|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga cố gắng nhiều năm để bớt phụ thuộc vào linh kiện quân sự của phương Tây nhưng bất thành

07:00 | 16/10/2022
Chia sẻ
Nga đã phát động một chiến dịch nhằm giảm phụ thuộc vào linh kiện và công nghệ quốc phòng của phương Tây từ trước khi gánh chịu các lệnh trừng phạt gần đây. Tuy nhiên, nỗ lực của chính quyền ông Putin chưa đạt được thành tựu đáng kể nào.

Tình cảnh ngặt nghèo

Theo Bloomberg, các tài liệu chưa được công bố trước đây cho thấy chính phủ Nga đã phát động một chương trình với các mục tiêu cụ thể từ năm 2019.

Moscow vạch ra chương trình trên nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào linh kiện vũ khí của phương Tây vào năm 2025. Tham vọng này bao trùm mọi máy móc, vũ khí từ radar cho đến tàu ngầm tiên tiến và hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Tuy nhiên, 10 tháng trước khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định đưa quân sang Ukraine, một cuộc đánh giá nội bộ về kế hoạch nói trên cho thấy Nga hầu như không hoàn thành mục tiêu nào.

Một chiếc xe tăng của Nga bị phá hủy gần thành phố Izyum ở miền đông Ukraine. (Ảnh: Getty Images).

Qua trao đổi thêm với các quan chức Mỹ cũng như châu Âu, Bloomberg nhận thấy bản báo cáo đã nêu bật lên những khó khăn của doanh nghiệp và Bộ Thương mại Nga trong việc thay thế các linh kiện do các nước thành viên NATO và Ukraine cung cấp.

Theo một quan chức châu Âu, một trong những kết luận mà Nga đã rút ra cho thấy rõ ràng rằng chương trình mua sắm quốc phòng của Moscow có thể thất bại nếu phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt.

Tình trạng thiếu hụt vũ khí hiện đại đã buộc Nga phải sử dụng các mẫu có từ thời Liên Xô, trong đó có nhiều vũ khí không còn hoạt động chính xác và đáng tin cậy, giới chức phương Tây thông tin thêm.

Họ nói rằng Điện Kremlin khó có thể duy trì các cuộc tấn công quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng của Ukraine như đã thấy trong tuần này, bất chấp những lời đe doạ tiếp tục leo thang xung đột từ ông Putin.

Theo các nguồn tin của Bloomberg, Nga hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp tế cho quân đội trên bộ, đồng thời phải chịu tổn thất nặng nề về xe tăng, máy bay và có thể sắp cạn kiệt kho vũ khí.

Kể từ khi chiến sự nổ ra, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác đã giáng nhiều đòn trừng phạt nặng nề vào Moscow, bao gồm các hình phạt nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận chất bán dẫn và linh kiện quan trọng được sử dụng trong vũ khí công nghệ cao.

Đầu tuần này, ông Jeremy Fleming - Giám đốc cơ quan tình báo GCHQ của Anh, cho hay: “Thiệt hại đối với Nga - về cả con người lẫn thiết bị, đều rất khủng khiếp. Chúng tôi và cả các chỉ huy Nga trên chiến trường đều biết rằng quân nhu và đạn dược của họ đang cạn kiệt”.

Nga vất vả đến đâu?

Chương trình thay thế linh kiện quốc phòng nhập khẩu từ phương Tây được Nga triển khai lần đầu vào năm 2014, sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Kế hoạch được đẩy nhanh với các mục tiêu chi tiết hơn vào năm 2019.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025, Moscow muốn đổi các công nghệ, thiết bị điện tử và linh kiện thiết yếu nước ngoài bằng các mặt hàng tương đương trong nước hoặc các sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất từ đầu.

Ngoài ra, chính quyền ông Putin còn muốn xây dựng chuỗi cung ứng mới cũng như kho dự trữ chiến lược cho các thành phần quan trọng, theo một trong các tài liệu mà Bloomberg thu thập được. Nga cũng bắt đầu một nỗ lực tương tự nhằm thay thế gần 640 linh kiện có nguồn gốc từ Ukraine.

Các cuộc đánh giá sau đó cho thấy thành công của Moscow rất hạn chế. Chính phủ nước này chỉ hoàn thành hầu hết các mục tiêu liên quan đến một lượng nhỏ thiết bị trinh sát vô tuyến và laser.

Trong khi đó, nỗ lực sản xuất các linh kiện điện tử tương tự trong nước vẫn chưa thể bắt đầu. Nga đặt mục tiêu phát triển 4.148 linh kiện vào năm 2020, nhưng cuối cùng không đạt được chỉ tiêu nào.

Các hợp đồng trị giá hàng tỷ ruble với các doanh nghiệp Nga cũng bị chậm trễ. Các bộ liên quan không thể kiểm soát quy trình sản xuất và các thành phần nước ngoài như hoá chất, vật liệu chuyên dụng và thiết bị điện tử lại được sử dụng bí mật trong một số dự án.

Tổng thống Putin phát biểu tại Điện Kremlin vào ngày 20/9. (Ảnh: Getty Images).

Một quan chức châu Âu dự đoán rằng kho vũ khí của Nga sẽ xuống cấp hơn nữa. Một số vũ khí tiên tiến của Nga hiện đang phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện của nước ngoài bao gồm tên lửa hành trình, máy bay ném bom TU-22, tàu ngầm, hệ thống phòng không Nudol và radar phòng không.

Các nhà chức trách Nga nhận thức rõ vấn đề nghiêm trọng đến đâu. Theo Bloomberg, vào năm 2018, Điện Kremin đã chỉ định một số quan chức giám sát chương trình.

Tháng 7/2019, tổng điều tra viên Yuri Chaika cho biết “việc thay thế linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài trong ngành công nghiệp quốc phòng là một bài toán lớn”. Người kế nhiệm ông Chaika - Igor Krasnov chia sẻ vào năm 2020 rằng đây vẫn là một vấn đề đáng quan ngại.

Các cuộc đánh giá cũng vô tình nêu bật lên vai trò của các công ty châu Âu. Trong nhiều năm kể cả sau khi Tổng thống Putin sáp nhập Crimea, doanh nghiệp châu Âu vẫn đóng góp cho kho vũ khí của Moscow.

Tuy nhiên, cũng kể từ năm 2014, EU đã mở rộng các hạn chế thương mại đối với Nga. Gói trừng phạt gần nhất của khối bao gồm các lệnh cấm đối với nhiều linh kiện điện tử được tìm thấy trong vũ khí và các bộ phận hàng không của Nga.

EU cũng đã cấm xuất khẩu chất bán dẫn, thiết bị máy tính lượng tử và các thiết bị được xác định trong vũ khí mà Nga sử dụng tại Ukraine.

Nhà nghiên cứu Sidharth Kaushal của viện nghiên cứu an ninh RUSI nhận xét: “Sự phụ thuộc vào các linh kiện của phương Tây sẽ không ngăn cản được bộ máy quân sự của Nga, nhưng về cơ bản sẽ làm chậm tốc độ tái tạo sức mạnh quân sự của họ”.

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.