|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lệnh động viên một phần của ông Putin cho thấy Nga đang thất bại trong cuộc chiến với Ukraine?

15:10 | 22/09/2022
Chia sẻ
Ông Putin đang phải đối mặt với áp lực lớn từ cả trong và ngoài nước để nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine, ngay tại thời điểm ảnh hưởng của Nga với các nước xung quanh bị suy yếu.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Financial Times). 

Phá vỡ lời hứa

Phản ứng của các chính phủ phương Tây trước chính sách động viên quân sự một phần của Tổng thống Nga Vladimir Putin là sự pha trộn giữa lo lắng và coi thường.

Hôm 21/9, ông Putin đã hạ lệnh triệu tập thêm 300.000 quân nhân dự bị. Tuy chưa phải lệnh tổng động viên, nhưng dẫu sao chính sách này cũng đánh dấu sự leo thang lớn trong cuộc chiến với Ukraine và sự thiếu nhất quán của Moscow. Vài tuần trước đó, người phát ngôn của Điện Kremlin vẫn còn khẳng định Nga không có bất kỳ kế hoạch động viên nào. 

Ông Putin ra nước đi mới chỉ vài ngày trước khi các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga đang kiểm soát dự định tổ chức trưng cầu dân ý, bao gồm Donetsk và Luhansk ở phía đông, Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam. Ông còn cáo buộc NATO có ý đồ tấn công hạt nhân vào Nga và cảnh báo rằng Moscow cũng có “rất nhiều loại vũ khí hủy diệt”.

Ông Ben Wallace, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh bình luận: “Việc Tổng thống Putin phá bỏ lời hứa không huy động các bộ phận dân cư Nga và nỗ lực sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ của Ukraine là sự thừa nhận rằng cuộc chiến của ông ta đang thất bại.

Dù Nga có tuyên truyền và đe dọa thế nào đi nữa thì cũng không thể che giấu được thực tế rằng Ukraine đang chiến thắng, cộng đồng quốc tế đoàn kết với nhau và Nga đang trở thành kẻ bị thế giới cô lập”.

Bà Bridget Brink, Đại sứ Mỹ tại Ukraine, cũng mô tả động thái của Moscow là “dấu hiệu cho thấy sự yếu kém và thất bại của Nga”. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nhận xét bài phát biểu của ông Putin là “nước đi tồi và sai lầm từ phía Nga”.

Thời điểm quan trọng

Theo tờ Fortune, đây chính là thời điểm then chốt với ông Putin. Thành công mà Ukraine đạt được trong cuộc phản công đã dấy lên sự bất mãn tại Nga, đặc biệt là từ phe “diều hâu” kêu gọi Nga tất tay để có cơ may giành chiến thắng.

Theo ước tính của phương Tây, số quân lính Nga bị thương hoặc thiệt mạng tại Ukraine lên tới 80.000 người. Moscow đã buộc phải xóa bỏ giới hạn tối đa đối với độ tuổi phục vụ theo hợp đồng trong quân đội Nga. Ngoài ra, có tin rằng Quân đoàn 3 mới tập hợp của Nga có khởi đầu không thuận lợi tại Kharkov (Kharkiv), khu vực mà nay Ukraine đã giải phóng hoàn toàn.

Mặt khác, chính sách động viên có nguy cơ phá vỡ sự thờ ơ của phần lớn công chúng Nga với cuộc chiến. Khi con trai bị điều đi Ukraine thì hẳn nhiên các gia đình không còn có thể nghĩ về cuộc xung đột đổ máu này như sự kiện đang diễn ra ở một nơi xa xôi được nữa.

Khả năng Nga sáp nhập các vùng miền đông và nam của Ukraine – dù sẽ không được công nhận bởi hầu hết các nước trên thế giới – vẫn có thể sẽ dẫn đến chính sách tổng động viên.

Nguy cơ ở đây là nếu và khi Kiev cố gắng giành lại đất, hành động của họ sẽ bị quy là tấn công lãnh thổ Nga. Moscow sẽ có cớ để leo thang động thái quân sự và thuyết phục công chúng rằng đó chỉ là hành vi tự vệ.

Ngoài các nỗi lo trong nước, ông Putin còn đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ những nước có thể coi là đồng minh của Nga trong cuộc chiến – tuy không ủng hộ nhưng cũng không phê phán cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Tuần trước, tại cuộc gặp mặt ở Uzbekistan, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công khai nhắc nhở người đồng cấp Nga trên sóng truyền hình trực tiếp: “Tôi hiểu rằng ngày nay không phải là thời đại của chiến tranh, và tôi đã nói với ông về vấn đề này”.

Ông Putin đã phải khẳng định rằng ông đang làm mọi thứ có thể để chấm dứt xung đột. Ông Putin cũng thừa nhận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ những “thắc mắc và lo ngại  về cuộc chiến tại Ukraine.

Ảnh hưởng suy yếu

Cùng lúc đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy sức ảnh hưởng của Nga đối với các nước láng giềng yếu hơn cũng đang biến mất. Trong tuần này, Kazakhstan đã bắt đầu khép lỗ hổng mà các hãng vận tải Nga và Belarus lợi dụng để đưa hàng hóa vào Liên minh Châu Âu (EU), trái với các lệnh trừng phạt.

Vài ngày trước, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã đưa ra lời cảnh báo ngầm tới ông Putin, khi đảm bảo Tổng thống Kazakhstan rằng “Trung Quốc sẽ kiên quyết hỗ trợ Kazakhstan trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ… và dứt khoát chống lại sự can thiệp của bất kỳ lực lượng nào vào các vấn đề nội bộ của đất nước ông”.

Và tại phía nam Caucasus, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân xung đột hàng thập kỷ giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát trở lại trong những ngày gần đây là do sự suy yếu của Moscow.

Azerbaijan, nước có quan hệ chặt chẽ với thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, đã tấn công Armenia vài tuần trước. Armenia kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà Nga có ảnh hưởng chi phối lớn đứng ra giúp đỡ. Nhưng ông Putin chỉ kêu gọi hai bên “kiềm chế”. Tại Armenia lúc này, ngày càng có nhiều cuộc tranh luận về việc làm đồng minh của Nga có đáng hay không, tờ Fortune cho hay.

Giang