Đề xuất áp trần giá năng lượng Nga: Moscow đã cảnh báo hậu quả nhưng châu Âu vẫn xúc tiến kế hoạch
Vạch ra kế hoạch
Hôm 9/9, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã tập trung tại Brussels để họp khẩn về kế hoạch bảo vệ người dân cũng như doanh nghiệp khỏi đà tăng không ngừng nghỉ của giá giá điện và khí đốt trước thềm mùa đông.
Trước đó, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tìm cách đặt nền móng cho cuộc họp với một kế hoạch 5 điểm. Trong ngày 9/9, các nước thành viên EU phải đưa ra quyết định cuối cùng cho các đề xuất mà bà von der Leyen đưa ra.
Dự định của bà là áp trần giá đối với khí đốt của Nga, áp thuế lợi nhuận từ nhiên liệu hoá thạch, bắt buộc giảm tiêu thụ điện và cung cấp hạn mức tín dụng khẩn cấp cho các công ty điện lực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp lại các đề xuất của châu Âu bằng lời đe doạ sẽ huỷ bỏ các hợp đồng cung ứng khí đốt hiện tại nếu EU giới hạn giá. Ông cảnh báo Nga sẵn sàng để châu Âu “đóng băng” trong những tháng lạnh sắp tới.
Cùng ngày 9/9, bà Maria Zakharova - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng phương Tây không ý thức được việc áp trần giá năng lượng có thể tác động đến chính đất nước họ như thế nào.
Theo đưa tin từ Reuters, bà Zakharova nhấn mạnh: “Phương Tây không hiểu rằng việc giới hạn giá đối với các nguồn cung năng lượng của Nga sẽ khiến chính họ phải trả giá đắt trong mùa đông”.
Trong bối cảnh hai bên căng thẳng vì chiến sự tại Ukraine, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang khối kinh tế chung đã sụt giảm mạnh, dù trước kia Nga là nhà cung ứng năng lượng lớn nhất của khối. Lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga hiện ở mức 9%, giảm đáng kể so với khoảng 40% trước xung đột.
Gần đây, gã khổng lồ Gazprom của Nga đã cắt đứt hoàn toàn dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, điều này càng làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái và thiếu hụt năng lượng tại châu Âu.
Phát biểu tại Brussels trước thềm cuộc họp, ông Kadri Simson - uỷ viên phụ trách năng lượng của EU, nhấn mạnh rằng cuộc gặp mặt lần này là cần thiết để cung cấp cho chính phủ các nước công cụ phù hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng năng hiện giờ.
“Đây không chỉ là vấn đề về giá cả”, ông Simson nhận định. “Đây còn là một thách thức về khía cạnh an ninh nguồn cung năng lượng”.
Hoá đơn tiền điện tại lục địa già đã nhảy vọt kể từ sau khi Nga động binh với Ukraine và phương Tây đáp trả bằng một loạt đòn trừng phạt kinh tế nặng nề.
Cần tăng tốc năng lượng tái tạo
Trong một tuyên bố hồi giữa tuần, bà von der Leyen nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống bất thường, không chỉ vì Nga không còn là nhà cung ứng đáng tin cậy - như chúng ta đã chứng kiến trong ngững ngày qua, mà còn vì Nga đang tích cực thao túng thị trường khí đốt”.
Người đứng đầu khối kinh tế gồm 27 quốc gia nói thêm: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng với sự đoàn kết, quyết tâm, chúng ta sẽ chiến thắng”.
Các nhà lập pháp EU đã nhiều lần cáo buộc Moscow vũ khí hoá năng lượng xuất khẩu để kéo giá hàng hoá lên cao và gieo rắc bất ổn trên khắp EU. Moscow liên tục phủ nhận cáo buộc này.
Đối với việc đóng cửa vô thời hạn Nord Stream 1, Gazprom nói vấn đề bắt nguồn từ một vụ rò rỉ dầu trên đường ống. Tuy nhiên, Điện Kremlin sau đó cho biết việc nối lại nguồn cung khí đốt sang châu Âu hoàn toàn phụ thuộc vào việc EU có dỡ bỏ các cấm vận kinh tế đã áp đặt lên Nga hay không.
Chia sẻ với CNBC, bà Deepa Venkateswaran - nhà phân tích cấp cao tại European Utilities, nhận định: “Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng lần này cho thấy EU cần phải phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang năng lượng xanh nhanh hơn bao giờ hết”.
“Ở thời điểm hiện tại, giá điện tái tạo đang rẻ hơn rất nhiều so với giá điện bán buôn - vốn được thúc đẩy bởi đà tăng của giá khí đốt và nhiên liệu hoá thạch”, bà Venkateswaran nói thêm.
Áp trần giá dầu Nga
Phát biểu cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire trước cuộc họp riêng của các bộ trưởng tài chính EU tại CH Czech, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner đã kêu gọi EU đoàn kết trong việc tìm kiếm giải pháp giúp đỡ các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Đồng thời, Lindner cho biết ông sẽ thuyết phục tất cả các nước thành viên EU ủng hộ ý tưởng giới hạn giá đối với dầu có nguồn gốc từ Nga. Tuần trước, các nước G7 đã nhất trí ủng hộ sáng kiến trên, mặc dù các nhà phân tích năng lượng vẫn hoài nghi về tính toàn vẹn và khả thi của đề xuất.
Điện Kremlin cảnh báo rằng họ sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp trần giá đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.
Ông Lindner cho hay: “Chúng tôi muốn cắt đứt nguồn doanh thu của Nga và chúng tôi muốn duy trì mức giá ổn định cho các nền kinh tế khu vực, do đó giới hạn giá dầu là một phương án hợp lý. Đề xuất sẽ tạo ra hiệu quả tốt hơn nếu có nhiều quốc gia thành viên ủng hộ ý tưởng này”.