|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Iran dự định chuyển cho Nga 'vũ khí' hiệu quả nhất để chống lại phương Tây

16:28 | 20/11/2022
Chia sẻ
Iran đang chuẩn bị chuyển cho Điện Kremlin bản thiết kế "vũ khí hiệu quả nhất" chống lại phương Tây: hệ thống tài chính ngầm để né trừng phạt.

Theo Politico, trong nhiều năm qua, Iran đã phá hỏng những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập nền kinh tế nước này. Tehran đã dựng lên một loạt các công ty bình phong và sử dụng các ngân hàng nước ngoài để né tránh trừng phạt, bao gồm cả những tổ chức tài chính lớn tại châu Âu và Mỹ.

Khi Nga đối mặt với sự cô lập trên trường quốc tế, Iran đã đề nghị chia sẻ “môn nghệ thuật” né trừng phạt cho Điện Kremlin. Trước đó, Tehran đã gửi đến Nga một số loại máy bay không người lái. 

Nền kinh tế Iran đã tăng trưởng âm sau khi bị Mỹ áp đặt trừng phạt. 

Các nhà ngoại giao cho biết một loạt cuộc họp gần đây giữa các quan chức cấp cao của Nga và Iran, bao gồm cả người đứng đầu ngân hàng trung ương Iran Ali Salehabadi và Thứ trưởng Kinh tế Ali Fekri, đã đặt nền móng cho sự hợp tác trên.

Việc sao chép hệ thống tài chính ngầm của Iran có thể giúp Nga hạn chế những ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt. Một quan chức phương Tây nói: “Bất cứ ai muốn thay đổi lập trường của Nga cần phải hiểu rằng việc làm tê liệt khả năng tài chính của Nga-Iran là điều cần thiết”.

Một số ngân hàng phương Tây, chẳng hạn như Commerzbank, Deutsche Bank của Đức cũng như Citigroup của Mỹ, dù vô tình hay hữu ý, đã giúp cho Iran tiếp tục thu lợi từ hoạt động giao dịch ngầm.

Bí mật của Iran

Iran đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc tìm cách tránh né các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng nỗ lực của nước này đã tăng tốc đáng kể kể từ năm 2018, sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân và tái áp đặt các cấm vận.

Dữ liệu giao dịch được Politico xem xét giữa các công ty thanh toán bù trừ của Iran và những công ty bình phong nước ngoài cho thấy lượng giao dịch né trừng phạt mà mạng lưới này quản lý ít nhất lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Dữ liệu cũng cho thấy mức độ thành công của Iran trong việc thoát khỏi “chiến dịch gây áp lực tuyệt đối” mà Washington khởi xướng năm 2018, đồng thời giải thích vì sao Tehran không muốn tham gia thỏa thuận hạt nhân.

Trong khi lạm phát và thất nghiệp tại Iran vẫn cao, nền kinh tế nước này gần đây đã có những dấu hiệu khởi sắc. Vào năm tài chính trước, nền kinh tế Iran đã tăng trưởng hơn 4%, theo số liệu từ World Bank.

 

Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran đã giảm đi do các lệnh trừng phạt. Tuy vậy, Tehran vẫn duy trì được hoạt động thương mại mạnh mẽ trong các lĩnh vực như hóa dầu hay kim loại.

Hoạt động giao dịch thương mại của Iran đạt 100 tỷ USD vào năm ngoái, mức cao nhất kể từ khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt. Bất chấp sản lượng dầu sụt giảm, Tehran đã hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao, với doanh thu tăng gấp đôi lên 19 tỷ USD.

Theo World Bank, hoạt động “xuất khẩu gián tiếp tới Trung Quốc” đang thúc đẩy sự phục hồi của ngành dầu khí Iran.

"Trung tâm giao dịch tiền"

Việc vận chuyển dầu để né trừng phạt khá đơn giản. Iran có thể chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác ở giữa biển, sau đó trộn với các loại dầu thô khác tại cảng nước ngoài để che dấu nguồn gốc xuất xứ.

Thách thức khó hơn đối với Iran là thu tiền từ hoạt động xuất khẩu mà không gây ra báo động trong hệ thống tài chính thế giới, vốn được chi phối bởi Mỹ và phương Tây.

Thay vì bán dầu trực tiếp tới người mua, Iran bán nhiên liệu thông qua các công ty bình phong, và những doanh nghiệp này lại bán cho công ty bình phong khác.

Hệ thống tài chính ngầm này giúp Iran tiếp cận được ngoại tệ mạnh mà không cần đưa USD vào hệ thống ngân hàng của mình. Đa số nguồn tiền được giữ ở nước ngoài. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong nước có thể sử dụng doanh thu từ dầu mỏ này như tài sản thế chấp.

Hoạt động chuyển dầu từ tàu sang tàu. (Ảnh: Angelos Tzortzinis/AFP).

Iran đã xây dựng mạng lưới với tên gọi “trung tâm giao dịch tiền” gồm hàng chục tổ chức thanh toán bù trừ điều hành những công ty bình phong tại nước ngoài, thường có đăng ký tại Trung Quốc, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, khi một công ty Iran cần thực hiện một giao dịch bị cấm bởi lệnh trừng phạt, ngân hàng địa phương có thể tìm đến một trong những tổ chức thanh toán trên để rửa tiền thông qua một mê cung doanh nghiệp bình phong, khiến việc truy xuất trở nên vô cùng khó khăn.

Bị lợi dụng

Theo dữ liệu từ các cơ quan thanh toán bù trừ được Politico xem xét, các ngân hàng lớn có trụ sở tại châu Âu, chẳng hạn như Commerzbank và Deutsche Bank và những ngân hàng ở Mỹ như Citigroup, đã được Iran sử dụng để thanh toán các giao dịch bị cấm.

Theo quy định trừng phạt của Mỹ, những ngân hàng nội địa và ngân hàng quốc tế làm việc tại Mỹ đều bị cấm thực hiện hầu hết các giao dịch liên quan tới Iran.

Các nhà ngoại giao cho biết thu nhập bị trừng phạt của Iran được chuyển qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Tuy vậy, không có bằng chứng cho thấy những ngân hàng phương Tây trên biết rằng những giao dịch này là của Tehran.

Nếu các công ty bình phong có tên trong giao dịch không được chính phủ Mỹ chỉ định cụ thể, thì các ngân hàng thường không thể phát hiện ra hoạt động đáng ngờ.

Ngân hàng cũng đã có những yêu cầu thẩm định nghiêm ngặt nhằm truy xuất nguồn gốc của các khoản tiền. Tuy vậy, Iran đã trở thành bậc thầy trong việc che giấu nguồn gốc các khoản tiền trên. Dữ liệu thanh toán bù trừ không hề tiết lộ bất cứ mối liên hệ nào với Tehran.

Những giao dịch của Iran thường liên quan tới một nhóm công ty và ngân hàng có trụ sở tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Singapore và Ấn Độ, đồng thời có giá trị từ vài nghìn đến hàng triệu USD.

Phần lớn các giao dịch đi qua UAE, bởi vị trí gần Iran và môi trường pháp lý thuận lợi. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ đưa UAE vào danh sách các quốc gia có “nguy cơ cao” về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Công ty Hua Gong, đăng ký tại Hong Kong được thành lập vào tháng 10/2018, cũng thường xuyên xuất hiện trong các hồ sơ giao dịch. Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng công ty này là bình phong được điều hành bởi Hiệp hội bảo lãnh Tahayyori của Iran.

Các giám đốc ngân hàng nói rằng việc kiểm soát thực sự khó khăn. Ngân hàng đã đầu tư hàng tỷ USD vào các hệ thống máy tính tinh vi để loại bỏ tận gốc các giao dịch đáng ngờ và thuê một đội chuyên gia về tội phạm tài chính. Tuy vậy, người Iran thường đi trước ngân hàng một bước.

"Thật khó để biết khi nào chúng tôi bị lạm dụng", một giám đốc ngân hàng thừa nhận. "[Người Iran] làm việc này một cách chuyên nghiệp..."

Minh Quang