|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều nước sợ Nga cắt khí đốt, EU bỏ kế hoạch áp giá trần

07:41 | 12/09/2022
Chia sẻ
EU đã từ bỏ kế hoạch áp giá trần lên khí đốt của Nga vì nhiều thành viên ở Trung và Đông Âu lo ngại Tổng thống Vladimir Putin sẽ dừng hoàn toàn nguồn cung.

Các van trên hệ thống khí đốt tại Hungary, ngày 20/5/2022. (Ảnh: Reuters).

Hôm 9/9, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã họp tại thủ đô Brussels của Bỉ và quyết định từ bỏ kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga.

Nguyên nhân là sáng kiến này không có được sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia thành viên. Nhiều nước ở khu vực Trung và Đông Âu vẫn đang nhận được khí đốt từ Nga và sợ rằng nếu áp giá trần sẽ bị Moscow trả đũa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ cắt đứt dòng chảy khí đốt tới bất kỳ nước nào áp giá trần.

Bộ trưởng năng lượng các nước EU đã đồng ý thu lại một phần doanh thu từ một số doanh nghiệp sản xuất điện và dùng khoản tiền này để hỗ trợ người tiêu dùng.

Giá điện ở châu Âu thường được xác định theo giá khí đốt do các nhà máy nhiệt điện khí là những đơn vị hoạt động cuối cùng trong hệ thống cung cấp điện. Trong bối cảnh giá khí đốt lên cao, giá bán điện cũng tăng và các nhà máy thủy điện hoặc điện than, hạt nhân, gió, … được hưởng lợi lớn. EU sẽ đánh thuế các doanh nghiệp điện không sử dụng khí đốt để sản xuất điện.

Giá khí đốt hiện nay cao gấp 10 lần đầu năm 2021.

Một số thành viên EU ngày 9/9 đề nghị áp một mức giá trần chung lên tất cả khí đốt nhập khẩu, không riêng gì khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, Cao ủy về Năng lượng của EU là bà Kadri Simson cho rằng động thái này là quá rủi ro.

“Một mức giá trần chung, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, có thể sẽ gây ra thách thức đối với an ninh nguồn cung năng lượng vì LNG là một thị trường toàn cầu. Hiện nay, EU không nằm trong số ba nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới và cạnh tranh trên thị trường LNG là rất lớn.

"Lúc này, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế cho lượng khí đốt từ Nga đang sụt giảm là vấn đề rất quan trọng”, bà Simson nói thêm.

 Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhất thế giới.

Khí đốt thông thường (không hóa lỏng) được vận chuyển trên các đường ống được xây dựng trong nhiều năm và do vậy mang tính khu vực. Mỗi đường ống chỉ kết nối một người bán và người mua nhất định, chẳng hạn Nord Stream 1 chạy qua Biển Baltic giúp khí đốt đi từ Nga đến Đức.

Trong khi đó, khí đốt hóa lỏng (LNG) được vận chuyển trên các tàu biển cỡ lớn và có thể đi khắp thế giới. Hiện nay, Mỹ đang cung cấp LNG để giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ngoài ra, các tàu chở LNG còn đi từ Trung Đông tới nhiều nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, ...

Nga đã cắt khí đốt tới Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan và Latvia với lý do các nước này không chịu thanh toán bằng đồng ruble của Nga. Ngoài ra, Moscow còn dừng hoàn toàn khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức, lấy lý do trục trặc kỹ thuật không thể được khắc phục vì vướng lệnh trừng phạt.

Lời cảnh báo từ Hungary

Hôm 9/9, Ngoại trưởng Hungary, ông Peter Szijjarto, đã cảnh báo đề xuất áp giá trần lên khí đốt của Nga sẽ đi ngược lại lợi ích của Hungary cũng như của toàn châu Âu vì Nga sẽ ngay lập tức cắt đứt nguồn cung khí đốt tới lục địa già.

Hồi tháng 7, ông Szijjarto đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để hỏi mua thêm 700 triệu m3 khí đốt ngoài thỏa thuận cung ứng dài hạn đang có hiệu lực.

Tháng 8, tập đoàn khí đốt Gazprom của nhà nước Nga tăng cường đưa khí đốt tới Hungary qua đường ống Turkstream. Đa phần nhu cầu dầu và khí đốt của Hungary đều do Nga đáp ứng.

Hungary đang nhận được khí đốt từ Nga và không muốn chọc giận Moscow.

"Nếu các hạn chế về giá chỉ được áp dụng với riêng khí tự nhiên từ Nga thì chắc chắn nguồn cung khí từ Nga sẽ bị cắt đứt. Không cần đến chuyên gia đoạt giải Nobel, ai cũng biết điều đó", Ngoại trưởng Hungary phát biểu.

Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cũng không muốn đưa nội dung áp giá trần với khí đốt của Nga ra bàn bạc.

Theo một thỏa thuận được ký với Nga vào năm 2021, tức là trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Hungary sẽ nhận 3,5 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm thông qua Bulgaria và Serbia, cộng thêm 1 tỷ m3 qua đường ống từ Áo. Thỏa thuận với Gazprom kéo dài 15 năm.

Hungary cực lực chỉ trích các lệnh trừng phạt mà EU áp lên Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công quân sự Ukraine. Hungary cho rằng các biện pháp cấm vận này không làm Moscow suy yếu đáng kể nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.

Đức Quyền