|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phương Tây chuẩn bị áp trừng phạt mới đối với ngành dầu mỏ của Nga, tác động có thể lớn hơn cơ chế giá trần trước đây

14:34 | 12/01/2023
Chia sẻ
Mỹ và các đồng minh đang chuẩn bị cho đợt trừng phạt tiếp theo đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Mục tiêu là hạn chế giá bán các sản phẩm tinh chế xuất khẩu, tăng cường các hình phạt mà phương Tây đã áp đặt trước đó.

Hình phạt tiếp theo

Tại châu Âu tuần này, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ sẽ thảo luận cùng nhiều nước đồng minh về chi tiết của các biện pháp trừng phạt mới dành cho sản phẩm dầu mỏ của Nga. Các biện pháp này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2.

Đợt trừng phạt mới sẽ đặt ra hai giới hạn giá đối với các sản phẩm tinh chế của Nga: một dành cho các sản phẩm có giá trị cao như diesel và một cho các mặt hàng có giá trị thấp như dầu nhiên liệu.

Việc lựa chọn hai mức giá trần sẽ là chủ đề trọng tâm trong các cuộc đàm phán giữa giới chức Mỹ và châu Âu, theo Wall Street Journal.

Cuối năm ngoái, Mỹ, Liên minh châu Âu và G7 đã quyết định áp trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga.

Các cuộc đàm phán chỉ đi đến hồi kết khi giới chức Mỹ vận động được các đối tác ở Ba Lan, Lithuania và Estonia chấp nhận mức giá cao hơn với hy vọng sẽ giảm bớt sự gián đoạn cho thị trường toàn cầu.

Các quan chức ở Ba Lan và một số quốc gia vùng Baltic từng đề xuất mức trần tương đối thấp là 30 USD/thùng để giáng một đòn đau hơn vào nguồn thu của Điện Kremlin.

Hiện, các quan chức Mỹ đang một lần nữa đặt mục tiêu áp giá trần với các sản phẩm tinh chế của Nga đủ thấp để bào mòn lợi nhuận của Moscow, nhưng đủ cao để khuyến khích Nga tiếp tục bán dầu diesel và các loại nhiên liệu khác.

(Ảnh minh hoạ: Zuma Press).

Tác động lớn hơn

Động thái áp trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga không tạo ra nhiều tác động lên giá năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, các hình phạt tiếp theo đối với sản phẩm tinh chế có thể gây ra những hậu quả kinh tế lớn hơn, đặc biệt là khi chúng có hiệu lực vào cùng ngày EU cấm nhập khẩu dầu diesel và sản phẩm khác từ Nga.

Thị trường và một số quan chức phương Tây cho rằng Nga sẽ gặp khó khăn hơn trong việc định hướng lại hoạt động xuất khẩu sản phẩm tinh chế và điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến giá toàn cầu.

Nếu không thể tiếp cận thị trường châu Âu và phải đối mặt với các lệnh cấm vấn của phương Tây khi vận chuyển hàng đến các khu vực khác, sản lượng lọc dầu của Nga có thể giảm, gây gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

“Áp giá trần với dầu thô là một nhiệm vụ không dễ nhưng không quá khó. Nhưng đối với các sản phẩm tinh chế, bài toán lại phức tạp hơn rất nhiều”, bà Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho hay.

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Mỹ và các đồng minh đã cố gắng làm suy yếu nền kinh tế Nga, nhưng theo hướng giảm thiểu thiệt hại cho các nền kinh tế của chính họ.

Ngành công nghiệp dầu mỏ béo bở của Nga là mục tiêu thách thức nhất của phương Tây vì tầm quan trọng của nó đối với thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là khi giá dầu là một trong những yếu tố đã thổi bùng áp lực lạm phát tại nhiều nơi.

Cơ chế ra sao?

Tương tự cơ chế giá trần đối với dầu thô, các hình phạt mới này cũng áp dụng cho các công ty phương Tây tài trợ, cung cấp dịch vụ bảo hiểm hoặc vận chuyển sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga bằng đường biển.

Các doanh nghiệp có trụ sở tại các nước G7 và Australia sẽ bị phạt nếu họ hỗ trợ cho việc giao dịch các sản phẩm xăng dầu của Nga, trừ khi những sản phẩm đó được bán dưới giá trần.

Theo Wall Street Journal, một lý do quan trọng khiến việc áp giá trần với dầu thô không làm đảo lộn thị trường là các đội tàu chở dầu bí mật.

Những chiếc tàu này nằm bên ngoài các khu vực tài phán của phương Tây. Thời gian qua, chúng đã giúp Nga xuất khẩu dầu thô đến các thị trường châu Á không bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, tàu để chở sản phẩm tinh chế thì thường nhỏ và chuyên dụng hơn. Điều này đồng nghĩa rằng Nga sẽ không có nhiều lựa chọn để vận chuyển dầu diesel và các sản phẩm nhiên liệu khác đến cho các khách hàng mới ở Mỹ Latin hoặc châu Phi.

Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước nhập khẩu dầu thô Nga hàng đầu, cũng là những nhà lọc dầu lớn. Vì vậy, họ nhiều khả năng sẽ không mua những sản phẩm dầu mỏ mà Nga vốn thường xuất sang châu Âu.

Ngoài những khó khăn về logistics, một nghị định mới của Nga cũng có nguy cơ làm phức tạp thêm biện pháp trừng phạt mới. Từ ngày 1/2, Nga sẽ cấm bán dầu thô và các sản phẩm tinh chế cho những quốc gia áp dụng cơ chế giá trần.

Động thái đó có thể ngăn cản giới thương nhân sử dụng dịch vụ của phương Tây để thực hiện các giao dịch mua bán dầu với Nga, dù chưa rõ Moscow sẽ thực thi nghị định mới như thế nào.

Mặt khác, châu Âu đã phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga trong hàng chục năm nay. Các hình phạt mới kể từ tháng 2 có thể khiến các nước trong khu vực thêm bất an.

Hiện tại, các nhà cung ứng nhiên liệu của châu Âu dường như đã tích trữ đủ dầu diesel trước các lệnh hạn chế của phương Tây.

Tuy nhiên, nhà phân tích Philip Jones-Lux của hãng tư vấn Sparta Commodities cho rằng giá dầu diesel ở châu Âu hiện không đủ cao để thu hút thương nhân đưa thêm hàng từ Mỹ, Arab Saudi và Ấn Độ đến khu vực này trong tương lai.

Yên Khê