|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mới vừa thống nhất áp trần giá dầu, EU đã tính đến việc áp trần giá khí đốt Nga

10:17 | 08/09/2022
Chia sẻ
Liên minh châu Âu đang cân nhắc áp trần giá khí đốt của Nga, không lâu sau khi các nước G7 nhất trí về việc giới hạn giá dầu thô từ xứ sở Bạch Dương.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố phải cắt đứt nguồn thu từ dầu khí của Nga, ngăn cản nước này dùng tiền để tài trợ cho chiến sự tại Ukraine. (Ảnh: Getty Images). 

Áp trần giá khí đốt

Hôm 7/8, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất giới hạn giá khí đốt của Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin đe doạ cắt tất cả nguồn cung năng lượng nếu khối kinh tế chung thực hiện một động thái như vậy.

Chia sẻ với các phóng viên, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay: “Chúng tôi sẽ đề xuất áp trần giá đối với khí đốt của Nga…Châu Âu phải cắt đứt nguồn doanh thu mà Moscow sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine”.

Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 9/8 tới. Một nguồn tin của Reuters nói Hà Lan - quốc gia luôn phản đối việc áp trần giá khí đốt, sẽ ủng hộ một đề xuất nhắm vào khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, một bộ trưởng của CH Czech trước đó cho biết kế hoạch áp trần giá nên được loại khỏi chương trình nghị sự cho cuộc họp sắp tới. Czech hiện đang điều phối các cuộc thảo luận với vai trò là chủ tịch luân phiên của EU.

Tình trạng bế tắc trên có thể khiến giá khí đốt ở châu Âu leo thang hơn nữa, qua đó làm tăng thêm các hoá đơn khổng lồ mà các nước EU phải chi trả để ngăn các nhà cung ứng năng lượng sụp đổ cũng như giúp người dân không bị lạnh cóng trong mùa đông.

Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hoá nguồn cung khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngược lại, Điện Kremlin cho rằng chính các cấm vận là nguyên nhân gây ra trục trặc về đường ống và nguồn cung.

 

Theo một bản tin khác của RT (Nga), EU cũng đang cân nhắc khả năng áp trần giá đối với tất cả khí đốt nhập khẩu - bao gồm cả khí hoá lỏng (LNG).

RT dẫn lời bà von der Leyen cho hay: “Nguồn cung LNG đang rất khan hiếm và có thể được chuyển hướng đến nhiều khu vực khác nhau…Chúng tôi muốn duy trì tính cạnh tranh cho các nhà cung ứng LNG nhưng vẫn đảm bảo rằng mức giá mà châu Âu phải trả không quá cao mà ở trong phạm vi phù hợp”.

Các nước EU chủ yếu mua khí LNG từ Mỹ và Qatar. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng các nhà sản xuất có thể sẽ không muốn cung cấp nhiên liệu cho châu Âu nếu lợi nhuận của họ bị sụt giảm vì giá trần.

“Không cung cấp bất cứ thứ gì”

Ông Putin đã đoán trước được động thái của EU và khẳng định rằng Nga sẽ đáp trả. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của Nga”.

“Chúng tôi sẽ không xuất khẩu khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm - chúng tôi sẽ không cung cấp thêm bất cứ thứ gì [cho châu Âu]”, ông chủ Điện Kremlin tiếp tục. Châu Âu thường nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt và 30% lượng dầu mỏ từ Nga, theo Reuters.

Mặt khác, Eurelectric - cơ quan đại diện cho ngành công nghiệp phát điện châu Âu, cũng chỉ trích kế hoạch của EU nhằm áp trần giá 200 euro/MWh đối với nguồn điện từ các nhà máy không chạy bằng khí đốt.

Ông Kristian Ruby - Tổng thư ký của Eurelectric, bày tỏ: “Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do thiếu hụt nguồn cung khí đốt và việc chúng ta quá nghiện nhiên liệu hoá thạch nhập khẩu.

Chính phủ các nước châu Âu nên tìm cách giải quyết thay vì sử dụng các biện pháp can thiệp đột xuất, gây méo mó thị trường điện trong khu vực”.

Yên Khê