|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hành lang thương mại 3.000 km giúp Nga chống trừng phạt của phương Tây

12:26 | 22/12/2022
Chia sẻ
Nga và Iran đang xây dựng một tuyến thương mại dài 3.000 km kéo dài từ Đông Âu tới Ấn Độ Dương nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, cũng như mở rộng hoạt động giao thương sang phương Đông.

Nga và Iran đã chi hàng tỷ USD nhằm tăng tốc hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường sông và đường sắt được kết nối bởi Biển Caspian. Dữ liệu được Bloomberg tổng hợp cho thấy hàng chục tàu của Nga và Iran, bao gồm một số chịu lệnh trừng phạt, đang khai thác tuyến vận tải này.

Trong Thế chiến II, tuyến vận tải qua Iran, có tên gọi Hành lang Ba Tư, là một trong ba con đường chính để Mỹ viện trợ hàng hóa, khí tài quân sự cho Liên Xô. Gần 4,2 triệu tấn hàng hóa đã được đưa qua tuyến đường này, chiếm 27% tổng viện trợ của phe Đồng Minh cho Liên Xô.

 

Nga, Iran xoay trục

Nga và Iran, dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, đang xích lại gần nhau cũng như hướng sang phương Đông. Mục tiêu của tuyến thương mại này là ngăn cản sự can thiệp từ phương Tây, cũng như kết nối với những nền kinh tế phát triển nhanh ở châu Á. 

“[Tuyến vận tải này] nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chống trừng phạt”, bà Maria Shagina, một chuyên gia về trừng phạt và chính sách ngoại giao của Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định. Hành lang thương mại mới cũng sẽ giúp Nga và Iran rút ngắn hàng nghìn km so với những tuyến đường cũ. 

Đầu tháng này, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Biển Azov đã trở thành “biển nội hải” của Nga. Từ khu vực này, mạng lưới sông ngòi, đường biển và đường sắt sẽ đưa hàng hóa sang bờ biển Caspian (phía bắc Iran) và tới điểm đến cuối cùng là Ấn Độ Dương. 

Kiểm soát Biển Azov giúp Nga mở rộng tuyến vận tải nối với Iran.

Trong một diễn đàn kinh tế hồi tháng 9, ông Putin đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển tàu thuyền, đường ray và đường bộ nhằm giúp “doanh nghiệp Nga có cơ hội vào thị trường Iran, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, cũng như tạo điều kiện cho hàng hóa từ những quốc gia này đến Nga”.

Bà Shagina ước tính Nga và Iran sẽ đầu tư đến 25 tỷ USD vào hành lang thương mại trên. 

Ông Robert Malley, đặc phái viên của Mỹ về Iran, cho biết hành lang thương mại mới cần được theo dõi kỹ lưỡng, nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển vũ khí giữa hai nước. 

Ngoài vũ khí, nhiều loại hàng khóa khác cũng có thể hưởng lợi từ tuyến vận tải mới. Tàu chạy qua sông Don và Volga thường trao đổi nhiên liệu và hàng nông nghiệp. Số lượng mặt hàng giữa hai nước dự kiến sẽ mở rộng thêm.

Iran hiện là nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn thứ ba của Nga. Hai nước cũng đã công bố những thỏa thuận trong các lĩnh vực như turbine, polymer, vật tư y tế, phụ tùng ô tô, nhiên liệu, phụ tùng cho lò phản ứng hạt nhân. 

Tàu đi qua cổng tại Kênh Vận tải Volga-Don. (Ảnh: Vladimir Zapletin/Alamy). 

Ông Nikolay Kozhanov, một chuyên gia Vùng Vịnh tại Đại học Qatar, cho biết: “Bạn có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với các tuyến đường biển, nhưng các tuyến đường bộ rất khó theo dõi.

Nga đang hoàn thiện các quy tắc cho phép tàu từ Iran có quyền đi qua những tuyến đường thủy nội địa trên sông Volga và Don, theo Thông tấn xã Hàng hải Iran. Nga dự kiến đầu tư 1 tỷ USD nhằm cải thiện khả năng giao thông qua Biển Azov, vào sông Don và qua kênh đào nối với sông Volga.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy tuyến đường này thường xuyên xảy ra tắc nghẽn, cũng như có công suất vận chuyển thấp. Việc hiện đại hóa tuyến giao thông này sẽ giúp các tàu có trọng tải lớn hơn có thể đi qua.

Dữ liệu di chuyển của tàu do Bloomberg tổng hợp đã cho thấy ít nhất một chục tàu của Iran, một số của Tập đoàn Vận tải biển Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRISL), hiện đang bị Mỹ trừng phạt, đi lại trên vùng  Biển Caspian và các cảng trên sông Volga.

IRISL đã đầu tư 10 triệu USD vào một cảng dọc theo sông Volga, với mục tiêu tăng gấp đôi công suất tiếp nhận hàng hóa tại cảng Solyanka ở thành phố Astrakhan của Nga lên 85.000 tấn mỗi tháng.

Ở quê nhà, Iran đang đổ tiền vào các nhà ga để đẩy nhanh tốc độ chuyển hàng từ tàu lên các tuyến đường sắt, chạy dọc từ Biển Caspian đến Vịnh Ba Tư. Tehran cũng đang mở rộng mạng lưới đường sắt vốn đã dài 16.000 km.

Iran đang mở rộng hệ thống đường sắt để tránh điểm nghẽn trên Vịnh Ba Tư.

Các chuyến hàng đang di chuyển giữa Nga và Iran với tần suất ngày càng tăng. Thương mại giữa hai nước trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng gần 50% so với cùng kỳ. Con số cả năm có thể sẽ sớm vượt 5 tỷ USD.

Ông Sergey Katyrin, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, phát biểu vào tháng trước rằng có một “con đường rõ ràng” để con số này lên 40 tỷ USD sau khi hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Đối với Iran, chính sách xoay trục trở nên cấp bách hơn, trong bối cảnh những nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân đang chững lại. Sự ủng hộ của Tehran dành cho Moscow trong xung đột Ukraine, cũng như các cuộc biểu tình đang diễn ra, khiến cho quan hệ với phương Tây ngày càng xấu đi.

Quan chức Iran đã tuyên bố tập trung hoàn toàn vào “trục phía Đông”, và loại bỏ mọi kế hoạch kinh tế với châu Âu. Tehran đang theo đuổi một loạt thỏa thuận năng lượng và thương mại với Nga, Trung Quốc và các nước Trung Á.

Nga và Trung Quốc hiện là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), và dự kiến sẽ đưa Iran trở thành thành viên thứ 9. Trung Quốc và Iran cũng sắp đạt tư cách thành viên trong Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Một thể chế khác liên kết các nền kinh tế trong và ngoài khu vực này là BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Liên minh này đang sẵn sàng mở rộng hơn nữa, có thể kết nạp thêm Argentina và Iran.

Với cả Nga và Iran, Ấn Độ là một nút thắt quan trọng trong mạng lưới thương mại mới. Hãng tin Mehr cho biết 12 triệu tấn ngũ cốc của Nga tới Ấn Độ đã quá cảnh qua Iran. 

Dòng chảy thương mại có thể tăng lên nếu Iran thành công trong việc kết nối khu phức hợp cảng Chabahar tại Ấn Độ Dương với mạng lưới đường sắt của mình. Cảng Chabahar hiện vẫn được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. 

Thành công hay thất bại của kế hoạch trên nằm ngoài tầm của soát của Nga hay Iran. Dự án này sẽ phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia khác, từ Ấn Độ đến Trung Đông, vốn đang bị phương Tây gây áp lực, có sẵn sàng tham gia hay không.

Ông Bharath Gopalswamy, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn District Consultancy, nói: “Để những cơ sở hạ tầng như vậy được xây dựng, sử dụng và duy trì, không chỉ cần sự hợp tác của cả Nga và Iran mà còn của tất cả quốc gia khác trong hành lang”. 

“Bất kỳ thay đổi nào về hoàn cảnh địa chính trị, hoặc mối quan hệ giữa các quốc gia, sẽ ảnh hưởng đến thành công của hành lang thương mại", ông nhận định. 

Cảng Chabahar của Iran đang được xây dựng. (Ảnh: Maxar Technologies).

Minh Quang