|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đức 'đứng ngồi không yên' vì sợ Nga lấy cớ bảo trì để cắt hoàn toàn dòng chảy khí đốt

16:54 | 06/07/2022
Chia sẻ
Việc Nga bảo trì đường ống Nord Stream 1 đang khiến Đức lo lắng về vấn đề nguồn cung cho mùa đông sắp tới, bởi Moscow có thể tận dụng cơ hội này để cắt đứt hoàn toàn dòng chảy khí đốt.

Kế hoạch bảo trì

Theo đưa tin từ CNBC, theo kế hoạch bảo trì thường niên, Nga đang chuẩn bị khóa van tạm thời đường ống Nord Stream 1, tuyến nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU).

EU đang lo ngại rằng nếu nguồn cung khí đốt gián đoạn hơn nữa, nỗ lực chuẩn bị cho mùa đông của khối sẽ bị ảnh hưởng. Một số còn lo sợ rằng Điện Kremlin sẽ lấy cớ bảo trì để cắt hoàn toàn nguồn cung tới châu Âu.

Cụ thể, hoạt động bảo dưỡng mùa hè trên đường ống chạy dưới biển Baltic từ Nga đến Đức dự kiến diễn ra từ ngày 11/7 đến ngày 21/7.

Hiện giờ, chính phủ các nước châu Âu đang phải vật lộn để lấp đầy các kho chứa khí đốt nhằm cung cấp đủ nhiên liệu để người dân bật đèn và sưởi ấm nhà cửa vào mùa đông tới.

 

Đường ống Nord Stream 1. (Ảnh: ITN). 

 

 

“Chúng ta không thể loại trừ khả năng dòng chảy khí đốt sẽ không được nối lại vì lý do chính trị”, ông Klaus Mueller, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur cho biết.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cũng đồng ý. Nếu nguồn cung “không quay trở lại sau khi bảo trì, thì kế hoạch đổ đầy kho chứa của EU vào cuối mùa hè có thể sẽ không thực hiện được”, ông Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group, nói với CNBC.

 Đường ống Nord Stream 1 thuộc sở hữu đa số của công ty khí đốt nhà nước Nga Gazprom. Gã khổng lồ năng lượng này đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNBC.

Ông Gloystein nói rằng một mối quan tâm chính đối với các nhà hoạch định chính sách của EU và lĩnh vực năng lượng là việc “hầu như không biết điều gì sẽ xảy ra” do hầu hết các liên lạc với Gazprom đã bị cắt đứt. Hai bên từng thường xuyên trao đổi cho đến tháng 5/2022.

Nỗi lo mùa đông

 

Tỷ lệ lấp đầy hiện tại khoảng 60%. 

 

 

Nga đã giảm lượng khí đốt đến châu Âu khoảng 60%, và vẫn chưa biết khi nào hoặc liệu dòng chảy Nord Stream 1 có thể sẽ trở lại mức bình thường. 

Gazprom đổ lỗi cho việc Siemens Energy chậm trả lại thiết bị gửi đi bảo trì. Hiện những trang thiết bị này đang bị kẹt lại tại Canada do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu và mô tả tình hình hiện nay là một "cuộc khủng hoảng nhân tạo" do chính châu Âu gây nên.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã bác bỏ các tuyên bố này, nói rằng việc hạn chế nguồn cung của Nga là một "quyết định chính trị" được đưa ra nhằm gây bất ổn cho khu vực và làm tăng giá khí đốt.

Cuối tháng trước, Đức đã chuyển sang mức thứ hai được gọi là "mức cảnh báo" trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp của mình. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã nhận thấy nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt dài hạn nhưng tin rằng thị trường vẫn có thể kiểm soát được sự gián đoạn mà không cần can thiệp.

Eurasia Group cho biết, nếu Tổng thống Putin quyết định kéo dài thời gian cắt khí đốt sau 10 ngày bảo trì, thì Đức sẽ phải chuyển sang cấp độ ba trong kế hoạch. Ở cấp độ này, Bundesnetzagentur sẽ đứng ra phân phối nguồn cung khí đốt trên toàn quốc.

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức tuyên bố rằng chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường khí đốt trước khi hoạt động bảo trì bắt đầu.

“An ninh nguồn cung hiện vẫn được đảm bảo, nhưng tình hình vẫn nghiêm trọng” người phát ngôn cho biết. “Hiện tại, khí đốt có thể thu mua với số lượng lớn trên thị trường nhưng với giá cao, và việc bơm vào kho lưu trữ vẫn đang được tiếp tục”.

Điểm nóng của châu Âu

Ông Gloystein của Eurasia Group bình luận thêm: “Đức đã trở thành một điểm nóng đối với toàn bộ EU. Đức có dân số đông nhất, là nền kinh tế lớn nhất và tiêu thụ cũng như nhập khẩu khí đốt nhiều nhất lục địa già.

Ngoài ra, Đức cũng có đường biên giới với 9 quốc gia khác. Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra ở Đức đều tràn sang phần còn lại của châu Âu”. 

 

Không chỉ các nhà chức trách Đức lo ngại sâu sắc về viễn cảnh nguồn cung bị cắt giảm hơn nữa. Vào tuần trước, chính phủ Italy, người mua khí đốt Nga lớn thứ hai tại EU, đã cho công ty nhà nước Gestore dei Servizi Energetici vay 4 tỷ EUR (tương đương 4,2 tỷ USD) để mua khí đốt dự trữ.

Đức, Italy, Áo và Hà Lan cũng đã chỉ ra rằng các nhà máy nhiệt điện than có thể sẽ được sử dụng để bù đắp cho nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt giảm.

Nga sẽ không cắt hoàn toàn khí đốt?

Bất chấp đồn đoán, ông Gloystein nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng Nga sẽ mở trở lại một chút khí đốt. Moscow muốn có đòn bẩy thương lượng trong trường hợp châu Âu thắt chặt các biện pháp trừng phạt".

Vị chuyên gia cho biết việc ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn qua đường ống Nord Stream 1 trong thời gian còn lại của năm dường như khó xảy ra bởi động thái như vậy sẽ mâu thuẫn với những lập luận của chính Moscow. Điện Kremlin trước đó cho rằng việc giảm nguồn cung hiện nay liên quan tới "các yếu tố kỹ thuật" và lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Dữ liệu lưới điện của Đức cho thấy trong những năm trước, dòng khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 1 đều trở lại vào cuối tháng 7 sau đợt bảo dưỡng vào mùa hè.

Ông Thomas Rodgers, một nhà phân tích khí đốt châu Âu tại công ty tư vấn năng lượng ICIS, cũng không kỳ vọng Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt hoàn toàn, và chỉ ra rằng những đợt bảo trì khác đã được hoàn thành đúng thời hạn.

Ông nói: “Hiện không bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề máy bơm (đang kẹt lại tại Canada do các lệnh trừng phạt), nguyên nhân khiến dòng chảy khí đốt của Nord Stream 1 xuống mức thấp. Nhưng chúng tôi cũng không mong đợi khí đốt sẽ bị ngừng hoàn toàn sau khi đợt bảo trì kết thúc”.

 

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.