|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu còn các lựa chọn thay thế nào nếu Nga thực sự cắt nguồn cung khí đốt?

19:57 | 04/09/2022
Chia sẻ
Các động thái gần đây của Nga càng làm dấy lên khả năng nước này sẽ cắt dòng chảy khí đốt sang châu Âu. Vậy, lục địa già hiện có những phương án thay thế nào để đối phó?

Một phần đường ống Nord Stream 1 tại Đức. (Ảnh: Reuters). 

Ngày 2/9, gã khổng lồ năng lượng Gazprom thông báo rằng đường ống khí đốt Nord Stream 1 sẽ dừng hoạt động vô thời hạn. Trên Telegram, Gazprom cho biết các điều tra viên đã phát hiện thấy rò rỉ dầu trong đường ống.

Nord Stream 1 đáng lẽ phải quay trở lại hoạt động từ ngày 3/9 sau khi kết thúc quá trình bảo trì. Động thái của Gazprom đang làm trầm trọng thêm những khó khăn của châu Âu trong việc đảm bảo nguồn cung nhiên liệu.

Trước đó, Nga đã giảm dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 xuống 40% công suất vào tháng 6 và tiếp tục xuống 20% vào tháng 7.

Ngoài ra, Nga cũng đã cắt nguồn cung cho một số quốc gia châu Âu như Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Ba Lan, đồng thời siết dòng chảy qua các đường ống khác kể từ khi Moscow khơi mào chiến sự với Ukraine.

Vậy, bây giờ châu Âu còn bao nhiêu phương án thay thế cho khí đốt Nga? Dưới đây là một số thông tin hữu ích do Reuters tổng hợp:

Các tuyến đường đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu

Nga thường cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu, chủ yếu qua các đường ống. Năm ngoái, xứ xở Bạch Dương xuất khẩu được khoảng 155 tỷ mét khối (bcm) khí đốt sang châu Âu.

Thông qua Ukraine, khí đốt của Nga chủ yếu đến Áo, Italy, Slovakia và các quốc gia Đông Âu khác. Ukraine đã đóng cửa đường ống trung chuyển Sokhranovka chạy qua lãnh thổ của mình sau khi Nga chiếm đóng khu vực phía đông của nước này.

Các quốc gia châu Âu nêu trên đang cố gắng tìm nguồn cung thay thế. Trong khi đó, các nước khác như Đức vẫn cần khí đốt của Nga và đang dốc sức nạp đầy kho dự trữ trước khi mùa đông ập đến.

 

Các tuyến đường thay thế đến châu Âu mà không đi qua Ukraine có thể kể tới đường ống Yamal-Europe. Hệ thống này đi qua Belarus và Ba Lan để tới Đức.

Đường ống Yamal có công suất khoảng 33 bcm, vận chuyển khoảng 1/6 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang lục địa già. Kể từ đầu năm nay, dòng chảy của Yamal đã bị đảo ngược để đi về phía đông giữa Ba Lan và Đức.

Moscow đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chủ sở hữu đoạn qua Ba Lan của đường ống Yamal. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Khí hậu Ba Lan cho biết họ có thể xoay xở mà không cần dòng chảy khí đốt trên đường ống này.

Các nhà cung ứng thay thế của châu Âu

Một số quốc gia đã có các lựa chọn cung ứng thay thế và mạng lưới khí đốt của châu Âu được liên kết với nhau nên các nước có thể chia sẻ nguồn cung, dù thị trường khí đốt toàn cầu đã bị thắt chặt từ trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.

Đức - quốc gia tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất tại châu Âu, có thể nhập khẩu nhiên liệu từ Anh, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan thông qua các đường ống khác.

Na Uy, nhà cung ứng khí đốt lớn thứ hai của châu Âu sau Nga, đã tăng sản lượng để giúp EU hoàn thành mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch của Nga vào năm 2027.

Tập đoàn Centrica của Anh đã ký một thoả thuận với Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt cho ba mùa đông tới. Anh không lệ thuộc vào năng lượng của Nga và có thể xuất khẩu khí đốt qua châu Âu bằng đường ống.

Các nước Nam Âu có thể tiếp nhận khí đốt của Azerbaijan thông qua đường ống Trans Adriatic đến Italy và đường ống khí tự nhiên Trans-Anatolian qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ cho biết họ có thể cung cấp khoảng 15 bcm khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho EU trong năm nay.

Tuy nhiên, các nhà máy LNG của Mỹ đã hoạt động hết công suất và một vụ cháy hồi đầu năm nay khiến cơ sở Freeport (Texas) phải đến cuối tháng 11 mới có thể vận hành trở lại.

Hạn hán đã biến sông Gardon của Pháp thành "sa mạc Sahara". (Ảnh: Getty Images).

Các cảng LNG của châu Âu cũng không thể tiếp nhận quá nhiều khí hoá lỏng, mặc dù một số quốc gia cho biết họ đang tìm cách tăng cường nhập khẩu và kho chứa LNG.

Đức là một trong những nước muốn xây dựng thêm các cảng LNG mới. Berlin có kế hoạch xây thêm hai cảng trong vòng hai năm tới.

Ba Lan - quốc gia phụ thuộc vào Nga cho khoảng 50% lượng khí đốt tiêu thụ trong nước, thông báo rằng họ có thể nhập khẩu khí đốt thông qua hai liên kết với Đức.

Một đường ống mới có thể vận chuyển đến 10 bcm khí đốt mỗi năm giữa Ba Lan và Na Uy sẽ được khánh thành vào tháng 10. Một đường ống khác giữa Ba Lan và Slovakia vừa được phép hoạt động tuần trước.

Tây Ban Nha muốn hồi sinh dự án xây dựng đường ống khí đốt thứ ba qua dãy núi Pyrenes nhưng Pháp cho rằng các cảng LNG mới sẽ là một lựa chọn nhanh và rẻ hơn so với một đường ống mới.

Còn lựa chọn nào khác?

Nhiều quốc gia châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung bằng cách chuyển sang nhập khẩu điện thông qua đầu nối từ các nước láng giềng, hoặc bằng cách thúc đẩy sản lượng điện từ hạt nhân, năng lượng tái tạo, thuỷ điện hoặc than đá.

Công suất điện hạt nhân đang sụt giảm dần ở Bỉ, Anh, Pháp và Đức, bởi các nhà máy phải đối mặt với tình trạng ngừng hoạt động khi chúng trở nên quá cũ kỹ. Công suất thuỷ điện cũng tụt mạnh trong mùa hè này do lượng mưa thấp và nắng nóng kỷ lục.

Châu Âu đang cố gắng từ bỏ than đá để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, nhưng một số nhà máy đã hoạt động trở lại từ giữa năm 2021 khi giá khí đốt tăng cao.

 

Các bộ trưởng năng lượng đã nhất trí rằng tất cả các nước EU nên tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt 15% từ tháng 8 năm nay cho đến tháng 3 năm sau, đồng thời đề ra các mục tiêu về lấp đầy kho dự trữ. 

Đức đã kích hoạt giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp gồm ba giai đoạn. Berlin cũng thúc giục người dân và doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng để tránh tình trạng thiếu hụt trong mùa đông tới.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Hà Lan cho biết họ có thể dùng đến mỏ Groningen để giúp đỡ các quốc gia láng giềng trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn. Tuy nhiên, việc tăng cường khai thác ở mỏ này có nguy cơ gây ra động đất.

Khả Nhân