|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao doanh nghiệp điện châu Âu cạn tiền dù đang bán điện với giá cao kỷ lục?

11:09 | 07/09/2022
Chia sẻ
Mặc dù đang bán điện với giá cao kỷ lục, nhiều công ty điện lực châu Âu lại đang cạn kiệt tiền mặt vì yêu cầu tài sản thế chấp cho hợp đồng tương lai cũng ngày càng tăng. Chính phủ nhiều nước đã phải đưa ra các gói hỗ trợ thanh khoản khổng lồ.

Theo Financial Times, Phần Lan đã phát đi cảnh báo rằng lĩnh vực năng lượng có thể sẽ phải đối mặt với một sự kiện tương tự như khủng hoảng Lehman Brothers nếu chính phủ không can thiệp và bơm các khoản tín dụng khẩn cấp. 

Vào năm 2008, ngân hàng Lehman Brothers đã phá sản với khoản nợ hàng trăm tỷ USD, gây ra cuộc Khủng hoảng Tài chính toàn cầu.

Giá cao sao vẫn thiếu tiền?

Các công ty điện lực muốn giảm rủi ro khi bán điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bằng cách mua các vị thế bán khống trên thị trường tương lai trước khi bán điện thực tế.

Theo cách này, nếu giá điện giảm, bất kỳ khoản lỗ thực tế nào sẽ được giảm bớt nhờ lợi nhuận từ vị thế bán khống. Và ngược lại, khi giá điện tăng, lợi nhuận thu được từ việc bán điện sẽ có thể bù đắp cho những khoản thua lỗ khi bán khống trên thị trường tương lai.

Theo quy tắc, để bán khống trên thị trường tương lai, doanh nghiệp điện lực sẽ phải đăng ký tài sản thế chấp hoặc ký quỹ với sàn giao dịch. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, giá điện tăng chóng mặt đồng nghĩa với yêu cầu về tài sản đảm bảo cũng phình lên tương ứng. 

Khi giá điện tăng lên, những vị thế bán khống của các nhà sản xuất điện ngày càng chìm sâu trong sắc đỏ, sàn giao dịch yêu cầu ngày càng nhiều tài sản thế chấp. Các doanh nghiệp bán điện lớn có thể đối mặt với yêu cầu cung cấp hàng trăm triệu EUR hoặc bảng Anh (GBP).

Giá điện tại Đức và Pháp đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2020.

Những vị thế bán khống này sẽ được bù đắp khi năng lượng thực tế được bán tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều vị thế bán khống phải đợi nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa mới đáo hạn, khiến các công ty đối mặt với nguy cơ cạn kiệt thanh khoản.

Centrica, chủ sở hữu của British Gas, đang tìm kiếm thêm hàng tỷ bảng Anh (GBP) tín dụng trong trường hợp nhu cầu tài sản thế chấp tăng mạnh hơn nữa.

Vào khoảng hai tuần trước, công ty điện lực Phần Lan Fortum cho biết tài sản phải thế chấp trên sàn giao dịch Nasdaq của công ty đã tăng 1 tỷ EUR trong vòng một tuần, lên khoảng 5 tỷ EUR.

Mặc dù Centrica và Fortum có khả năng kiếm được lợi nhuận khi điện được bán, các yêu cầu về tài sản thế chấp đang dẫn đến tình trạng siết chặt thanh khoản lớn trong toàn ngành. Các quan chức cho rằng hiện tượng này có thể khiến các doanh nghiệp điện lực làm ăn có lãi phải sụp đổ.

Theo Reuters, công ty năng lượng Equinor của Na Uy dự đoán các khoản thế chấp của doanh nghiệp điện lực châu Âu, chưa bao gồm Anh, có thể đã lên tới ít nhất 1.500 tỷ USD. 

Vào ngày 4/9, Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Lintilä đã cảnh báo: “Ngành năng lượng có thể đối mặt với sự kiện Lehman Brothers”. Thủ tướng Thụy Điển cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

(Đồ họa: Song Ngọc)

Các sàn giao dịch tương lai

Những thị trường năng lượng chính ở châu Âu bao gồm Nasdaq ở Thụy Điển, EEX của Đức về điện, ICE Futures Europe ở London đối với dầu và ở Amsterdam đối với khí đốt.

Những sàn giao dịch trên cũng điều hành các công ty thanh toán bù trừ quản lý rủi ro của hợp đồng phái sinh mở, tính toán các khoản thanh toán mỗi ngày để xác định số tiền ký quỹ mà khách hàng phải bỏ ra.

Quy định yêu cầu hầu hết các khoản ký quỹ phải được thực hiện bằng tiền mặt, để có thể chi trả ngay lập tức trong trường hợp có sự cố. 

Một số sàn giao dịch và thanh toán bù trừ tại Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy và Ba Lan, chấp nhận bảo lãnh ngân hàng từ các công ty năng lượng vì những doanh nghiệp này không có sẵn nhiều tiền mặt hoặc tài sản thế chấp. Tuy nhiên, các ngân hàng đứng ra bảo lãnh phải thế chấp hoàn toàn bằng tiền mặt.

Những ai hỗ trợ thế chấp?

Để đáp ứng các yêu cầu về tài sản thế chấp của sàn giao dịch, các doanh nghiệp điện lực lớn thường dựa vào hợp đồng tín dụng xoay vòng đã ký kết với ngân hàng.

Trong 12 tháng qua, khi giá khí đốt và điện tăng cao, nhiều công ty năng lượng đã phải ký kết thêm những hợp đồng bổ sung thanh khoản với bên cho vay. Tuy nhiên, dường như một số công ty đã chạm tới hạn mức tín dụng thương mại của mình.

Vào hôm 5/9, RBC Capital Markets cho biết ngay cả “những doanh nghiệp điện lực mạnh nhất” cũng phải đối mặt với “áp lực rất lớn về thanh toán tài sản thế chấp”. 

Hôm 4/9, Thụy Điển cho biết sẽ cung cấp bảo lãnh tín dụng lên tới 23 tỷ USD cho các công ty điện lực tại Bắc Âu để giúp tránh các vụ vỡ nợ kỹ thuật, trong khi Phần Lan đã đề xuất gói hỗ trợ 10 tỷ EUR.

Theo Reuters, vào hôm 6/9, Fortum cho biết đã ký kết thỏa thuận tài trợ với công ty đầu tư Solidium của chính phủ Phần Lan với trị giá 2,35 tỷ EUR nhằm trang trải nhu cầu thế chấp.

Công ty điện lực Axpo cho biết họ đã tìm kiếm và nhận được hạn mức tín dụng lên tới 4 tỷ franc Thụy Sỹ (4,1 tỷ USD) từ chính phủ để giải quyết nhu cầu tài chính. 

Chính phủ Thụy Sỹ đã chuẩn bị 10 tỷ franc để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất điện, nhưng đã quyết định phân bổ 4 tỷ franc cho Axpo mặc dù luật còn chưa được thông qua quốc hội.

Bà Deepa Venkateswaran, nhà phân tích ngành điện lực châu Âu, cho biết sự can thiệp của chính phủ Thụy Điển và Phần Lan cho thấy các hạn mức tín dụng thương mại đã được sử dụng hết. Bà nói: “Bởi các con số đang tăng lên đáng kể, có lẽ hệ thống ngân hàng không thể chịu nổi”.

Rủi ro lớn nhất

Hầu hết các nhà sản xuất điện đều phòng hộ hợp đồng bán điện ở một mức độ nào đó. Khi yêu cầu thế chấp tăng lên, nhiều nhà sản xuất tại châu Âu đang có nguy cơ bị siết chặt thanh khoản.

Giá khí đốt nhảy vọt khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp điện lực châu Âu cũng tăng chóng mặt.

Ngày 5/9, hiệp hội ngành điện Eurelectric, đại diện cho hơn 3.500 công ty điện lực ở Châu Âu, đã cảnh báo rằng các khoản thanh toán tăng vọt là "mối quan tâm lớn" đối với các thành viên. 

Ngay cả trước đợt tăng giá vào tháng 8, một số công ty điện lực lớn bao gồm Uniper của Đức và EDF của Pháp đã gặp phải khó khăn nghiêm trọng. Cả hai đều phải gồng mình để đáp ứng yêu cầu ký quỹ khi giá khí đốt và điện bắt đầu tăng vào tháng 10 năm ngoái.

Uniper buộc phải mua khí đốt với giá kỷ lục do các lô hàng từ Nga đã cạn kiết. Trong khi đó, EDF phải nhập khẩu điện để tránh tình trạng mất điện.

Bà Venkateswaran cho biết các công ty điện lực sản xuất nhiều thủy điện và điện hạt nhân, chẳng hạn như Thụy Điển hay Phần Lan có xu hướng phòng hộ bằng hợp đồng tương lai nhiều hơn, do đó chịu ảnh hưởng lớn từ yêu cầu thế chấp ngày càng tăng.

Chính phủ có thể làm gì?

Vào ngày 9/9, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ xem xét các giải pháp khẩn cấp. Các chính phủ có hai lựa chọn: tung ra gói tín dụng hàng tỷ EUR cho các công ty điện lực hoặc sửa đổi các quy tắc liên quan đến ký quỹ.

Hiện tại, Quy định Cơ sở hạ tầng Thị trường châu Âu đặt ra khuôn khổ pháp lý cho các yêu cầu ký quỹ, không phân biệt giữa công ty điện lực và đối tác tài chính thông thường.

Các nhà phân tích cho rằng chính phủ có thể giảm hoặc loại bỏ tài sản thế chấp mà các sản giao dịch yêu cầu nhà sản xuất điện phải ký quỹ. Bằng cách này, các cơ quan quản lý có thể nới lỏng áp lực thanh khoản đối với các công ty điện lực và hạn chế rủi ro tới các đối tác.

Bà Venkateswaran cho biết: “Những công ty điện lực có tài sản để sản xuất điện, họ sẽ không trốn được đi đâu cả. Các doanh nghiệp này khác với những người đang đầu cơ giá điện".

Đại lộ Chiến thắng tại Berlin tắt bớt đèn chiếu sáng để tiết kiệm điện. (Ảnh: Reuters).

Ông John Musk, một nhà phân tích cơ sở hạ tầng và điện lực châu Âu tại RBC Capital Markets, cũng cho biết "cải cách về mặt cơ cấu" có thể sẽ cần thiết.

“Chuyển các khoản thế chấp của công ty điện lực sang hệ thống tài chính/sổ sách của chính phủ có lẽ không phải là giải pháp lý tưởng,” ông cho biết. Một giải pháp mà các nhà chức trách có thể nghiên cứu là điều chỉnh loại bảo lãnh ngân hàng mà các nhà phát điện có thể sử dụng làm tài sản thế chấp.

Ông Rafael Plata, Tổng thư ký của Hiệp hội thanh toán bù trừ châu Âu, cho biết: “Không quá khó để giảm bớt áp lực thanh khoản đối với những người tham gia thị trường phi tài chính bằng cách chấp nhận các khoản bão lãnh theo yêu cầu, cam kết toàn bộ của ngân hàng”.

“Nếu được thực hiện nhanh chóng, các nhà sản xuất điện và người tiêu dùng sẽ sớm được hưởng lợi từ giải pháp này, tương tự như ở Mỹ và Canada”, ông cho biết.

Minh Quang

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.