao gồm 35 gigawatt điện sử dụng khí đốt, nhưng không thể tìm được nhà đầu tư.

Biến đổi khí hậu hay "thực dân xanh"

Bà Vicky Ford, Bộ trưởng các vấn đề Châu Phi của Anh đã tuyên bố tiêu chuẩn cho bất kỳ nguồn tài chính nào phục vụ phát triển khí đốt sẽ rất cao. “Thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt vẫn là biến đổi khí hậu”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 17/5.

“Chiến lược dài hạn phải tiếp tục hướng tới năng lượng tái tạo”. Thế nhưng tại quê nhà, chính phủ Anh lại đang thúc đẩy việc thăm dò thêm các giếng dầu khí ở Biển Bắc.

Ông Carlos Lopes, cựu lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc về châu Phi, cho biết việc tìm đến châu Phi như một giải pháp về vấn đề khí đốt trong ngắn hạn là thể hiện thái độ “kẻ cả” và “đạo đức giả”.

Thật là "quá đáng khi nói với người châu Phi rằng họ không nên xem xét các lựa chọn trước mắt (sử dụng nhiên liệu hóa thạch) nhưng đồng thời yêu cầu cung cấp khí đốt cho châu Âu vì cuộc xung đột Ukraine", ông nói.

Bà Vijaya Ramachandran, Giám đốc năng lượng và phát triển tại Viện Đột phá có những tuyên bố thẳng thắn hơn. 

Bà cho biết hành động của phương Tây là “chủ nghĩa thực dân xanh”, khi các nước giàu khai thác tài nguyên của các nước nghèo nhưng đồng thời cấm các nước nghèo làm điều tương tự vì cái cớ khí hậu.

Ở Bodo, gần Đảo Bonny, đường dây điện chết treo lơ lửng trên đầu trong khi phụ nữ nấu ăn bằng củi. Bà Monica Gboro, người bán đậu và bột ngô từ một cửa hàng tạm cho biết: “Khói làm chúng tôi đau mắt. Nếu con bạn đến gần bạn trong bếp, bạn sẽ phải đuổi chúng đi vì khói".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang