|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nếu châu Âu suy thoái, Mỹ sẽ có lợi trước mắt nhưng trả giá đắt về lâu dài

15:28 | 13/09/2022
Chia sẻ
Một cuộc suy thoái của châu Âu có thể giúp Mỹ ghìm cương lạm phát, tránh được suy thoái và cứu hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, những chính sách của Washington có thể ngày càng làm rạn nứt quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

The Washington Post từng dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho rằng ảnh hưởng từ suy thoái tại Liên minh châu Âu “khiêm tốn” và có thể “mang lại điều tốt lành” cho Mỹ.

Đối ngược với quan điểm trên, Tiến sĩ Mamdouh G Salameh, một nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng toàn cầu, cho rằng “Liên minh châu Âu đang rơi vào một cuộc suy thoái trầm trọng do giá năng lượng tăng, sức mua giảm cũng như chi phí tài chính khổng lồ của việc viện trợ vũ khí cho Ukraine”.

Tháng trước, Goldman Sachs dự báo châu lục già sẽ có 60% khả năng rơi vào suy thoái trong 12 tháng tiếp theo, trong khi tỷ lệ của Mỹ là 30%. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng tin rằng sự ảnh hưởng từ cuộc suy thoái của EU tới nền kinh tế Mỹ sẽ “khiêm tốn và trong tầm kiểm soát”. 

Ông Dean Baker, nhà đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng Mỹ thậm chí còn có thể hưởng lợi từ việc EU suy thoái: “Nếu châu Âu rơi vào suy thoái, tất nhiên nhu cầu đối với một loạt các sản phẩm sẽ giảm đi”.

Độc chiếm thị trường EU

Sputnik dẫn lời Tiến sỹ Gal Luft, Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu và cố vấn cao cấp của Hội đồng An ninh năng lượng Mỹ, cho rằng Washington đang lợi dụng cuộc khủng hoảng năng lượng và sẵn sàng hy sinh an ninh của EU.

Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, Mỹ đã thuyết phục châu Âu tham gia vào các lệnh cấm vận năng lượng. Tuy nhiên, động thái này đã đẩy giá dầu và khí đốt lên cao, khiến EU chịu đòn từ chính các lệnh trừng phạt của mình.

Năng lực xuất khẩu LNG của Mỹ vào năm 2021 chỉ đủ để đáp ứng 1/2 lượng khí đốt mà Nga bán cho châu Âu hàng năm.

Ông Luft giải thích: “Những chuyến tàu chở khí hóa lỏng (LNG) vượt qua Đại Tây Dương là minh chứng cho quyết tâm của Mỹ nhằm thay thế khí đốt của Nga bằng khí đốt từ Bắc Mỹ”.

“Vấn đề là khí đốt của Mỹ sẽ không đủ để thay thế cho nguồn cung từ Nga. Quá trình chuyển từ nhiên liệu dạng khí sang dạng lỏng LNG sẽ tốn nhiều tỷ EUR, giữa lúc châu Âu đang chịu nỗi đau kinh tế khủng khiếp”, ông cho biết. “Mỹ đang muốn thế chỗ Nga để độc chiếm thị trường EU”.

Hiểm họa cho chính nước Mỹ

Theo ông Salameh, những chính sách năng lượng chống Nga của Mỹ là con giao hai lưỡi: “Nếu Nga ngừng dòng chảy khí đốt tới EU, Mỹ sẽ gặt hái lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong tương lai, Washington sẽ phải trả một cái giá địa chính trị khổng lồ khi trở nên chia rẽ với châu Âu”.

Theo ông Salameh, mặc dù Mỹ tin rằng EU càng yếu thì sẽ càng khó cưỡng lại áp lực chính trị từ bên ngoài, nhưng châu Âu “cuối cùng sẽ nhận thấy bộ mặt thật của Mỹ là một đế chế tham lam và độc địa, sẵn sàng chà đạp lên các thỏa thuận và đồng minh vì lợi ích của bản thân”.

Đồng thời, việc Nga ngừng xuất khẩu dầu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của Mỹ khi đẩy giá dầu lên mức cao ngất ngưởng, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Bà Yellen đã kêu gọi đồng minh cùng nhau áp giá trần với dầu Nga trong nhiều tháng. Bộ trưởng Yellen cho rằng giải pháp này vừa hạn chế thu nhập của Moscow, “vừa bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi cú sốc năng lượng”.

 

“Mỹ đang nhập khẩu hơn 9 triệu thùng dầu mỗi ngày”, ông Salameh giải thích, “Dầu lên giá sẽ khiến hóa đơn nhập khẩu năng lượng của Mỹ tăng cao, làm trầm trọng thâm hụt ngân sách và tăng thêm khối nợ trị giá 26.500 tỷ USD”, Tiến sĩ Salameh cho hay.

Mặt khác, các doanh nghiệp năng lượng của phương Tây không sẵn sàng để thế chỗ Nga nếu nguồn cung bị ngừng. Trong suốt nhiều năm, các chính trị gia phương Tây đã tuyên bố “thời kỳ của năng lượng hóa thạch đã kết thúc”, ông Luft nói. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Bộ trưởng Yellen đều khẳng định lại hướng đi này vào tuần trước.

Ông Luft cho rằng với những tín hiệu như vậy, chẳng có lý do gì thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD để khi xung đột Ukraine kết thúc, nhiên liệu hóa thạch của họ sẽ không còn được chấp nhận.

Không phải lúc nào giá dầu cũng cao như hiện nay. Dầu đá phiến của Mỹ có chi phí khai thác tương đối đắt đỏ.

Hơn nữa, ông cho rằng ý tưởng Mỹ hưởng lợi từ một cuộc suy thoái tại châu Âu thật lố bịch: “Châu Âu là đối tác thương mại hàng đầu của Washington và một cuộc suy thoái tại bên kia đại dương sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới Mỹ”.

“Đồng USD mạnh hơn sẽ khiến xuất khẩu sang châu Âu kém cạnh tranh hơn, đi ngược lại với mục tiêu tái công nghiệp hóa của Mỹ”, ông Luft nói. “Đồng thời, một cuộc suy thoái tại châu Âu còn có thể tạo ra khủng hoảng nợ, buộc Mỹ phải can thiệp. Chẳng có gì tốt đẹp đến từ [một cuộc suy thoái cả]”.

Chính sách chống Nga

Tiến sỹ Gal Luft cho rằng Mỹ và châu Âu đang tự hủy hoại bản thân thông qua những chính sách chống Nga: “Điều khiến các lãnh đạo phương Tây vẫn có thể tiếp tục đi theo con đường này là do công chúng vẫn đang chịu đựng nỗi đau. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không thể tiếp diễn lâu được nữa”.

“Một khi phong trào biểu tình tại châu Âu có động lực và trở thành mối nguy đối với giới chính trị, cán cân sẽ thay đổi. Không có gì khiến người dân hồi tâm chuyển ý nhanh hơn một mùa đông lạnh cóng”, ông nói.

Khoảng 70.000 người biểu tình tại Cộng hòa Séc hôm 3/9 phản đối giá năng lượng tăng cao. (Ảnh: AP).

Theo Tiến sỹ Salameh, Washington gần như đang tiến hành một cuộc chiến tranh thực sự chống lại Nga để đạt được ba mục tiêu chính.

Thứ nhất Mỹ muốn làm suy yếu Nga. Thứ hai, Mỹ đang cố gắng phá hoại quan hệ đồng minh chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh. Thứ ba, Mỹ đang nỗ lực "làm chậm quá trình chuyển đổi trật tự thế giới từ một cường quốc đơn cực do Washington lãnh đạo sang một thế giới đa cực do Moscow và Bắc Kinh dẫn dắt".

Tuy nhiên, "các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt áp lên Nga cho đến nay đã thất bại thảm hại", ông cho biết. "Trên thực tế, tôi có thể nói rằng các lệnh trừng phạt đã gây tổn hại cho nền kinh tế của các nước phương Tây nhiều hơn là Nga".

"Mỹ và EU đã phải trả một cái giá kinh tế khủng khiếp trong khi người chiến thắng thực sự cho đến nay là Nga, siêu cường thực sự của thế giới về năng lượng", Tiến sỹ Salameh nhận xét.

Minh Quang