|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga bận bịu với xung đột Ukraine, nguy cơ để mất tầm ảnh hưởng ở 'sân sau'

11:07 | 19/09/2022
Chia sẻ
Xung đột Ukraine dường như khiến sức ảnh hưởng của Moscow tại các nước thuộc Liên Xô cũ bị ảnh hưởng. Mỹ và Trung Quốc đã nhanh chóng tìm cách thế chân Nga nay trong chính "sân sau" của nước này.

Theo The Guardian, cuộc rút lui của quân đội Nga tại khu vực Kharkov dường như đang gây ra những sự thất bại lớn hơn cho Moscow, không chỉ trên chiến trường Ukraine mà còn trong quan hệ quốc tế.

Ông Laurence Broers, nhà nghiên cứu tại Chatham House cho biết: “Sức mạnh Nga đã suy giảm đáng kể và hệ thống an ninh tại các nước Liên Xô cũ dường như đã bị phá vỡ”.

Tuần trước, giao tranh biên giới giữa Azerbaijan và Armenia đã khiến 200 người thiệt mạng. Trong khi đó, tính đến ngày 18/9, đã có 100 người thiệt mạng trong xung đột giữa Kygyzstan và Tajikistan.

Vùng Caucasus

Theo The Guardian, các nhà phân tích cho rằng Azerbaijan đã thử đẩy mạnh xung đột khi Nga đang gặp khó khăn ở Ukraine. Moscow có truyền thống ủng hộ Armenia trong các tranh chấp lãnh thổ với Azerbaijan trong suốt ba thập kỷ kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Ông Tom de Waal, thành viên cấp cao của Carnegie Europe cho biết: “Azerbaijan cảm thấy khá tự tin vào thời điểm địa chính trị này, và đặc biệt trong cuộc phản công của Ukraine. Động thái này dường như hoàn toàn nhằm vào Nga cũng như Armenia, thử thách cam kết của Moscow trong việc bảo vệ Armenia".

Nga hiện điều hành một căn cứ quân sự ở Armenia và đã cử hàng nghìn lính gìn giữ hòa bình tới khu vực này vào năm 2020. Moscow có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và là đồng minh của Armenia thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). 

Nga có sức mạnh quân sự, kinh tế lớn nhất trong liên minh CTSO.   

Nga tuyên bố đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn vào hôm 13/9. Cả hai nước chấp nhận sự triển khai của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Armenia đã kêu gọi hỗ trợ quân sự từ CSTO, nhưng Moscow đã từ chối can thiệp trực tiếp.

CTSO có mô hình hoạt động tương tự NATO. Điều 4 trong Hiến chương của CTSO quy định hành vi gây hấn chống lại một thành viên sẽ được xem như chống lại tất cả thành viên của tổ chức. 

“Nga rõ ràng đang tỏ ra hoang mang, vì phải dồn lực quá mức cho Ukraine cũng như không muốn gây chiến với Azerbaijan vào thời điểm nhạy cảm này”, ông de Waal nói. 

Hiệp ước CTSO chỉ có 6 thành viên, so với 30 thành viên của NATO. (Ảnh: Stratfor).

Theo RT, Mỹ nhanh chóng nâng tầm ảnh hưởng ngay tại “sân sau” của Nga khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới thăm Armenia vào hôm 18/9. Bà Pelosi đã đứng về phía Armenia trong cuộc xung đột hiện nay.

Bà Pelosi cho biết chuyến công du có tầm quan trọng hàng đầu vì "các cuộc tấn công bất hợp pháp và chết người của Azerbaijan trên lãnh thổ Armenia".

“Chúng tôi cực lực lên án những vụ tấn công đó. Azerbaijan đã khơi mào xung đột”, bà nhấn mạnh.

“An ninh lãnh thổ và chủ quyền và nền dân chủ của Armenia có giá trị đối với Mỹ. Trong mối quan hệ với các quốc gia khác, Mỹ nên sử dụng ảnh hưởng của mình nhằm cho thấy nền dân chủ và chủ quyền của Armenia là một ưu tiên”, bà Pelosi nhấn mạnh.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại thủ đô Yerevan. (Ảnh: AFP).

Nghị quyết lên án hành động gây hấn của Azerbaijan với Armenia sẽ sớm được đưa ra Quốc hội, quan chức cấp cao thứ ba của Mỹ cho biết.

Cùng ngày với chuyến thăm của bà Pelosi, hàng chục người đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Yerevan (thủ đô Armenia) yêu cầu Armenia rời khỏi CSTO. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu trong khi mang theo quốc kỳ Armenia và Mỹ.

Vùng Trung Á

Tính đến ngày 18/9, theo Reuters, các cuộc đụng độ biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan đã khiến khoảng 100 người thiệt mạng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với nhà lãnh đạo của hai nước vào hôm 18/9 nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng. Ông Putin kêu gọi các bên ngừng leo thang hơn nữa và giải quyết tình hình "chỉ bằng các biện pháp hòa bình, chính trị và ngoại giao càng sớm càng tốt".

Lực lượng phản ứng nhanh của CTSO tại Kyrgyzstan. (Ảnh: Sputnik).

Mặc dù vụ việc có thể không liên quan trực tiếp đến xung đột Ukraine và Nga có quan hệ tốt với cả hai nước, nhưng các nhà phân tích cho rằng cán quân quyền lực trong khu vực đã thay đổi.

Tại “sân sau” của Nga, sức ảnh hưởng của Trung Quốc và phương Tây đang lấn áp Moscow. Vào tháng 1/2022, khi làn sóng phản đối làm rung chuyển Kazakhstan, Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã phê duyệt việc triển khai lực lượng CSTO tới nước này.

Nhiệm vụ diễn ra nhanh chóng và không có cuộc chiến nào, nhưng cũng đủ để bảo đảm chức vụ Tổng thống của ông Kassym-Jomart Tokayev.

Trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kazakhstan mang ơn Moscow, các lực lượng Nga giữ hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, và Điện Kremlin tập trung quân đội ở biên giới với Ukraine, Tổng thống Putin dường như có ảnh hưởng hơn bao giờ hết trong các nước Liên Xô cũ.

Tuy nhiên theo The Guardian, kế hoạch của Moscow đã trật bánh do những tiến bộ nhanh chóng của Ukraine ở khu vực Kharkov.

Ông Broers cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến ​​sự sụp đổ về danh tiếng của Nga với tư cách là người bảo trợ an ninh, xảy ra cả ở cấp độ vật chất với sự tập trung lực lượng lớn vào Ukraine, nhưng cũng ở cấp độ ý thức về uy tín của Nga”.

Cuộc xung đột Ukraine đã khiến các đồng minh của Nga bị sốc và lo lắng, nhưng cũng khuyến khích các quốc gia này có lập trường cứng rắn hơn với Moscow. Nursultan (thủ đô của Kazakhstan) cũng tuyên bố sẽ không hỗ trợ Nga lách các lệnh trừng phạt quốc tế.

Những động thái trên khiến các quan chức Moscow đặt câu hỏi về chủ quyền của Kazakhstan. Trong một bài đăng đã bị xóa, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã gọi Kazakhstan là “quốc gia nhân tạo”.

Khi Nursultan cảnh giác với đồng minh lâu năm của mình, thì các nước khác nhanh chóng lấp đầy khoảng trống quyền lực.

Hôm 14/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Kazakhstan trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID bắt đầu. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên quyết hỗ trợ Kazakhstan trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”, ông nói.

Ông Temur Umarov, thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết: “Nhiều quốc gia Trung Á thấy rằng Nga cần họ hơn bao giờ hết và đang cố gắng tận dụng vị thế này hết sức có thể”.

Minh Quang