|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến tranh mạng - mặt trận không tiếng súng ở Ukraine

11:19 | 08/10/2022
Chia sẻ
Sau khi bùng nổ xung đột, Nga và Ukraine đều triển khai mạnh mẽ các cuộc tấn công mạng lẫn nhau. Nhiều chuyên gia dự báo tấn công mạng sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong các cuộc xung đột vũ trang trong thế kỷ 21.

Gần 450 cuộc tấn công mạng đã diễn ra trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Hiệu ứng của tấn công mạng tại Ukraine

Theo hãng tin AFP, phương Tây ban đầu đã lo sợ về một đợt “sóng thần” tấn công mạng vào hệ thống cơ sở hạ tầng và bộ chỉ huy quân sự Ukraine, tạo lợi thế Nga trong cuộc xung đột.

Viện Hòa bình Mạng, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Thụy Sỹ, ước tính kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2 cho đến giữa tháng 9, gần 450 cuộc tấn công mạng đã được 57 thực thể của cả hai bên tiến hành, tương đương khoảng 12 cuộc/tuần. Với sự giúp đỡ của châu Âu và Mỹ, Kiev phần lớn đã chống chọi được với các đòn đánh từ phía Nga.

Theo ông Alexis Rapin, nhà nghiên cứu tại Đại học Quebec, các cuộc tấn công mạng quy mô lớn thực sự đã diễn ra, song nhìn chung không gây ra hiệu ứng sốc như một số dự đoán.

Trong bài viết trên trang nghiên cứu chiến lược Le Rubicon, ông Rapin lưu ý các cuộc tấn công mạng quy mô nhất thường mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để lên kế hoạch và thực hiện. Điều này khiến việc đồng bộ hóa với một chiến dịch quân sự thông thường gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ các đồng minh, để bảo vệ hệ thống của nước này và tiến hành cuộc phản công nhằm làm suy yếu chiến lược của Moscow.

Ngoài ra, ông Arnault Barichella, một nhà nghiên cứu tại Viện Jacques Delors ở Paris, cho hay một liên minh quốc tế gồm những tình nguyện viên, tổ chức tin tặc phi chính phủ, trong đó nổi bật nhất là phong trào Anonymous đã liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm Nga trong vài tháng qua.

Mặc dù vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của các cuộc tấn công "tự phát" trên, song ông Barichella nhận định Nga đã đánh giá thấp năng lực khôi phục không gian mạng của Ukraine, giống như việc đánh giá thấp lực lượng vũ trang của nước này.

Chiến tranh lai

Theo hãng tin AFP, cuộc chiến ở sườn phía đông châu Âu là bằng chứng thực tế cho thấy tấn công mạng sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong các cuộc xung đột vũ trang trong thế kỷ 21.

Trước khi xung đột bùng phát, vào giữa tháng 1, tin tặc đã sử dụng mã độc WhisperGate để tấn công khoảng 70 trang thông tin của chính phủ Ukraine, sau đó chiến dịch tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) đã làm gián đoạn hoạt động các ngân hàng, đài phát thanh và nhiều trang web.

Moscow bị phương Tây tình nghi đứng sau vụ tấn công sử dụng virus Hermetic Wiper để đánh sập khoảng 300 hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) tại Ukraine.

Ông Eviatar Matania thuộc Cục Không gian mạng Quốc gia Israel, nói: "Hầu hết mọi người đều không biết rằng trên thực tế mọi cuộc tấn công của Nga đều đi kèm với một cuộc tấn công mạng diễn ra trước đó, song cuộc tấn công mạng thường không giết người".

Trong hầu hết các trường hợp, sau khi bị tấn công, hệ thống CNTT thường có thể được khôi phục trong vài giờ hoặc vài ngày, qua đó, hạn chế năng lực đối phó của đối thủ trong khi diễn ra xung đột.

Theo ông Matania, nhiều khả năng, các quốc gia sẽ sử dụng chiến dịch trong không gian mạng để gây mất ổn định và là làm sao lãng đối thủ hơn là tìm kiếm một đòn hạ gục trên chiến trường.

Đồng quan điểm, ông Rapin cũng cho rằng chiến tranh mạng phù hợp nhất với chiến tranh thông tin, phá hoại, gián điệp và nhằm lung lay ý chí của đối thủ, trước khi tiến hành chiến tranh vũ trang.

Chiến thuật này sẽ đóng vai trò cần thiết khi xây dựng nền tảng cho các chiến dịch quân sự thông thường, khi chỉ một vài giờ gián đoạn của mạng lưới điện và thông tin liên lạc cũng có thể mang lại lợi thế quyết định cho lực lượng trên bộ và trên không.

Trả lời AFP, ông Colin Clarke, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Soufan, nói: “Các cuộc tấn công mạng không phải là “bụi ma thuật” được rắc lên sau khi kết thúc một cuộc tấn công. Chúng được kết hợp chặt chẽ với năng lực quân sự và hoạt động hợp tác an ninh của Mỹ”.

Tuy nhiên, tác động của các cuộc tấn công mạng thường không được tiết lộ cho đến vài tháng hoặc vài năm sau khi triển khai.

Phải mất gần hai năm công chúng mới biết đến virus máy tính Stuxnet, vốn được coi là nguyên nhân phá hủy khoảng 1.000 máy ly tâm hạt nhân được Iran sử dụng để làm giàu uranium nhằm chế tạo bom nguyên tử. Nhiều người đã nghi ngờ cuộc tấn công này là kết quả của một chiến dịch của Mỹ và Israel.

Trong thời điểm hiện nay, các chuyên gia cảnh báo nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận thấy nước Nga không giành được lợi thế trên chiến trường, đòn trả đũa trong lĩnh vực mạng có thể mạnh mẽ hơn.

Ông Barichella nói: “Bạn không nên đánh giá thấp sự nguy hiểm của một cuộc leo thang tấn công mạng, đặc biệt là nếu Nga vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự và Điện Kremlin cảm thấy họ rơi vào thế bị dồn vào chân tường”.

Trà My