|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhiều nước phương Tây vừa áp lệnh trừng phạt, vừa tăng cường mua hàng của Nga

08:47 | 02/11/2022
Chia sẻ
Thương mại quốc tế của Nga đã bùng nổ trong năm nay, ngay cả khi các nước phương Tây áp đặt hàng nghìn lệnh trừng phạt. Liên minh kinh tế cũ giữa Nga và châu Âu đang dần bị thay thế bởi liên minh với châu Á.

Theo New York Times, Nga là một trong những nhà sản xuất dầu, khí đốt và nguyên liệu thô quan trọng nhất của thế giới. Vì vậy, việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Moscow không hề đơn giản.

Vào năm 2020, Nga nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 220 tỷ USD, chủ yếu gồm ô tô, phụ kiện ô tô, thuốc men, máy tính; với các đối tác lớn là Trung Quốc, Đức và Hàn Quốc. Theo phân tích của New York Times, khối lượng nhập khẩu đã giảm kể từ khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Tuy vậy, một vài quốc gia như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ lại tăng cường quan hệ thương mại với Nga.

Nhiều quốc gia phát hiện ra rằng việc sống thiếu nguyên liệu thô của Nga là cực kỳ khó khăn. Trước xung đột, 2/3 giá trị xuất khẩu của Nga đến từ dầu mỏ, khí đốt, kim loại và khoáng sản quan trọng; đóng vai trò là nhiên liệu cho ô tô, sưởi ấm nhà cửa và đầu vào cho nhà máy trên khắp thế giới.

Các quan chức phương Tây phải đối mặt với sự thật rằng tổng trị giá xuất khẩu của Nga đã tăng lên sau khi nước này tấn công Ukraine, bất chấp hàng nghìn lệnh trừng phạt.

Vừa áp lệnh trừng phạt, vừa tăng mua hàng của Nga

New York Times phân tích dữ liệu được Đài quan sát Phức hợp Kinh tế (OEC) tổng hợp để chỉ ra sự thay đổi trong quan hệ thương mại của Nga với quốc tế.

Kim ngạch xuất nhập khẩu = giá trị nhập khẩu + giá trị xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng tháng của Nga tăng thêm 12,7 tỷ USD sau xung đột.

Dữ liệu của OEC có độ trễ. Vì vậy, khả năng trao đổi, buôn bán của Nga với phần còn lại của thế giới trong những tháng tới đây có thể sẽ bị hạn chế hơn nữa khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới.

Cho đến nay, dữ liệu của OEC đã nêu bật lên sự gắn kết của Nga với nền kinh tế toàn cầu. Moscow vẫn có thể thu lợi lớn sau 9 tháng xung đột, và những nỗ lực của phương Tây hiện chỉ có hiệu quả hạn chế.

“Rất khó để sống mà không có tài nguyên của Nga”, ông Sergey Aleksashenko, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, nói. “Không có sự thay thế”.

Xuất khẩu

Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành những nhà nhập khẩu hàng hóa và sản phẩm lớn của Nga, tăng lần lượt 430% và 213%. Brazil đứng thứ ba trong danh sách, với trị giá nhập khẩu tăng 166%. Xuất khẩu từ Nga tới Trung Quốc lên thêm 98%, trong khi tới Arab Saudi là 45%.

Một số quốc gia vừa tăng thu mua hàng hóa của Nga, đồng thời cũng đóng vai trò tích cực trong việc phản đối chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, bao gồm cả các thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Tây Ban Nha tăng nhập khẩu hàng hóa của Nga thêm 112%, trong khi Bỉ là 130%. Hà Lan cũng tăng thêm 74%, Nhật Bản là 40%. Đức và Na Uy có mức nhập khẩu tăng thêm từ Nga lần lượt là 38% và 21%.

Kim ngạch xuất khẩu của Nga tăng thêm 13,2 tỷ USD mỗi tháng sau xung đột Ukraine.

Nhập khẩu

Song song với việc tăng nhập khẩu, hầu hết các quốc gia đều đã giảm xuất khẩu sang Nga, mang lại cho Moscow thặng dư thương mại lớn. Ấn Độ, nhà nhập khẩu có sự tăng trưởng hàng đầu trong bảng xếp hạng phía trên, giảm xuất khẩu 19%, trong khi xuất khẩu từ Brazil và Tây Ban Nha giảm lần lượt 13% và 44%.

Mỹ và Anh có mức giảm xuất khẩu sang Nga lần lượt là 84% và 71%. Thụy Điển giảm xuất khẩu sang Nga 61%.

Trong khi đó, chỉ có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường bán hàng hóa cho Nga, với tỷ lệ đi lên lần lượt là 24% và 113%. 

Kim ngạch nhập khẩu của Nga giảm đi 1,46 tỷ USD mỗi tháng sau xung đột Ukraine.

Bỏ liên kết cũ, thành lập liên minh mới

Bước sang tháng thứ 9, liên kết kinh tế lâu đời giữa Nga và châu Âu đang dần bị cắt đứt. Một liên minh mới đang được thành lập, chuyển hướng hàng hóa Nga sang nơi khác.

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên nhiều cá nhân và quan chức chính phủ Nga, ngăn nước này tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu, ngừng xuất khẩu công nghệ hiện đại và cấm các hãng hàng không của Moscow tới châu Âu.

Các tàu chở đầy hàng hóa từ nước ngoài đã không còn đổ về cảng St. Petersburg. Lạm phát và những sự không chắc chắn trong nền kinh tế cũng khiến người tiêu dùng Nga hạn chế mua sắm.

Tuy vậy, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga vẫn còn chậm. Mỹ đã dừng mua dầu Nga, Anh sẽ ngừng vào cuối năm. Tuy vậy, cả hai quốc gia trên đều không phải người mua lớn.

EU đang chậm chạp hơn hai người đồng minh. Vào tháng 8, liên minh này đã cấm nhập khẩu than. EU sẽ ngừng mua dầu theo đường biển của Nga vào tháng 12, sau đó cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm dầu khí của từ tháng 2/2023.

Dầu mỏ và khí đốt là nguồn thu lớn của chính phủ Moscow. Giá dầu và khí đốt cao đã giúp Nga bù đắp doanh thu bị mất đi do các lệnh trừng phạt. Gã khổng lồ năng lượng Gazprom đã báo cáo hai quý kinh doanh đầu năm kỷ lục, ngay cả khi dòng chảy đến châu Âu bắt đầu chậm lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng liên tục cập nhật lại dự báo kinh tế Nga trong năm nay. Vào tháng 10, IMF kỳ vọng kinh tế Nga sẽ thu hẹp 3,4% trong năm 2022, khả quan hơn đáng kể so với mức suy giảm 6% được dự đoán trong tháng 7 và 8,5% trong tháng 4.

 

“Nga chống chịu các lệnh trừng phạt kinh tế tốt hơn so với dự kiến nhờ vào giá dầu và khí đốt cao, cũng như sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch”, ông Gilberto Garcia-Vazquez, nhà kinh tế trưởng tại Datawheel, công ty vận hành OEC cho biết.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu của châu Âu có thể khiến Nga thiệt hại. Tuy vậy, dầu của Moscow nhiều khả năng sẽ tìm đường tới thị trường. Từ khi xung đột diễn ra, Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành người mua lớn của loại hàng hóa này.

Những nước từng bán nhiều dầu cho Ấn Độ và Trung Quốc, chẳng hạn như Arab Saudi, Iraq hay Angola có thể bán cho châu Âu. Động thái này sẽ dẫn tới hiện tượng “xáo trộn thị trường năng lượng”, trong đó dầu Nga sẽ được chuyển tới thị trường khác thay vị bị ngừng hoàn toàn, ông Aleksashenko nói.

 

Ngoài năng lượng, Nga cũng tiếp tục trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu của những hàng hóa quan trọng như phân bón, amiăng, lò phản ứng hạt nhân hay lúa mì.

Các nhà sản xuất ô tô vẫn phải dựa vào palladium và rhodium của Nga để chế tạo bộ lọc khí thải. Nhà máy điện hạt nhân của Pháp vẫn cần uranium từ Nga, trong khi Bỉ vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao dịch kim cương của Moscow.

Theo OEC, Nga nằm trong top 3 về giá trị xuất khẩu của 41 loại hàng hóa. 

Bức tranh khác vào năm 2023

Theo New York Times, hoạt động thương mại và nguồn thu của Nga có thể sụt giảm vào năm sau khi các lệnh trừng phạt có hiệu quả.

Ông Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, kỳ vọng khối lượng xuất khẩu của Nga sẽ giảm đáng kể trong dài hạn khi châu Âu chuyển sang nguồn năng lượng mới và khi các biện pháp trừng phạt, bao gồm giá trần với dầu, có hiệu lực.

Những diễn biến trên chiến trường có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ kinh tế. Cuối tuần này, Moscow đã rút khỏi thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.

Ông Gabuev cho rằng nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt trên toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể và cắt đứt quan hệ thương mại của nước này với châu Á. “Chúng ta có thể thấy một bức tranh khác vào năm sau”, ông Gabuev nói.

Minh Quang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.