Trung Quốc muốn dùng dầu mỏ để nâng cao vị thế đồng nhân dân tệ và hạ gục đồng USD, liệu có khả thi?
Theo đưa tin từ SCMP, Trung Quốc đang có kế hoạch tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ để giao dịch dầu mỏ với 6 quốc gia Trung Đông.
Tham vọng trên sẽ thúc đẩy việc sử dụng nhân dân tệ trong hoạt động thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia thân thiện cũng như các đối tác tiềm năng nhờ tỷ giá hối đoái ổn định của đồng tiền.
Kế hoạch mới của Bắc Kinh có thể tạo ra nhiều thoả thuận đổi nhân dân tệ lấy dầu mỏ hơn - chủ yếu là để Trung Quốc có thể mua năng lượng mà không cần sự can thiệp của Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nỗ lực của Bắc Kinh sẽ không làm lung lay vị thế của đồng đô la dầu mỏ (petrodollar) hay mở rộng đáng kể việc sử dụng đồng nhân dân tệ bên ngoài thị trường năng lượng.
Gia tăng vị thế của nhân dân tệ
Ông Zhao Xijun, Phó Hiệu trưởng Trường Tài chính tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho hay: “Trước đây, Trung Quốc và Trung Đông từng sử dụng USD làm đồng tiền giao dịch dài hạn”.
“Song, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang và Mỹ tăng cường trừng phạt trong lĩnh vực tài chính, không nhiều quốc gia đang cân nhắc dùng các đồng tiền tệ khác để đặt mua dầu và khí đốt”, ông nói tiếp.
Tuy nhiên, số lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ sẽ tăng lên vì Trung Quốc - nước mua dầu lớn nhất thế giới - sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu sử dụng đồng nội tệ của mình, ông Zhao dự đoán.
Vị chuyên gia kỳ vọng, các khu vực khác trên thế giới sẽ cân nhắc cùng tham gia nếu quy trình mua dầu bằng nhân dân tệ thuận tiện và đồng tiền của Trung Quốc được coi là “an toàn” hơn so với đồng USD.
Theo ông Zhao, Singapore và một số quốc gia châu Âu nhiều khả năng sẽ tiếp cận đồng nhân dân tệ để nhập khẩu dầu khí.
Tuần trước, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất tăng cường các thoả thuận dầu khí bằng đồng nhân dân tệ với 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh trong vòng 3 - 5 tới.
Trung Quốc sẽ bơm thêm nhân dân tệ vào khu vực Trung Đông, ngân hàng China International Capital Corporation (CICC) cho hay trong một báo cáo nghiên cứu gần đây. Trung Quốc hiện tiêu thụ khoảng 15,4 triệu thùng dầu/ngày, chỉ sau Mỹ.
CICC kỳ vọng: “Hoạt động thương mại dầu mỏ đã từng giúp quốc tế hoá đồng USD và chúng tôi tin rằng việc thúc đẩy thương mại dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ cũng sẽ giúp quốc tế hoá đồng tiền của chúng tôi”.
Giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và thế giới Arab đã tăng 1,5 lần trong 10 năm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh nhấn mạnh trong một cuộc họp báo tuần trước.
Bà cho biết trong ba quý đầu năm nay, thương mại song phương đã đạt con số 319,3 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vị phát ngôn viên nói: “Thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab”.
Ông Song Seng Wun, nhà kinh tế tại CIMB Private Banking, cho biết các giao dịch dầu mỏ trong tương lai sẽ giống thoả thuận mua dầu cọ và cao su từ Malaysia của Trung Quốc. Đây là một phần của thoả thuận giữa hai chính phủ.
Hồi tháng 6, Trung Quốc và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã thiết lập một hệ thống tổng hợp dự trữ nhân dân tệ với các ngân hàng trung ương Malaysia, Indonesia, Singapore và Chile.
Theo nhà kinh tế Deng Weishen của UBS khu vực Bắc Á, trong tương lai sẽ có thêm nhiều ngân hàng trung ương khác tham gia cơ chế trên.
Tại Nga, vào tháng 10, đồng nhân dân tệ đã lần đầu tiên vượt qua USD để trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất tại Moscow.
Ông Song nói: “USD vẫn đang là đồng tiền thống trị trong hoạt động thương mại, nhưng rõ ràng các nước đang không muốn chỉ phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ”.
Nhà kinh tế của CIMB nói, Trung Quốc muốn tăng cường sử dụng đồng nội tệ để đảm bảo nguồn cung dầu mỏ trong trường hợp Mỹ trừng phạt tài chính nước này như trong các tranh chấp thương mại và chính trị kéo dài giữa hai bên.
Chẳng hạn, Mỹ và các đồng minh đã loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT vào tháng 3 năm nay, sau khi Moscow chính thức động binh với Ukraine, ông ví dụ.
Theo ông Danny Ho - CEO của hãng tư vấn năng lượng DMI - các nhà giao dịch dầu mỏ tương lai có thể sẽ ưu tiên đồng nhân dân tệ vì đồng tiền này không dao động đồng bộ với biến động của thị trường toàn cầu giống đồng USD.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đặt tỷ giá tham gia chiếu hàng ngày, do đó đồng nhân dân tệ không thể tăng hoặc giảm quá 2% trong một ngày.
Chưa đủ sức thay thế USD
Dù vậy, nhân dân tệ nhiều khả năng sẽ không thay thế được đồng petrodollar bởi các ông lớn năng lượng Trung Đông nhận thấy USD là đồng tiền phù hợp và dễ dàng nhất dùng để mua bán dầu.
Theo ông Ho, các nước phương Tây và các nhà nhập khẩu năng lượng khác ở châu Á (không bao gồm Trung Quốc) vẫn đang sử dụng rộng rãi đồng USD.
Chia sẻ thêm với SCMP, ông Chen Zhiwu, giáo sư tại Đại học Hong Kong, nhận định: “Chúng ta còn một chặng đường dài trước khi nhìn thấy đồng nhân dân tệ dầu mỏ [petro-renminbi]”.
Một số chuyên gia còn cho rằng việc tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ để mua dầu và khí đốt từ Trung Đông có thể khiến giá của đồng tiền này đi lên ở những lĩnh vực khác.
Ông Zhao của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết các đối tác thương mại có thể dùng đồng nhân dân tệ để mua thêm hàng hoá từ Trung Quốc hoặc để đầu tư, bao gồm cả đầu tư cổ phiếu.
Các nhà phân tích nói sức ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ trên toàn cầu vẫn sẽ ở mức thấp vì Trung Quốc vẫn muốn tiếp tục kiểm soát tỷ giá hối đoái trên thị trường quốc tế.
Đơn cử, ông Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cho hay: “Tôi không nghĩ Trung Quốc đặc biệt quan tâm hay hào hứng với việc nới lỏng kiểm soát tỷ giá nhân dân tệ”.
Mặt khác, ông Nick Marro, nhà phân tích cấp cao của The Economist Intelligence Unit, cho rằng khả năng sử dụng đồng nhân dân tệ trong các loại hình thương mại khác phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới đối với hàng hoá Trung Quốc.
Ngoài ra, liệu các đối tác thương mại của Trung Quốc có thấy nhân dân tệ phù hợp để phòng ngừa rủi ro hay có thể trở thành đồng tiền dự trữ hay không cũng tác động đến tương lai của đồng tiền này, ông nói.
Ông Marro cho biết, dưới cơ chế kiểm soát tiền tệ hiện nay của Trung Quốc, “chúng ta khó có thể thấy những tiến triển lớn trong việc quốc tế hoá đồng nhân dân tệ ở cấp đô toàn cầu”, ngay cả khi Bắc Kinh thúc đẩy giao dịch dầu mỏ bằng đồng nội tệ.
“Chúng ta có thể theo dõi mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc để tìm câu trả lời. Một phần dưới sức ép địa chính trị, hai nước đã mở rộng dòng chảy thương mại bằng đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, những động lực tương tự không xuất hiện trong mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia khác, chẳng hạn như với Arab Saudi”, ông Marro nhấn mạnh.
Giáo sư Chen của Đại học Hong Kong nhận xét: “Tôi có thể thấy là Trung Quốc muốn ít dựa dẫm vào đồng USD, điều này là hoàn toàn hợp lý”.
“Từ góc độ kinh tế, tôi không thấy rằng nhân dân tệ sẽ là một đồng tiền dự trữ lớn hay thậm chí là một đồng tiền thương mại lớn trong tương lai gần”, ông nhận định thêm.