Lãnh thổ Nga rộng lớn, vì sao vẫn tiếp tục sáp nhập đất đai từ Ukraine?
Theo CNN, Moscow đã ký hiệp ước đưa hàng trăm nghìn km2 lãnh thổ của Ukraine vào Liên bang Nga, đánh dấu sự kiện sáp nhập lãnh thổ lớn nhất tại châu Âu kể từ năm 1945.
Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporozhye (Zaporizhzhia) là những vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine, giàu tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, có ngành công nghiệp nặng phát triển, đất đai màu mỡ cũng như nguồn nước quan trọng cho Bán đảo Crimea - khu vực mà Nga đã sáp nhập từ năm 2014.
Donetsk và Luhansk, đều thuộc vùng Donbass, đã được hai nước cộng hòa ly khai tự xưng kiểm soát kể từ năm 2014, trong khi Kherson và Zaporozhye rơi vào tay Nga trong chiến dịch quân sự năm 2022.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lời nguyền địa lý: Vì sao Nga luôn phải dè chừng NATO và không thể hùng mạnh như Mỹ? 08/03/2022 - 20:51
Nga có lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới. Diện tích của Nga là hơn 17 triệu km2, tức gấp khoảng 170 lần lãnh thổ sắp sáp nhập từ Ukraine. Nga cũng chẳng thiếu tài nguyên khoáng sản. Vậy tại sao nước Nga vẫn tiếp tục lấy đất đai từ Ukraine?
Lãnh thổ giàu có
Theo RT, tổng diện tích của Donbass, Kherson và Zaporozhye là gần 109.000 km2 hay hơn 15% lãnh thổ của Ukraine. Hơn 8 triệu người đã từng sống tại những khu vực trên trên, cùng với hơn 5,6 triệu héc ta (ha) đất nông nghiệp.
Donbass nổi tiếng với ngành khai thác than và đã từng là trung tâm công nghiệp của Ukraine. Vào năm 2014, tỉnh Donetsk từng chiếm 20% sản lượng công nghiệp của cả nước.
Vùng lãnh thổ giàu tài nguyên trên đang sở hữu mỏ than lớn thứ 4 châu Âu, với trữ lượng ước tính khoảng 10 tỷ tấn. Vào tháng 2 năm nay, 115 mỏ than đang hoạt động tại khu vực này, cho sản lượng 70 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm. 8 nhà máy điện cũng đang được đặt tại Donetsk.
Luhansk là một trung tâm vận tải và nổi tiếng về ngành công nghiệp luyện kim, sản xuất máy, nông nghiệp. Khu vực trên cũng có các nhà máy dược và vài mỏ than.
Một số các tuyến đường quan trọng cũng đi qua tỉnh Luhansk. Các nhà chức trách tuyên bố khu vực này có tiềm năng nông nghiệp, nhất là trồng ngũ cốc.
Zaporozhye là trung tâm năng lượng của Ukraine, với ba cơ sở sản xuất lớn: nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, nhà máy thủy điện Dnepr và trang trại điện gió Botievo.
Trong năm 2019-2020, Zaporozhye đã sản xuất 40 tỷ kWh điện năng mỗi năm, tương đương với 25-27% tổng ngành năng lượng của Ukraine. Vùng lãnh thổ này cũng có các nhà máy công nghiệp và cơ khí lớn, bao gồm Nhà máy Sản xuất Ô tô Zaporozhye (ZAZ) với sản lượng 150.000 xe/năm.
Sông Dnieper, hồ chứa Kakhovka và Biển Azov đang đóng góp lớn vào nền kinh tế của Zaporozhye, đồng thời cũng có tiềm năng cho hoạt động nuôi trồng thủy hải sản.
Vùng Kherson có chuyên môn về đóng tàu, và nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng và ngành nông nghiệp. Tỉnh này có nhiều đất nông nghiệp nhất tại Ukraine, tương đương 20.000 km2.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu bao gồm ngũ cốc, hướng dương và rau củ. Đất đai màu mỡ cho phép tới hai hoặc đôi khi là ba mùa vụ mỗi năm. Các ngành nghề truyền thống khác của Kherson là phối giống gia súc và sản xuất rượu.
Ngoài ra, Nga đang có kế hoạch phát triển một khu nghỉ mát và cụm du lịch tại Kherson, nơi có thể tiếp cận cả Biển Azov lẫn Biển Đen.
Do thiếu đầu tư từ Kiev trong 30 năm qua, cơ sở hạ tầng tại 4 vùng lãnh thổ đều đang xuống cấp nghiêm trọng. Mối quan tâm chính của Moscow sẽ là hợp nhất và giúp các khu vực này cùng phát triển kinh tế và phục hồi sau những sự tàn phá do xung đột gây nên.
Ban đầu, Moscow sẽ tài trợ ngân sách cho 4 khu vực. Các chuyên gia nhận định trong tương lai khi hội nhập ngày càng sâu rộng và nền kinh tế được khởi động lại, lượng ngân sách liên bang được chuyển giao sẽ giảm dần.
Việc sở hữu cảng Mariupol trên Biển Azov giúp Nga gia tăng khả năng cung cấp than và các hàng hóa khác cho châu Phi và các nước Nam Á. Các vùng lãnh thổ cũng có thể đóng góp vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng nguồn xuất khẩu tới các nước “thân thiện”.
Các chuyên gia ước tính đóng góp tiềm năng cho nền kinh tế Nga của 4 khu vực trên có thể lên tới hàng nghìn tỷ rub (tức hàng trăm tỷ USD) hoặc nhiều hơn.
Danh chính ngôn thuận
Đa số cộng đồng quốc tế không công nhận kế hoạch mở rộng lãnh thổ của Nga. Nhưng việc sáp nhập sẽ thay đổi “tình hình trên thực địa” và loại trừ mọi triển vọng đàm phán hòa bình.
Có một sự khác biệt trong việc rút quân khỏi những lãnh thổ đang chiếm giữ (như cách Nga rút quân khỏi phía bắc Ukraine) với việc rút lui khỏi những lãnh thổ đã được sáp nhập.
Theo cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, một khi những nước cộng hòa và vùng lãnh thổ trên được sáp nhập vào Liên bang Nga, “không có bất cứ lãnh đạo nào trong tương lai của Nga có thể thay đổi những quyết định này”.
Và một khi lá cờ Nga bay trên những vùng đất trên, chúng sẽ có được sự bảo vệ tương tự như bất cứ phần lãnh thổ nào của Liên bang Nga, như tuyên bố của Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Cái cớ để sử dụng vũ khí hạt nhân
Theo chuyên gia Alexander Baunov của Quỹ Carnegie, thông điệp của Điện Kremlin tới các đồng minh của Ukraine là: “Các người chọn đối đầu với chúng tôi tại Ukraine, giờ đây những lãnh thổ này đã trở thành của Nga”.
Phần thứ hai của thông điệp, được phát đi khi Tổng thống Putin tuyên bố động viên một phần là: bất cứ cuộc tấn công nào vào những vùng lãnh thổ được coi là của Nga sẽ đều phải nếm đủ hình thức trả đũa.
Vào năm 2020, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân “trong trường hợp tấn công vào Liên bang Nga với vũ khí thông thường, khi sự tồn tại của đất nước bị đe dọa”.
Các mối đe dọa không được định nghĩa cụ thể, nhưng tuần trước, Tổng thống Putin đã đưa ra cảnh báo rõ ràng nhất: “Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương chúng ta, độc lập và tự do sẽ được bảo vệ, bằng mọi công cụ sẵn có”.
“Tất cả những kẻ cố gắng đe dọa Nga với vũ khí hạt nhân nên hiểu rằng gió có thể thổi ngược về phía bọn chúng”, ông tuyên bố.
Với đa số các nhà quan sát, những lời cảnh báo trên là một ván bài tuyệt vọng. Các quan chức Mỹ tin rằng Tổng thống Putin sẽ không sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật.
- TIN LIÊN QUAN
-
Phương Tây đứng ngồi không yên vì tuyên bố hạt nhân từ Nga: Ông Putin định làm thật hay chỉ dọa? 29/09/2022 - 18:11
Tổng thống Putin có có thể đang hy vọng rằng lễ sáp nhập những vùng lãnh thổ mới sẽ củng cố quan điểm công chúng, sau nhiều sự phàn nàn và các cuộc biểu tình về việc triển khai động viên một phần.
Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Tổng thống Putin đã nhận được sự ủng hộ lớn từ công chúng. Tuy nhiên, hiện tại, Nga đang chịu hàng chục nghìn lệnh trừng phạt và thương vong lên tới 70.000 người, theo con số của Mỹ và NATO (Nga xác nhận con số thương vong là khoảng 6.000 binh sĩ).
Ông Anatol Lieven, Giám đốc của Chương trình Eurasia tại Viện Quincy cho rằng mục tiêu thực sự của Tổng thống Putin là “thuyết phục Mỹ và châu Âu nghiêm túc về việc đàm phán hòa bình. Nếu không, Nga sẽ thực hiện các bước leo thang, không chỉ buộc phương Tây phải phản ứng mà còn loại trừ mọi khả năng hòa bình trong tương lai xa”.
Phá lằn ranh đỏ
Hiện vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine hay phương Tây chú ý tới các cảnh báo của Nga. Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine, trong khi các lược lượng Kiev tiếp tục tấn công theo hướng Donetsk và đã chiếm lại thành phố Lyman mà quân Nga từng dùng làm trung tâm hậu cần.
Việc Moscow để mất một số khu vực ở trung tâm Donbass, nơi vừa chính thức được coi là lãnh thổ của Nga, có thể sẽ là phép thử với những lằn ranh đỏ đã được Moscow vạch ra.
Ông Ulrich Speck, một nhà phân tích của Carnegie và RFE nói: "Nếu không có biên giới được phân định rõ ràng, lời đe dọa bảo vệ" biên giới Nga" ở Ukraine bằng vũ khí hạt nhân, sẽ nhanh chóng mất uy tín và trở nên không phù hợp với cuộc chiến".
Ông Jon Wolfsthal, một cựu quan chức kiểm soát vũ khí trong chính quyền Tổng thống Barrack Obama nói thêm: “Tổng thống Putin đã cho chúng tôi hai sự lựa chọn: chấp nhận việc vẽ lại biên giới thông qua vũ lực và tránh các mối đe dọa hạt nhân hoặc từ chối các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo, giúp Ukraine tự vệ và chấp nhận rủi ro hạt nhân”.