|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cánh cửa để ngỏ' của EU trong lĩnh vực xe điện

06:44 | 10/10/2024
Chia sẻ
Trang mạng The Sydney Morning Herald (Australia) ngày 8/10 đăng bài viết cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu về việc áp thuế cao đối với xe điện (EV) của Trung Quốc.

Dây chuyền lắp ráp ô tô điện tại nhà máy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 24/4/2024. (Ảnh: THX/TTXVN).

Cuộc bỏ phiếu ngày 4/10 diễn ra sau khi các cuộc đàm phán giữa EU và Trung Quốc trong nhiều tháng qua không mang lại kết quả.

Tháng 6/2024, sau cuộc điều tra về các khoản trợ cấp mà Trung Quốc đang hoặc đã cung cấp cho lĩnh vực xe điện, EU đã đề xuất rằng ngoài việc áp mức thuế cơ bản 10% mà khối này quy định đối với tất cả EV nhập khẩu, liên minh sẽ áp thêm thuế đối với EV do Trung Quốc sản xuất, dao động từ 17,4% đến 38,1%. Tỷ lệ này sẽ được áp dụng với từng nhà sản xuất, phụ thuộc vào mức độ hợp tác của họ.

Các mức thuế đề xuất được coi là đòn bẩy khá rõ ràng để buộc Trung Quốc thay đổi các chính sách trong lĩnh vực EV, vốn dẫn đến làn sóng EV giá rẻ và hàng nhập khẩu “xanh” vào EU.

Mặc dù những cuộc đàm phán tiếp theo sẽ xoay quanh các đề xuất áp giá tối thiểu và khối lượng tối đa đối với EV nhập khẩu từ Trung Quốc, song dự báo sẽ có nhiều khó khăn ở phía trước vì châu Âu đang bị chia rẽ trong vấn đề này. Trong số 27 quốc gia thành viên, có 5 quốc gia bỏ phiếu phản đối thuế quan và 12 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Đức là nước bị tổn hại nghiêm trọng nếu mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc lao dốc dẫn đến sự trả đũa của Trung Quốc, bởi các tập đoàn Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz của Đức đều đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc và họ cũng xuất khẩu các xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong sang Trung Quốc.

Những nước khác, chẳng hạn như Hungary, đang thu hút đầu tư đáng kể từ các nhà sản xuất EV Trung Quốc, vốn đang tìm cách phòng ngừa rủi ro khi thành lập các cơ sở sản xuất ở châu Âu. Cũng có những nước lo lắng về khả năng tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc đối với hàng nông sản xuất khẩu của họ.

Trung Quốc đã đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% đối với các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong cỡ lớn, rõ ràng nhắm vào các nhà sản xuất ô tô hạng sang của Đức, đồng thời cũng đang điều tra việc nhập khẩu rượu mạnh (Pháp) và bóng gió đề cập đến việc áp thuế đối với sữa cũng như các sản phẩm nông nghiệp, rượu vang và hàng nhập khẩu khác của châu Âu.

Tuy nhiên, mối đe dọa đối với châu Âu và các chính sách “xanh” tích cực của khối này là việc Trung Quốc hạn chế hoặc cắt đứt khả năng tiếp cận đất hiếm, lithium và các yếu tố quan trọng khác của chuỗi cung ứng cho EV.

Từ doanh số không đáng kể cách đây ba năm, các công ty Trung Quốc đã có thị phần khoảng 7% tại thị trường EV lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc là thị trường lớn nhất) trong năm ngoái. Và con số đó đang tăng nhanh tại một thị trường được cho là sẽ tăng trưởng đáng kể do EU có kế hoạch cắt giảm dần động cơ đốt trong đến năm 2035.

Ngành xe điện của Trung Quốc được hưởng lợi từ các chính sách trợ cấp, ưu đãi thuế, khuyến khích và giảm giá cho người mua, chính sách mua sắm của chính phủ, chuyển giao công nghệ bắt buộc hay các hình thức hỗ trợ tài chính khác.

Mặc dù hầu hết trong số đó đã bị loại bỏ, song "di sản" là nền tảng sản xuất EV lớn nhất và phức tạp nhất thế giới, với chuỗi cung ứng đáng kể và lợi thế công nghệ so với các nhà sản xuất xe điện ở nơi khác. Trung Quốc cũng có thị trường nội địa lớn nhất thế giới để mang lại lợi thế về quy mô.

Trung Quốc hiện có 200 nhà sản xuất với năng lực sản xuất cao gấp bội nhu cầu trong nước – và năng lực dư thừa có lẽ lớn hơn đáng kể so với tổng nhu cầu về EV bên ngoài Trung Quốc – dẫn đến cuộc chiến giảm giá, khiến phần lớn các công ty không có lợi nhuận.

Thành công của các nhà sản xuất Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào giá cả. Xe Trung Quốc, pin và quy trình sản xuất của họ đều dẫn đầu thế giới.

Chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự thống trị trong lĩnh vực EV và chuỗi cung ứng của nó đã được hiện thực hóa. Tuy nhiên, cùng với đó là phản ứng dữ dội và những cáo buộc về cạnh tranh không công bằng và thuế quan.

Năm nay, Mỹ đã áp thuế 100% đối với EV Trung Quốc và mức thuế 25% đối với pin Trung Quốc. Canada cũng đã làm điều tương tự. Brazil đã tăng thuế đối với EV của Trung Quốc từ 10% lên 18% trong năm nay và có kế hoạch tăng lên 35% vào năm 2026. Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng thuế suất từ 10% lên 50% vào năm ngoái.

Cách tiếp cận của người châu Âu mang nhiều sắc thái hơn so với Mỹ và các nước khác, có lẽ vì mối quan hệ thương mại của họ với Trung Quốc rất sâu rộng. Giá trị trao đổi thương mại song phương năm ngoái lên tới gần 740 tỷ euro (1.200 tỷ USD). Do đó, EU vẫn để thị trường mở cho EV và đầu tư của Trung Quốc vào các nhà máy ở châu Âu để đáp ứng mục tiêu phát thải carbon và tạo việc làm xanh.

Trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất ô tô của EU đang vận hành nhà máy ở Trung Quốc và xuất khẩu ô tô sang châu Âu, EU muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất trong nước.

Nếu xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của khối - bị đe dọa, EU có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm mối quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, sử dụng đòn bẩy thuế quan đối với EV (và thuế quan tiềm năng đối với các sản phẩm khác của Trung Quốc) để có được quyền tiếp cận tốt hơn đối với thị trường nội địa nước này.

Thanh Tú