Mỹ nhận định Ukraine đối mặt với 'cuộc chiến khó khăn' dù Nga đang rút lui
Triển vọng chưa thay đổi
Theo Financial Times, Washington đánh giá Ukraine vẫn phải đối mặt với "một cuộc chiến khó khăn" sau khi Nga từ bỏ hầu hết lãnh thổ đã kiểm soát ở Kharkov.
Hôm 12/9, một quan chức quân sự cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết rằng các lực lượng Nga "đã bỏ lại phần lớn lãnh thổ giành được" xung quanh thành phố lớn thứ hai của Ukraine và "rút về phía bắc và phía đông, nhiều lực lượng trong số này đã di chuyển qua biên giới vào Nga".
Phía Kiev tuyên bố có tới 6.000 km2 lãnh thổ đã được “giải phóng”.
Quan chức Mỹ cũng cho biết việc quân đội của Moscow bỏ lại vũ khí, trang thiết bị khi rút lui “có thể là dấu hiệu cho thấy sự chỉ huy và kiểm soát yếu kém của Nga”.
Tuy nhiên, quan chức này cũng cảnh báo rằng những bước tiến nhanh chóng của cuộc phản công Ukraine về cơ bản không làm thay đổi triển vọng ngắn hạn trên chiến trường, một thông điệp thận trọng cũng được các nhân vật cấp cao khác trong chính quyền Mỹ đưa ra.
Quan chức này nói: “Ukraine vẫn tiếp tục đối mặt với một cuộc chiến khó khăn. Trọng tâm của Mỹ là tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Kiev và cộng đồng quốc tế để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết nhằm đẩy lùi quân đội Nga”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, mặc dù các lực lượng Ukraine đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong cuộc phản công, đặc biệt là ở phía đông bắc, nhưng vẫn còn “quá sớm để nói chính xác [thành tựu này] sẽ mang lại kết quả gì”.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Mexico City, ông cho biết Nga tiếp tục đổ nguồn lực vào cuộc chiến. Ông Blinken nói: “Người Nga duy trì các lực lượng đáng kể ở Ukraine, cũng như trang thiết bị và vũ khí, đạn dược”.
"[Nga] tiếp tục sử dụng [vũ khí] một cách bừa bãi, không chỉ để chống lại lực lượng vũ trang Ukraine mà còn cả dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự", ông nói.
Viện trợ trong "trung và dài hạn"
Một số quan chức phương Tây cảm thấy khích lệ bởi tiến bộ của Ukraine, cho rằng những thắng lợi gần đây đã củng cố lập trường của NATO và các đối tác trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho nước này.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Washington và các đồng minh đang thảo luận về các nhu cầu dài hạn của Ukraine, chẳng hạn như khả năng phòng không và liệu có nên cung cấp cho Kiev máy bay chiến đấu trong "trung và dài hạn" hay không. Cho đến nay, Mỹ và các đồng minh đã từ chối những yêu cầu về máy bay tiêm kích của Kiev.
Trong những ngày gần đây, các quan chức quân sự Ukraine tuyên bố đã chiếm lại hơn 3.000 km2 lãnh thổ. Nhưng vào cuối ngày 12/9, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhân đôi con số này lên.
Ông Zelensky nói: “Từ đầu tháng 9 đến nay, các binh sĩ của chúng tôi đã giải phóng hơn 6.000 km2 lãnh thổ ở phía đông và phía nam. Cuộc tiến công của quân đội của Ukraine vẫn tiếp tục".
Các quan chức và nhà phân tích dự báo rằng Ukraine sẽ tiếp tục tiến lên, nhưng đồng thời cảnh báo rằng Nga có thể lấy lại một số lãnh thổ. Những quan chức này cũng không kỳ vọng rằng cuộc phản công của Kiev sẽ tiếp tục mà không bị gián đoạn.
Bà Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho rằng người Ukraine “đang chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ”.
Bà nói thêm Nhà Trắng rất biết ơn Quốc hội Mỹ “vì sự ủng hộ của Lưỡng Đảng đã giúp Washington có thể cung cấp cho Ukraine hỗ trợ tài chính, nhân đạo và quân sự chưa từng có”.
Bà Jean-Pierre cho biết Mỹ và các đồng minh “đã làm việc để đáp ứng yêu cầu của Ukraine về những gì cần thiết để thành công trên chiến trường, và sẽ tiếp tục làm như vậy”. Mỹ đã phân bổ phần lớn gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 5 và dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 9.
Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội hỗ trợ thêm khoảng 13 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả viện trợ vũ khí sát thương. Washington dự kiến sẽ công bố một gói vũ khí mới trong những ngày tới.
Sau khi quân Nga rút lui khỏi Kharkov, Điện Kremlin tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine “cho đến khi đạt được tất cả mục tiêu đã đặt ra ban đầu”. Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận quân đội của họ đã rời khỏi khu vực Kharkov, nhưng các nhà chức trách tránh gọi đây là một cuộc rút lui.
Hôm 12/9, quân đội Ukraine đã cố gắng củng cố phần lãnh thổ kiểm soát từ khi phát động cuộc phản công ở phía đông Kharkov.
Tại Izyum, một trung tâm hậu cần quan trọng, nơi từng có hàng nghìn lính Nga đóng quân, các binh sĩ Ukraine đã treo quốc kỳ trên tòa nhà chính quyền quận trung tâm ở quảng trường chính.