Cao ủy EU: 'Quân đội Nga sẽ bị hủy diệt’ nếu ông Putin dùng vũ khí hạt nhân tại Ukraine
Theo SCMP, vào hôm 13/10, Cao ủy Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell đã đưa ra lời cảnh báo: “Tổng thống Putin tuyên bố mình không nói đùa. Ông Putin không nói đùa, nhưng những người ủng hộ Ukraine, EU, các nước thành viên cũng như Mỹ và NATO cũng không hề nói đùa”.
“Bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào chống lại Ukraine đều sẽ có sự đáp trả, không phải bằng hạt nhân mà sẽ là một cuộc đáp trả quân sự mạnh mẽ khiến quân đội Nga bị hủy diệt”, ông tuyên bố.
Nỗi lo về việc Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine đã tăng lên sau khi Tổng thống Putin đưa ra lời đe dọa và sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Hiện Kiev đã giành lại được một số vùng lãnh thổ ở phía bắc, còn Nga đang liên tục tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng của Ukraine sau vụ nổ cầu Crimea.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” nếu Nga tấn công hạt nhân vào người hàng xóm thân phương Tây của mình.
“Chúng tôi sẽ không nêu rõ biện pháp đáp trả, nhưng [một vụ tấn công hạt nhân từ Nga] sẽ thay đổi về mặt cốt lõi bản chất của cuộc xung đột”, ông Stoltenberg nói. “Kể cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ cũng là một hành động rất nghiêm trọng”.
Một quan chức cao cấp của NATO vào hôm 12/10 cho biết nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, “gần như chắc chắn sẽ có sự đáp trả bằng vũ lực từ nhiều đồng minh, có thể là cả NATO”.
Liên minh này vẫn chưa đe dọa việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân để đáp trả do Ukraine không phải là một thành viên được bảo vệ bởi Điều 5 trong Hiến chương NATO. Điều 5 quy định bất cứ cuộc tấn công nào vào một thành viên trong liên minh đều được coi là tấn công vào tất cả NATO.
Hiện cả Mỹ và NATO đều tránh can thiệp quân sự trực tiếp vào xung đột Ukraine bởi lo ngại leo thang chiến tranh hạt nhân với Moscow.
“Mục đích cơ bản của khả năng răn đe hạt nhân của NATO là để bảo vệ hòa bình, ngăn hành vi xâm phạm và ngăn chặn sự ép buộc chống lại đồng minh NATO”, ông Stoltenberg nói. “Những tình huống mà NATO phải sử dụng vũ khí hạt nhân là rất hiếm”.
Bên cạnh việc đe dọa dùng vũ khí hạt nhân, Nga còn cảnh báo về khả năng bùng nổ Thế chiến thứ III nếu Ukraine gia nhập NATO. “Kiev biết rõ rằng động thái này sẽ đảm bảo con đường leo thang đến Thế chiến III”, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Alexander Venediktov nói. “Các thành viên NATO hiểu rõ bản chất tự sát của hành động này”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết cuộc tập trận về vũ khí hạt nhân của NATO dự định sẽ diễn ra vào tuần tới nhằm đảm bảo “sự sẵn sàng”.
“Các cuộc tập trận của NATO đều nhằm đảm bảo rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng cho mọi thứ”, Bộ trưởng Wallace nói. “Công việc của liên minh là đảm bảo rằng 30 thành viên sẵn sàng cho những thứ sắp đến. Và chúng tôi phải tiếp tục nhiệm vụ này”.
Trong cuộc tập trận hàng năm có tên gọi Steadfast Noon, lực lượng không quân của NATO sẽ luyện tập sử dụng bom hạt nhân của Mỹ tại châu Âu bằng cách bay huấn luyện không mang vũ khí.
Ngừng các cuộc tập trận vì cuộc xung đột tại Ukraine sẽ gửi đi một “tín hiệu rất sai lầm”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay.