|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vương quốc dầu mỏ mắc kẹt giữa hai mối quan hệ chiến lược: Mỹ một bên và Nga một bên

09:11 | 02/07/2022
Chia sẻ
Mỹ là đồng minh lâu đời còn Nga là đối tác chiến lược về dầu mỏ, nhưng hai cường quốc lại đang đối đầu nhau. Arab Saudi sẽ phải vô cùng cẩn trọng để gìn giữ cả hai mối quan hệ này.

Theo Reuters, Arab Saudi đã thúc đẩy OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn dự kiến vào đầu tháng 6 vừa qua dưới yêu cầu của Mỹ. Trước khi đưa ra quyết định, Arab Saudi đã phải tham vấn với phía Moscow nhằm đảm bảo sự nhất trí của gã khổng lồ năng lượng này.

OPEC+ được thành lập vào năm 2016, bao gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác như Nga, Malaysia, Oman, Mexico ... OPEC+ đã đồng thuận mức tăng sản lượng lớn hơn dự kiến sau cuộc họp ngày 2/6. Bước đi này được Tổng thống Joe Biden vô cùng hoan nghênh.

Các nguồn tin của Reuters cho biết Riyadh (thủ đô của Arab Saudi) phải cố gắng cân bằng khi vừa tìm cách cải thiện mối quan hệ đang căng thẳng với Mỹ, vừa củng cố liên minh dầu mỏ tốn hàng thập kỷ gây dựng với Nga.

Arab Saudi và Nga chiếm 22% sản lượng dầu mỏ toàn cầu. 

Cải thiện quan hệ căng thẳng với Mỹ

"Mỹ đã hối thúc", một trong những nguồn tin của Reuters cho biết nguyên nhân cho việc OPEC+ tăng nhanh sản lượng. "Sau đó, Arab Saudi đã tham vấn với Nga, và có vẻ Moscow đồng ý với kế hoạch này".

Nguồn tin thứ hai trong OPEC+ cũng thông tin rằng Riyadh đã tham khảo ý kiến ​​cẩn thận với Moscow.

Tổng thống Biden sẽ có chuyến công du tới các quốc gia Trung Đông từ ngày 13-16/7, bao gồm cả Arab Saudi. Chuyến đi Riyadh của Tổng thống Biden bao gồm cuộc gặp gỡ Thái tử Arab Saudi, ông Mohammed bin Salman.

Khi tranh cử, ông Biden từng tuyên bố sẽ biến Arab Saudi thành quốc gia “bị ruồng bỏ” do những cáo buộc Thái tử bin Salman liên quan đến vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi và cuộc chiến tại Yemen. 

Ông Biden cũng chịu áp lực từ Đảng Dân chủ, yêu cầu hối thúc Riyadh loại Moscow khỏi OPEC+.  Nhưng mong muốn của Đảng Dân chủ đồng nghĩa với việc Arab Saudi phải từ bỏ nỗ lực hàng năm trời nhằm lôi kéo Nga vào một hiệp ước sản xuất.

OPEC+ được thành lập vào năm 2016 nhưng Riyadh đã tìm cách xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa hai trong số các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới từ rất lâu trước đó.

Một đại biểu OPEC+ nói với Reuters rằng: “Việc giữ Nga ở lại OPEC+ là rất quan trọng”. Phát biểu này lặp lại bình luận của các nhà phân tích cho rằng Arab Saudi muốn giữ Nga ở lại để tăng đòn bẩy trên thị trường dầu mỏ hơn bất kỳ lý do chính trị nào.

Một nguồn tin khác cho biết Moscow đã đạt được lợi ích khi trở thành một phần của OPEC + vào thời điểm bị phương Tây cô lập do chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nguồn tin cho biết: “Arab Saudi đang được hưởng lợi từ mức giá cao trong khi Nga nhận được sự đảm bảo từ OPEC+. Không ai mong muốn thị trường sụp đổ cả".

Arab Saudi là đối tác lâu đời và nhà nhập khẩu hàng đầu của vũ khí Mỹ.

"Khá thân thiết" với Nga

Nguồn tin của Reuters  gợi ý rằng quan hệ giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thái tử Arab Saudi "khá thân thiết".

Bộ năng lượng Arab Saudi không bình luận về câu chuyện này. Bộ Năng lượng và Văn phòng của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng không có câu trả lời.

Một nguồn tin của OPEC+ cho biết chính sách sản xuất luôn dựa trên sự thống nhất giữa tất cả thành viên. Thỏa thuận hôm 2/6 nhằm đẩy nhanh việc tăng sản lượng là một phản ứng đáp lại việc hoạt động kinh tế toàn cầu khôi phục và kỳ vọng khối lượng lọc dầu cao hơn sau kì bảo trì theo mùa.

Trong phát biểu tại một diễn đàn kinh tế Nga vào tháng 6, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, ông Abdulaziz bin Salman mô tả quan hệ Nga-Arab Saudi là "tốt như thời tiết ở Riyadh". Ông Novak cho biết Moscow có thể hợp tác với OPEC+ sau năm 2022.

Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Vladimir Putin trong hội nghị G20 năm 2018. (Ảnh: AFP).

Những nỗ lực của Arab Saudi nhằm đưa Nga vào OPEC đã bắt đầu từ năm 2001. Tuy nhiên, phải đến 2016, khi OPEC+ được thành lập thì hai bên mới bắt đầu hợp tác hạn chế sản lượng nhằm nâng giá dầu.

Tổ chức này đã đồng ý hạ sản lượng một lần nữa vào năm 2020, khi đại dịch COVID ảnh hưởng đến nhu cầu và khiến giá dầu sụt giảm. Thỏa thuận vào năm 2020 đã được khuyến khích bởi Tổng thống Donald Trump.

Sản lượng đã cắt giảm trong thỏa thuận năm 2020 sẽ được phục hồi hoàn toàn vào tháng 8, mặc cho việc nguồn cung từ Nga đã giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặt ra câu hỏi về sự hợp tác của OPEC và Moscow trong tương lai.

Một nguồn tin thứ hai cho biết cách thức hoạt động của OPEC+ sẽ khó thay đổi trước khi Mỹ bắt đầu bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Đảng Cộng hòa có thể sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện từ Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden sau cuộc bầu cử giữa kỳ. 

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo đã mô tả quan hệ đối tác OPEC+ vào tháng 6 là "nơi trú ẩn và ngọn hải đăng, ổn định bất chấp mọi bất ổn địa chính trị". Ông Barkindo không đề cập cụ thể đến Nga.

Ông Gary Ross, chuyên gia quan sát kỳ cựu của OPEC cho biết: "Arab Saudi đã nỗ lực nhằm đưa Nga vào liên minh dầu mỏ trong vòng hơn 20 năm, và sẽ không rời bỏ mối quan hệ này".

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.