|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính phủ Mỹ bí mật yêu cầu ngân hàng tiếp tục giữ quan hệ với Nga

17:01 | 08/11/2022
Chia sẻ
Nhằm tránh khủng hoảng kinh tế lan rộng ra toàn cầu, Nhà Trắng đã bí mật yêu cầu các ngân hàng giữ một số hoạt động kinh doanh với các lĩnh vực quan trọng của Nga.

Theo Bloomberg, trong buổi điều trần dài 7 tiếng hôm 21/9, Nghị sĩ Brad Sherman đã yêu cầu CEO Jamie Dimon trả lời về việc liệu JPMorgan đã cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp của Nga, bao gồm cả gã khổng lồ Gazprom, hay chưa.

Ông Sherman cho rằng những ngân hàng như JPMorgan đang lợi dụng kẽ hở trừng phạt để tiếp tục làm ăn với Nga, bất chấp cuộc xung đột Ukraine. Ông Dimon đáp trả: “Chúng tôi làm theo chỉ đạo của chính phủ Mỹ”.

Cuộc điều trần cho thấy các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đang kẹt giữa sự tranh chấp của chính quyền Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ về các lệnh trừng phạt.

Ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase, và bà Jane Fraser, CEO của Citigroup, trong cuộc điều trần vào tháng 9. (Ảnh: Al Drago/Bloomberg).

Yêu cầu bí mật

Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao đã bí mật yêu cầu các ngân hàng khổng lồ như JPMorgan và Citigroup tiếp tục kinh doanh với những doanh nghiệp chiến lược của Nga, nguồn tin của Bloomberg cho hay.

Nỗ lực bí mật của chính quyền Washington nhằm giảm thiểu tác động phụ tiêu cực của trừng phạt. Trong khi Quốc hội Mỹ yêu cầu các biện pháp trừng phạt ngày càng mạnh hơn, Nhà Trắng đang cố gắng kìm hãm Moscow, đồng thời tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Quốc hội cần hiểu rằng chính phủ Mỹ vẫn chưa áp đặt một lệnh cấm vận hoàn toàn với Nga, vẫn có một số doanh nghiệp được cho phép”, bà Nnedinma Ifudu Nweke, một luật sư chuyên về các lệnh trừng phạt và cấm vận thương mại của Mỹ tại Akin Gump Strauss Hauer & Feld, cho biết.

Bộ Tài chính “sẽ tiếp tục họp để chỉ đạo các ngân hàng về phạm vi được phép giao dịch, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân đạo”, bà Nweke nói.

Chính quyền Tổng thống Biden đã liên tục tuyên bố mong muốn ngân hàng và doanh nghiệp để tiền chảy tới những lĩnh vực chưa bị trừng phạt của nền kinh tế Nga. 

Các quan chức Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao đã kêu gọi các ngân hàng tiếp tục cung cấp những dịch vụ cơ bản, chẳng hạn thanh toán bằng USD, chuyển tiền và tài trợ thương mại cho những doanh nghiệp được miễn trừ khỏi một số khía cạnh trừng phạt, bao gồm Gazprom, nhà sản xuất phân bón Uralkali hoặc PhosAgro.

 

Ngân hàng và chính phủ Mỹ đang phải cố gắng cân bằng giữa việc hạn chế thu nhập giúp Nga tài trợ cho cuộc xung đột Ukraine và tránh gây những cú sốc kinh tế rộng hơn.

Các ngân hàng được kỳ vọng sẽ từ chối cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng, cá nhân, thực thể bị trừng phạt; và có thể bị phạt hàng triệu USD nếu không tuân thủ. Đồng thời, ngân hàng cũng đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo tiền lưu thông khắp thế giới, ngay cả khi phần lớn đã rút hoạt động tại Nga.

Trước cuộc xung đột, Citigroup đã tuyên bố ý định rút lui khỏi ngành ngân hàng tiêu dùng tại Nga. Vào tháng 8, công ty này cho biết sẽ giảm hoạt động của nhánh ngân hàng thương mại. Vào tháng trước, Citi tuyên bố sẽ giảm bớt hoạt động với tổ chức tại Nga.

Tương tự, JPMorgan cũng đã bắt đầu rút lui khỏi thị trường Nga. Tuy vậy, công ty này tuyên bố “hoạt động hạn chế” sẽ tiếp tục.

Một người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ cho biết cơ quan này đã cung cấp hướng dẫn cho ngành ngân hàng để đảm bảo rằng hoạt động viện trợ nhân đạo, năng lượng và nông nghiệp được thông qua.

Vô số quy tắc

Không chỉ có các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng tại Nga. Một giám đốc ngân hàng cao cấp cho biết chính phủ Mỹ có thể khuyến khích bên cho vay làm việc với một số công ty của Nga. Tuy vậy, doanh nghiệp Nga này có thể lại đang bị Liên minh châu Âu trừng phạt.

Bộ Tài chính Mỹ đã nhắc nhở các ngân hàng rằng một số hoạt động kinh doanh năng lượng, ngũ cốc, liên lạc … được miễn trừ. Bộ này cũng cấp các giấy phép chung để khẳng định với ngân hàng rằng những hoạt động kinh doanh trên có thể được tiếp tục.

Các ngân hàng vẫn đang cảnh giác và đưa hầu hết trường hợp, ngay cả với khách hàng Nga không bị trừng phạt, vào một quy trình xem xét phức tạp và kéo dài. Chính quyền Mỹ đã phải khuyến khích ngân hàng tiếp tục cung cấp dịch vụ cho một số doanh nghiệp Nga để tránh nạn đói trên toàn cầu.

“An ninh lương thực của thế giới phụ thuộc vào việc những giao dịch trên tiếp tục được thông qua”, Đại sứ Jim O’Brien, người đứng đầu Văn phòng điều phối các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, giải thích.  

“Chúng tôi tiếp tục làm rõ và đảm bảo với các ngân hàng và những đơn vị khác tham gia vào thương mại nông nghiệp rằng họ không phải là mục tiêu trừng phạt”, ông nói.

Trong một trường hợp, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài đã thông báo rõ ràng với các ngân hàng rằng cơ quan này chưa chặn PhosAgro, nhà sản xuất phân bón phốt pho lớn nhất của châu Âu.

Cơ quan này hối thúc: “Nhìn chung, thương mại nông nghiệp và y tế không phải là mục tiêu của trừng phạt”.

Giao dịch nhân đạo

Việc Mỹ phải đưa ra một số miễn trừ cho thấy sự liên kết của Nga với những thị trường toàn cầu, bao gồm việc là người chơi lớn về hàng hóa và nông nghiệp. 

Giá lương thực toàn cầu, đặc biệt những mặt hàng như ngũ cốc và dầu ăn đã tăng mạnh sau xung đột Ukraine.

Cả Ukraine và Nga đóng góp 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu của toàn thế giới, 70% dầu hướng dương và 14% ngô. Kể từ khi xung đột nổ ra, giá thực phẩm đã tăng lên, và Điện Kremlin đang chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Bà Nweke giải thích: “Mục tiêu [của trừng phạt] không nhằm khiến người dân chịu thiệt hại. Mục tiêu chưa từng là khiến dân thường của Nga phải chịu thiệt thòi. Vì vậy, tôi nghĩ các chính sách của Mỹ sẽ sẽ tiếp tục ủng hộ các giao dịch nhân đạo, và chúng ta sẽ cần ngân hàng để thực hiện [những giao dịch này]”.

Minh Quang

[LIVE] ĐHĐCĐ Techcombank: Phát triển thêm các mảng không phải thế mạnh như SME, tín dụng tiêu dùng
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.