|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nghị trường châu Âu bất đồng vì ô tô điện

07:16 | 19/10/2024
Chia sẻ
Luật cấm bán ô tô mới có khí thải CO2 vào năm 2035 là một trong những điểm chính của cuộc tranh luận hiện nay ở châu Âu, trong bối cảnh châu lục này phải lựa chọn giữa tham vọng sinh thái và kinh tế.

EC sẽ nâng thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN).

Theo báo Le Point, kế hoạch chấm dứt sử dụng ô tô động cơ đốt trong vào năm 2035 của Liên minh châu Âu (EU) đang gây ra những bất đồng nội bộ, vào thời điểm châu Âu phải lựa chọn giữa tham vọng sinh thái và thực tế kinh tế.

Một tâm lý lo ngại đang xuất hiện ở ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Kể từ tháng 8/2024, khi doanh số bán xe điện giảm 43,9% so với cùng kỳ năm trước, tin xấu vẫn đang dồn dập tới. Chính trong bối cảnh này, các đại biểu châu Âu đã tranh luận quyết liệt tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg.

Đây là một cuộc tranh luận quan trọng vào lúc Ủy ban châu Âu (EC) đang chuẩn bị triển khai kế hoạch áp thuế quan đối với xe điện Trung Quốc. Nguy cơ sụp đổ ngành công nghiệp ô tô bắt đầu xuất hiện, gợi nhớ đến những gì đã diễn ra đối với lĩnh vực tấm quang điện ở châu lục này.

“Đây là thời điểm quyết định và không chỉ với ngành công nghiệp ô tô. Đây là thời điểm quyết định đối với cả ngành công nghiệp châu Âu, về khả năng của chúng ta trong việc đảm bảo cân bằng sức cạnh tranh với Trung Quốc. Và điều này cũng liên quan đến lợi ích chung của châu Âu. Nếu chúng ta bỏ mặc ngành công nghiệp ô tô, toàn bộ nền công nghiệp châu Âu sẽ nao núng. Ai muốn đầu tư vào một lục địa không có khả năng bảo vệ thị trường của mình?”, đại biểu Raphaël Glucksmann, nhà lãnh đạo đảng Place publique của Pháp đặt vấn đề.

Áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc là phản ứng đầu tiên, nhưng liệu như vậy đã đủ chưa? Ngày 4/10, các nước thành viên EU đã bỏ phiếu về biện pháp bảo hộ này. Kết quả cho thấy một sự chia rẽ nghiêm trọng: 10 nước, trong đó có Pháp và Italy, đã bỏ phiếu tán thành; 12 nước, bao gồm Tây Ban Nha và Thụy Điển, bỏ phiếu trắng; và hai nước, trong đó có Đức, bỏ phiếu chống. Đức phải làm vậy vì đây là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế nước này.

Do không hội đủ đa số theo quy định để phản đối đề xuất tăng thuế quan nên EC có thể áp dụng biện pháp mới từ ngày 31/10. Các mức thuế suất được đề xuất từ 7,8 - 38% sẽ được cộng vào mức thuế 10% đã có hiệu lực. Đối với Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis, vấn đề không phải là chủ nghĩa bảo hộ mà là “khôi phục lại sự công bằng trong cạnh tranh”.

Ông tái khẳng định biện pháp ứng phó này là phù hợp với những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Về phần mình, Trung Quốc đáp lại bằng cách hướng mục tiêu vào rượu cognac của châu Âu.

“Chúng ta phải mất 13 tháng để tăng thuế đối với những loại xe này lên 50%. Thế còn pin và các bộ phận khác thì sao?”, đại biểu châu Âu thuộc đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) Marina Mesure bày tỏ quan điểm và kêu gọi EU có “một chính sách bảo hộ thực sự để cứu ngành công nghiệp ô tô đồng thời đảm bảo chủ quyền công nghiệp của EU”. Tuy nhiên, EC vẫn chưa từ bỏ giải pháp thương lượng và cam kết sẽ “tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để tìm một giải pháp thay thế.

Luật cấm bán ô tô mới có khí thải CO2 vào năm 2035 là một trong những điểm chính của cuộc tranh luận hiện nay ở châu Âu. Biện pháp này, một trụ cột trong chiến lược chống biến đổi khí hậu của liên minh, đã “kết tinh” các mối căng thẳng và chia rẽ sâu sắc giới chính trị. Một “điều khoản xem xét” được lên kế hoạch vào cuối năm 2026 để cân nhắc về mốc “định mệnh” năm 2035. Bộ trưởng Công nghiệp Italy Adolfo Urso đề xuất đẩy lịch xem xét lại vấn đề lên sớm hơn, cụ thể là đầu năm 2025. Nhưng Pháp và Đức không tán thành.

Ở phe cánh hữu, đại biểu Jens Gieseke thuộc đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chính trị lớn nhất Nghị viện châu Âu, phản đối lộ trình do EC đặt ra. Ông Gieseke nói: “Chúng ta cần sự kết hợp rộng rãi của những công nghệ và cần công nhận các loại nhiên liệu trung tính với khí hậu”.

Đại biểu Paolo Borchia, đại diện cho nhóm cực hữu “Những người yêu nước vì châu Âu”, đã cho rằng “sự chuyển đổi đặt ra những mục tiêu phi thực tế”, cho rằng EC có những hành động khiến cuộc khủng hoảng công nghiệp ô tô trở nên nghiêm trọng hơn.

Đại biểu Milan Uhrik của nhóm dân tộc chủ nghĩa “Châu Âu của các quốc gia chủ quyền” (ENS), người Slovakia, khẳng định: “Chúng tôi không chống lại ô tô điện, nhưng chúng tôi phản đối việc ép buộc mọi người mua những chiếc ô tô này”. Ông kêu gọi EC xem xét lại lệnh cấm động cơ đốt trong.

Để hiểu được tình trạng hiện nay của ngành công nghiệp ô tô châu Âu, cần nhìn vào chiến lược dài hạn của các nhà sản xuất. Đại biểu châu Âu thuộc đảng Place publique, Thomas Pellerin-Carlin, cho biết: “20 năm trước, các nhà sản xuất châu Âu đã chọn tập trung vào những loại xe đắt tiền hơn và nặng hơn, cải thiện tỷ suất lợi nhuận đồng thời giảm sản lượng”.

Chiến lược này trái ngược với cách tiếp cận của Trung Quốc vốn tập trung vào số lượng và giá cả cạnh tranh. Kết quả là phân khúc “xe bình dân” phần lớn đã bị bỏ rơi ở châu Âu…, tạo khoảng trống để xe Trung Quốc tiếp cận.

Về phần mình, đại biểu thuộc Đảng Xã hội (PS) người Pháp François Kalfon khẳng định: "Xe điện phân khúc phổ thông đều là xe của Trung Quốc".

Theo đại biểu Thomas Pellerin-Carlin, “các nhà sản xuất châu Âu đang đi sau Trung Quốc khoảng một thế hệ trong lĩnh vực điện khí”. Vấn đề sống còn là mục tiêu đến năm 2035 chấm dứt sử dụng động cơ đốt trong sẽ chỉ làm trầm trọng thêm khoảng cách tụt hậu của châu Âu.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)