|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kỷ nguyên dầu đá phiến của Mỹ sắp kết thúc: Quyền lực trên thị trường dầu mỏ về tay OPEC+, Arab Saudi

11:13 | 17/01/2023
Chia sẻ
Sau nhiều năm thiếu đầu tư, kỷ nguyên dầu đá phiến của Mỹ có thể sớm kết thúc, đưa quyền lực trở lại tay những nhà xuất khẩu truyền thống ở Trung Đông như Arab Saudi, UAE.

Financial Times cho biết, khi Moscow hạn chế dòng chảy khí đốt tới châu Âu, các biện pháp trừng phạt dầu của phương Tây có hiệu lực, xuất khẩu cả hai nhiên liệu trên của Mỹ đều tăng mạnh. Theo công ty dữ liệu OilX, kể từ tháng 2/2022, khoảng 500 tàu chở dầu Mỹ đã đến châu Âu, đánh dấu một kỷ lục mới trong xuất khẩu năng lượng của nước này. 

Cột mốc trên là đỉnh cao trong cuộc cách mạng dầu đá phiến kéo dài trong 15 năm. Cuộc cách mạng này đã giúp quốc gia tiêu thụ dầu và khí đốt lớn nhất thế giới trở thành nhà xuất khẩu hàng dầu. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp dầu đá phiến đã giữ giá nhiên liệu ở mức thấp, và giúp Washington đối đầu với Iran, Venezuela mà không lo sợ tác động kinh tế.

Sản lượng dầu thô tăng vọt đã giúp xoa dịu thị trường đầy biến động, ngay cả trong sự kiện Mùa xuân Arab, các cuộc xung đột tại Trung Đông hay gần đây nhất là cuộc chiến năng lượng của phương Tây với Nga.

Ông David Goldwyn, Giám đốc của công ty tư vấn Goldwyn Global Strategies, cho biết dầu đá phiến “đã đưa Mỹ trở lại vị trí đầu bảng về sức mạnh địa chính trị”.

“Mỹ không còn phải lo lắng về nguồn cung dầu hoặc khí đốt nữa … và điều này đã mang lại cho [Washington] nhiều cơ hội để tự do hành động hơn trong các vấn đề quốc tế”, ông nói.

Nhờ cuộc cánh mạng dầu đá phiến, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn.

Kỷ nguyên kết thúc

Các nhà phân tích cảnh báo thời kỳ hoàng kim của dầu đá phiến sắp kết thúc, với những hậu quả khó lường. Ngay cả khi giá dầu thô ở khoảng 80 USD/thùng, các nhà sản xuất dầu đá phiến vẫn không dám chi tiền mở rộng sản xuất. Các giếng dầu mới cũng đang cho sản lượng thấp hơn.

Ông Scott Sheffield, CEO của Pioneer Natural Resources, nhà sản xuất dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ, nói: “Kỷ nguyên tăng trưởng mạnh mẽ của đá phiến Mỹ đã kết thúc”.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đình đốn, nguồn cung từ Nga vẫn ổn định hoặc quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh chóng, thế giới có thể không cần đến quá nhiều dầu đá phiến từ Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy thế giới vẫn khát đầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thế giới sẽ đốt thêm 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2023, lên mức kỷ lục là 102 triệu thùng/ngày.

Goldman Sachs còn cho rằng nhu cầu sẽ tăng thêm tới 2,7 triệu thùng/ngày và đẩy giá lên 100 USD/thùng.

Trật tự năng lượng cũ đang bị phá vỡ, vừa tạo ra thách thức cho những nước xuất khẩu dầu mỏ, vừa mang lại quyền lực với một số quốc gia, chẳng hạn như Arab Saudi, UAE hay các thành viên OPEC.

Ông Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, cho biết dầu đá phiến đã trở thành công cụ cạnh tranh với OPEC, tạo ra “trật tự mới”. Tuy nhiên, giờ đây, thế giới đang trở lại “trật tự cũ”, do OPEC thống trị.

Sự bùng nổ

Mỏ Bakken tại bang North Dakota là ví dụ điển hình cho sự bùng nổ của dầu đá phiến. Trong một thập kỷ tính đến năm 2020, sản lượng tại bang này đã tăng gấp 7 lần, lên 1,5 triệu thùng/ngày, nhiều hơn một số thành viên OPEC.

Tuy nhiên, giá dầu sụp đổ vào năm 2014 đã làm tổn thương ngành công nghiệp dầu đá phiến. Đại dịch COVID vào năm 2020 gần như đã bóp chết ngành này, và gây một làn sóng phá sản. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải thương lượng với Arab Saudi và Nga nhằm cứu ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ.

Sản lượng của mỏ Bakken đã giảm xuống hơn 1 triệu thùng/ngày và hầu như không phục hồi. Chỉ còn 39 giàn khoan hoạt động vào tháng 1/2023, so với 200 giàn khoan vào một thập kỷ trước.

Những khu vực khác tại Mỹ cũng đã nổi lên, thu hút lao động từ khắp nơi. Tuy nhiên, về tổng thể, tốc độ tăng sản lượng tại Mỹ hiện đang chỉ bằng một phần nhỏ so với những năm trước.

Sản lượng trên từng giếng dầu đã giảm trong những năm qua.

Trong giai đoạn 2011 - 2014, sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng trung bình 15% mỗi năm, lên mức cao nhất là 13 triệu thùng/ngày, ngay trước đại dịch. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), dự kiến nguồn cung dầu của Mỹ trong 12 tháng tới chỉ thêm 250.000 thùng/ngày, tương đương mức tăng trưởng 2%.

Một số chuyên gia còn cho rằng với số lượng giếng dầu đang thu hẹp như hiện nay, sản lượng có thể còn đi xuống. 

Phố Wall rút tiền

Không giống như sản xuất dầu thông thường, sản lượng từ các giếng dầu đá phiến mới khoan giảm mạnh sau một năm hoạt động. Để duy trì sản lượng ổn định, các công ty phải tiếp tục khoan thêm giếng. Hàng chục nghìn giếng dầu đã được khoan trên khắp nước Mỹ trong 15 năm qua.

Công ty tư vấn Rystad Energy ước tính vào năm ngoái, khối lượng dầu trung bình được sản xuất từ mỗi giếng mới đã lần đầu tiên giảm so với năm trước.

Theo Rystad, một giếng đá phiến trung bình chỉ tốn 7,3 triệu USD để khoan vào năm 2019, nhưng sẽ tốn 9 triệu USD trong năm nay. Giá để khoan xuống 30 mét đã tăng từ 75.000 USD vào năm 2020 lên 100.000 USD.

Tại nhiều nơi, trang thiết bị phục vụ hoạt động khoan giếng đã không được bảo trì trong nhiều tháng. Ngay cả khi các nhà khai thác có vốn, và muốn khoan thêm giếng, họ cũng đối mặt với tình trạng thiếu lao động.

Tuy vậy, trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng của ngành công nghiệp đá phiến chính là Phố Wall. Trong thời kỳ bùng nổ, các nhà khai thác đã tiêu tốn hàng chục tỷ USD để mở rộng sản xuất, nhưng lại không đem lại được nhiều tiền cho nhà đầu tư.

Khi giá dầu phục hồi lại, các nhà khai thác quyết định kiềm chế chi tiêu, sử dụng lợi nhuận để chia cổ tức, mua lại cổ phần. Kết quả là, ngành dầu khí trở thành lĩnh vực có kết quả tốt nhất trong chỉ số S&P 500 hai năm qua. Đồng thời, việc thiếu đầu tư cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Ông Sheffield cho biết, ngành dầu đá phiến từng dành 100% dòng tiền để mở rộng sản xuất. Hiện tại, ngành này chỉ tái đầu tư 40 đến 50%, với kỳ vọng tăng trưởng từ 0 đến 5%.

Ngành dầu đá phiến của Mỹ bắt đầu có lãi trong vài năm qua.

Sự trở lại của trật tự cũ

Những gì tốt cho các nhà đầu tư trên Phố Wall cũng sẽ đem lại lợi ích cho Arab Saudi. Ông Jeff Currie lập luận rằng sự tăng trưởng chậm chạp của dầu đá phiến sẽ đưa quyền lực trên thị trường dầu mỏ và sức mạnh địa chính trị trở về tay Arab Saudi và các đồng minh OPEC+.

Ông cho rằng với quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra, các nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng đổ tiền vào những dự án dài hạn, tốn kém, chẳng hạn như khai thác dầu ngoài khơi. Thay vào đó, họ tìm đến những dự án khai thác có “chu kỳ ngắn”.

“Và các dự án chu kỳ ngắn hạn đang ở đâu? Ba nơi: đá phiến Mỹ, Nga và Trung Đông,” ông Currie nói. Việc đầu tư vào Nga đã trở nên bất khả thi do xung đột địa chính trị, trong khi ngành dầu đá phiến Mỹ đang gặp khó khăn. Kết quả là, các nhà đầu tư chỉ có thể tìm tới những thành viên chủ chốt của OPEC ở Vùng Vịnh.

Những sự thay đổi trong trật tự năng lượng có thể đặt thị trường dầu thô toàn cầu vào tay các quốc gia mà phương Tây có mối quan hệ không ổn định trong những năm gần đây. Nếu OPEC không muốn tăng sản lượng, hoặc không có khả năng, thì công cụ duy nhất để hạ nhu cầu chính là giá cao.

Tất nhiên, Mỹ không muốn quyền lực rơi hoàn toàn vào tay OPEC hoặc để thị trường tự giải quyết vấn đề. Bởi vậy, chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn từng hứa sẽ hạn chế hoạt động khai thác dầu đá phiến, nay lại dành nhiều tháng để kêu gọi các nhà sản xuất khoan thêm.

Washington cũng đã bán ra hàng triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược, nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Venezuela, và cử nhà ngoại giao tới Riyadh.

Minh Quang

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.