|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Á đi xuống, phải chẳng Trung Quốc và Ấn Độ đã bớt ghiền hàng Nga?

21:40 | 05/07/2022
Chia sẻ
Trong 7 ngày tính đến ngày 1/7, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã phục hồi sau khi lao dốc vào tuần trước đó. Tuy nhiên, các chuyến hàng đến châu Á - thị trường chủ lực của Moscow trong vài tháng gần đây, lại đi xuống.

Xuất khẩu dầu thô phục hồi

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trong một tuần tính tới ngày 1/7, lượng dầu thô xuất khẩu của Nga đã phục hồi sau cú lao dốc ở tuần trước đó. Điểm đáng chú ý là các lô hàng đến châu Á - đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, lại có xu hướng giảm.

Cụ thể, trong tuần gần nhất, xuất khẩu dầu thô từ các cảng của Nga đã tăng 23% so với tuần trước đó. Nhờ vậy, nước này đã phục hồi phần lớn khối lượng bị mất trong tuần trước đó, khi các chuyến hàng từ cảng Primorsk bị gián đoạn tạm thời.

 

Tổng cộng 34 tàu biển đã vận chuyển 25,7 triệu thùng dầu từ Nga đến các thị trường. Tính trung bình, xứ sở Bạch Dương xuất được khoảng 3,67 triệu thùng dầu/ngày - tương quan với mức ghi nhận kể từ đầu tháng 4.

Gần đây, các nhà lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) đã nhất trí sẽ cân nhắc ý tưởng áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga, nhằm giảm nguồn thu của Điện Kremlin mà vẫn duy trì dòng chảy năng lượng ra thế giới.

Tuy nhiên, công chúng vẫn thắc mắc rằng các nước G7 sẽ xúc tiến kế hoạch trên như thế nào và chính quyền Tổng thống Vladimir Putin sẽ phản ứng ra sao, đặc biệt là tại thời điểm hai bên đang mâu thuẫn gay gắt vì chiến sự tại Ukraine.

Ngoài ra, ngay cả khi các nhà lãnh đạo G7 cố gắng đẩy nhanh đề xuất, thì dữ liệu về xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga cho thấy, dòng chảy dầu thô tính theo trung bình 4 tuần đang giảm dần.

Trong 4 tuần đến ngày 1/7, Nga xuất khẩu trung bình khoảng 3,46 triệu thùng dầu/ngày, mức thấp nhất kể từ mốc 4 tuần đến ngày 15/4. So với mức đỉnh 3,75 triệu thùng/ngày xác lập trong 4 tuần tính đến ngày 29/4, con số này không quá lớn, nhưng giảm 7,6% cũng không phải là quá nhỏ.

Dấu hiệu bất ổn từ châu Á

Mặt khác, các lô hàng đến châu Á - thị trường chủ lực của Nga sau khi phương Tây tẩy chay dầu thô của nước này, đã giảm hơn 15% trên cơ sở trung bình hàng tuần và 4 tuần.

Theo Bloomberg, các nước châu Á - chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn đang tiếp nhận hơn 50% tổng lượng dầu thô vận chuyển từ Nga, nhưng tỷ trọng này lại đang trên đà giảm.

 

Cụ thể, trong 4 tuần gần đây nhất, Trung Quốc nhập khẩu trung bình 887.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày, trong khi Ấn Độ mua khoảng 641.000 thùng mỗi ngày.

Số liệu được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng lên, khi 180.000 thùng dầu/ngày trên các tàu chở dầu khác lựa chọn đích đến. Hiện các tàu này vẫn chưa thông báo sẽ dừng chân ở đâu.

Ở chiều hướng khác, các chuyến hàng đến những thị trường châu Á khác đang giảm dần. Tàu chở dầu từ Nga hiếm khi di chuyển đến các cảng của Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Sắp sửa mất đứt thị trường châu Âu?

Nga đã mất hơn 60% thị trường dầu thô vận chuyển qua đường biển tại Bắc Âu, và lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của Liên minh châu Âu (EU) chỉ còn 5 tháng nữa là chính thức có hiệu lực.

Khối lượng dầu xuất sang khu vực Bắc Âu đã đi ngang trong khoảng 400.000 - 450.000 thùng/ngày kể từ cuối tháng 4. Phần lớn được đưa vào trữ tại các bể chứa ở Rotterdam, Hà Lan.

Trong khi đó, các lô hàng từ Nga đến Địa Trung Hải đã tăng vọt sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra và đang duy trì ở mức 750.000 thùng/ngày (tính trung trung bình 4 tuần).

Nhà máy ISAB của Lukoil trên đảo Sicily (Italy) là một khách hàng lớn của dầu thô Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tăng cường mua hàng. Công chúng đang theo dõi xem liệu ISAB sẽ làm gì khi lệnh cấm của EU đối với dầu thô xuất bằng đường biển của Nga có hiệu lực vào tháng 12.

Cho đến lúc đó, việc mua dầu của Nga nhìn chung không gặp trở ngại pháp lý nào. Hơn nữa, nếu không có nguồn hàng thay thế cho Nga, thì các lô hàng từ xứ sở Bạch Dương đến Địa Trung Hải khó có thể giảm bớt.

Tiền vẫn chảy vào két của Moscow

Doanh thu từ thuế xuất khẩu dầu của Moscow đã phục hồi, thậm chí còn tăng mạnh hơn cả lượng dầu thô vận chuyển ra nước ngoài trong tuần tính đến ngày 1/7. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, doanh thu này đã nhích thêm 34 triệu USD, tương đương 27%, lên 162 triệu USD.

 

Thuế suất cao hơn đối với mỗi thùng dầu giao trong tháng 7 chính là lý do giúp doanh thu thuế của Điện Kremlin đi lên. Các lô hàng giao vào tháng này sẽ mang về cho Moscow 55,2 USD/tấn (tương đương 7,53 USD/thùng), tăng từ mức 44,8 USD/tấn (khoảng 6,11 USD/thùng) trong tháng 6.

Đó là mức thuế suất cao nhất mà chính phủ Nga tính với các khách hàng kể từ tháng 4. Điều này cũng cho thấy giá dầu Ural đã bật tăng trong giai đoạn từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6.

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.