|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trái Đất nóng lên giúp Nga tiếp cận kho báu khổng lồ ở Bắc Cực

17:44 | 05/07/2022
Chia sẻ
Với việc biến đổi khí hậu đang làm băng tan tại Bắc Cực, Nga đang có cơ hội chạm đến nguồn tài nguyên khổng lồ chưa từng được khai thác.

Vòng Cực Bắc trải dài khoảng 16.000 km quanh Trái Đất, nơi mỗi năm có ít nhất một ngày hoàn toàn nắng và một ngày hoàn toàn đêm tối. 8 quốc gia có lãnh thổ tại đây, bao gồm: Mỹ (qua Alaska), Canada, Đan Mạch (qua Greenland), Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga và Thụy Điển.

Vào tháng 5, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố Nga kiểm soát Bắc Cực: “Từ rất lâu rồi, mọi người đều đã biết Bắc Cực là lãnh thổ của chúng tôi”. Moscow hiện kiểm soát khoảng 53% bờ biển Bắc Cực.

Biến đổi khí hậu là điềm lành với Nga

Băng tan đang giúp Nga tiếp cận kho báu khổng lồ. (Ảnh: VOX).

Theo tạp chí The Economist, biến đổi khí hậu đang có ảnh hưởng lớn tới nhiều nền kinh tế trên thế giới. Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, đến năm 2050, nước biển sẽ dâng thêm khoảng 30 cm. Kết quả là nhiều thành phố gần biển như Jakarta, New York, Amsterdam … có nguy cơ bị nhấn chìm.

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng nước biển dâng đến từ việc băng tan tại hai cực. Năm ngoái lượng băng phủ giảm xuống gần mức thấp nhất được ghi nhận. Diện tích tối thiểu vào năm 2020 nhỏ hơn gần 2,6 km2 so với mức tối thiểu trung bình từ năm 1981 đến 2010.

Ông Andreas Osthagen, thuộc Viện Fridtjof Nansen, cho biết: “Các quốc gia quan tâm đến khu vực này là do biến đổi khí hậu. Băng tan đã mở ra một hành lang vận chuyển từ eo biển Bering, giữa Siberia và Alaska, đến biển Barents”.

Tuyến đường vẫn bị đóng băng 9 tháng mỗi năm. Nhưng vào năm 2020, hơn 1.000 tàu chở hàng đã di chuyển qua khu vực này, nhiều hơn 25% so với năm trước. Nga kiểm soát tuyến đường chạy qua lãnh hải của mình và thu phí thông hành.

Băng ở vùng cực đang rút đi với tốc độ ngày càng nhanh và một số ước tính dự đoán rằng Bắc Cực sẽ hoàn toàn không có băng biển mùa hè vào đầu năm 2035. 

Tuyến đường biển phía Bắc có thể là tương lai ngành vận tải biển.

Để minh họa tầm quan trọng của những lối đi mới này, hãy xem xét tuyến đường truyền thống từ Rotterdam ở Hà Lan đến Thượng Hải ở Trung Quốc. 

Vào đầu thế kỷ 19, một con tàu sẽ phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi và quãng đường dài khoảng 26.000 km.

Khi kênh đào Suez ở Ai Cập mở cửa vào năm 1869, chuyến đi dài và gian khổ vòng quanh châu Phi được rút ngắn 23%. Tuy nhiên, nếu vòng qua Bắc Cực, quãng đường sẽ giảm đi thêm 24% nữa. Bởi vậy, khu vực Bắc Băng Dương có khả năng trở thành tuyến hải trình quan trọng về mặt chiến lược.

Bắc Cực có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt và các kim loại như niken, bạch kim, paladi và các kim loại đất hiếm nằm dưới đáy đại dương và các vùng cực bắc của các quốc gia xung quanh nó.

Có nhiều ước tính khách nhau, nhưng khoảng 16% lượng dầu và 30% lượng khí đốt chưa được phát hiện của thế giới nằm dưới lòng Bắc Cực. Thêm vào đó, vùng biển này giàu các loại thủy hải sản chưa từng được khai thác.

Gấu Nga tỉnh giấc

Ngay cả trước xung đột Ukraine, Moscow đã nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa quân đội của mình và Bắc Cực là một khu vực được chú trọng đặc biệt.

Nga, quốc gia lớn nhất thế giới với lãnh thổ trải rộng 11 múi giờ, đã nhận ra rằng sự tan chảy của băng ở Bắc Cực giờ đây đồng nghĩa với việc biên giới dài hơn 24.000 km tiếp giáp với Bắc Băng Dương đang dần lộ ra. Lỗ hổng này yêu cầu Nga phải thay đổi tư duy quân sự.

Moscow đã mở lại hơn 50 tiền đồn quân sự cũ của Liên Xô, nâng cấp 10 trạm radar, cải tạo các trạm tìm kiếm cứu nạn và đồn biên phòng. 

Căn cứ không quân cũ tại Nagurskoye trên đảo Alexandra Land, tiền đồn quân sự ở cực bắc của Nga đã được mở rộng. Các máy bay chiến đấu đánh chặn tầm xa MiG-31 đang hiện đại hóa sẽ được đặt tại đây, cùng với những khẩu đội tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm.

Bộ chỉ huy phía Bắc của hải quân, đã được nâng cấp vào năm 2021 để trở thành một trong 5 quân khu của Nga, làm nổi bật tầm quan trọng của khu vực.

Moscow cũng đã bắt đầu thử nghiệm 13 tàu mới được đưa vào hạm đội của mình và sẽ trang bị cho máy bay và tàu hải quân các loại tên lửa siêu thanh mới. Lực lượng lính thủy đánh bộ và các binh sĩ khác đã tiến hành nhiều cuộc tập trận dọc theo bờ biển phía bắc của Nga, thực hành việc bảo vệ và chiếm lại các cảng từ kẻ thù.

Nga có nhiều tàu phá băng hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Sức mạnh của Nga ở vùng Cực Bắc còn thể hiện ở ưu thế tuyệt đối về số lượng cũng như chất lượng tàu phá băng. Hiện tại, Moscow có đội tàu phá băng hàng chục chiếc, trong đó có 6 tàu phá băng hạt nhân. Hiện nay, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới vận hành tàu phá băng hạt nhân.

Hải quân Mỹ không hề có bất cứ tàu phá băng nào, trong khi lực lượng Tuần duyên chỉ sở hữu vỏn vẹn hai tàu phá băng thông thường với khối lượng giãn nước chỉ bằng 1/3 so với tàu của Nga. Các quốc gia còn lại cũng chỉ sở hữu số lượng tàu ít ỏi, và khối lượng giãn nước thường nhỏ hơn 10.000 tấn.

Phân chia miếng bánh

Tất nhiên, các quốc gia khác cũng không thể để Nga độc chiếm Bắc Cực. Vào năm 2018, lần đầu tiên sau 27 năm, NATO gửi một tàu sân bay đến Vòng Cực Bắc.

Năm ngoái, tàu chiến của Anh và Mỹ vào biển Barents, phía Bắc Na Uy gần với các căn cứ quân sự quan trọng của Nga, lần đầu tiên kể từ những năm 1980.

Năm sau, Na Uy sẽ tiến hành cuộc tập trận lớn nhất trong Vòng Cực Bắc kể từ Chiến tranh Lạnh. Hải quân Mỹ tăng số lượng tàu khu trục tuần tra khu vực này từ 4 lên thành 6.

Các quốc gia không có biên giới trực tiếp với Bắc Cực, nhưng hưởng lợi lớn từ việc băng tan cũng đang cố gắng đòi quyền lợi tại đây. Trung Quốc đã gửi 10 đoàn thám hiểm tới khu vực này, đồng thời xem xét đóng một con tàu phá băng hạt nhân.

Bắc Kinh muốn kết nối Bắc Cực với Sáng kiến Vành đai và Con đường đang ngày càng mở rộng và đã đưa ra đề nghị mua một số cảng vùng Scandinavi. Tuyến đường sắt từ Phần Lan đến Trung Quốc đã được thảo luận và một căn cứ tàu ngầm cũ của Thụy Điển đã được mua lại. 

Tranh chấp chủ quyền tại Bắc Cực.

Theo The Economist, trước hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 14/6, NATO cho biết băng tan "có thể dẫn đến căng thẳng địa chính trị mới."

Canada, Đan Mạch và Nga đều công bố yêu sách lãnh thổ với Lomonosov Ridge, một dãy núi bên dưới biển Bắc Cực. Một số quốc gia đã sử dụng hành động để chứng minh tuyên bố của mình.

Năm 2007, một tàu ngầm của Nga đã cắm một lá cờ ba màu bằng titan ở đáy biển. Còn vào 2013, Canada đã cấp hộ chiếu cho ông già Noel.

Những cử chỉ như vậy có vẻ nhẹ nhàng, nhưng cùng với hoạt động quân sự gia tăng, chúng tạo thành một nỗ lực thực sự của các chính phủ nhằm tuyên bố chủ quyền. Hiện tại, Nga đang chiếm thế thượng phong. Nhưng khi băng tiếp tục co lại, sự quan tâm của thế giới đối với Bắc Cực sẽ chỉ tăng lên. 

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.