Châu Âu mua khí đốt của Nga thông qua Trung Quốc với giá cao vút
Nghịch lý ở Trung Quốc
Theo SCMP, mặc dù nhu cầu năng lượng đang sụt giảm khi nền kinh tế đi xuống, Trung Quốc vẫn mua thêm nhiều khí đốt của Nga trong năm nay, trong khi nhập khẩu từ những quốc gia khác đều giảm.
Dữ liệu hải quan 6 tháng đầu năm của cho thấy, Trung Quốc đã mua khoảng 2,35 triệu tấn khí hóa lỏng (LNG), trị giá 2,16 tỷ USD. Nửa đầu năm 2022, khối lượng nhập khẩu đã tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị tăng tới 182%.
Theo SCMP, Nga đã vượt qua Indonesia và Mỹ để trở thành nhà cung ứng LNG lớn thứ 4 của Trung Quốc trong năm nay.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không chỉ mua mỗi LNG từ Moscow, mà còn có được khí đốt qua hệ thống đường ống. Gần đây, Gazprom thông báo nguồn cung khí đốt qua tuyến vận chuyển Sức mạnh Siberia đã đạt mức kỷ lục.
Hiện nay, Nga đang là người bán khí đốt qua đường ống lớn thứ hai của Trung Quốc, và nguồn cung trong nửa đầu năm 2022 đã tăng 63,4%.
Ngoại trừ Nga, lô hàng khí đốt từ tất cả những nhà cung ứng khác đều giảm trong 6 tháng đầu năm. Nhập khẩu từ Australia, quốc gia cung cấp nhiều LNG cho Trung Quốc, đã tụt 28,8% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 11,2 triệu tấn.
Trung Quốc nhập khẩu hơn một nửa lượng khí đốt tiêu thụ, và 2/3 trong số này dưới dạng LNG. Do nhu cầu trong nước giảm, trong 6 tháng đầu năm, Bắc Kinh chỉ mua 53,57 triệu tấn khí đốt, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Jeffrey Moore, nhà phân tích tại S&P Global, nhu cầu LNG của Trung Quốc sẽ giảm 20% so với năm trước, trong khi nhập khẩu đường ống sẽ tăng nhẹ 10%.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao Trung Quốc lại tăng nhập khẩu khí đốt từ duy nhất Nga, trong khi nhu cầu trong nước đang ở mức thấp và giá cả đắt đỏ?
Một chi tiết đáng chú ý mà SCMP chỉ ra là việc Tổng cục Hải quan của Trung Quốc đã ngừng công bố khối lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống theo từng quốc gia. Hay nói cách khác, nhiên liệu của Nga đang được tính cùng với khí đốt của các quốc gia khác.
Người phát ngôn Li Kuiwen xác nhận rằng động thái trên nhằm “bảo vệ quyền và lợi ích kinh doanh hợp pháp của những nhà nhập khẩu và xuất khẩu có liên quan”.
Không hề có khí đốt "thừa"
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đang trở thành “hiệp sĩ áo trắng” cứu giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng khí đốt vào mùa đông. Nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu thế giới giờ đây lại đang bán đi những lô LNG thừa do nhu cầu trong nước giảm.
Bởi vậy, thị trường LNG giao ngay đang có nguồn cung tương đối dồi dào, giúp châu Âu lấp đầy khó dự trữ, tất nhiên với một mức giá không hề rẻ.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một cách hợp lý, thì rõ ràng những lô khí đốt này không thể “thừa”. Nếu Trung Quốc đang thật sự thừa khí đốt, thì rõ ràng điều đầu tiên mà Bắc Kinh phải làm là giảm nhập khẩu từ Nga, chứ không phải tăng thêm.
Theo hãng thông tấn Anadolu Agency, nguồn khí đốt qua đường ống từ Nga tới châu Âu trong 7 tháng đầu năm giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường, Nga cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu. Đồng thời, khối lượng nhập khẩu LNG của châu lục này đã tăng 60% trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, theo dữ liệu từ Kpler.
Trong bài viết của mình, Nikkei Asia cũng đưa ra một số chi tiết rất đáng chú ý.
Tập đoàn JOVO, một doanh nghiệp kinh doanh LNG lớn của Trung Quốc, gần đây cho biết đã bán lại một lô hàng LNG cho người mua tại châu Âu. Một nhà giao dịch hợp đồng tương lai tại Thượng Hải nói với Nikkei rằng lợi nhuận kiếm được từ giao dịch trên có thể lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm triệu USD.
Trong đợt công bố kết quả kinh doanh của Sinopec vào tháng 4, tập đoàn nhà nước Trung Quốc này xác nhận đã chuyển số LNG dư thừa ra thị trường quốc tế.
Các kênh truyền thông địa phương cho biết chỉ riêng Sinopec đã bán 45 lô hàng LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn LNG. Tổng khối lượng LNG mà Trung Quốc đã bán ra bên ngoài nhiều khả năng hơn 4 triệu tấn, tương đương với 7% số khí đốt mà châu Âu nhập khẩu trong nửa đầu năm nay.
Số khí đốt “dư thừa” được Trung Quốc bán ra có một phần, hoặc toàn bộ, nguồn gốc từ Nga. Tuy nhiên, bởi những lô khí đốt này được Bắc Kinh bán ra thị trường quốc tế, nên tên gọi của chúng là LNG từ Trung Quốc, chứ không còn là của Nga.
- TIN LIÊN QUAN
-
Châu Âu kẹt giữa hai lựa chọn: Phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga hay năng lượng tái tạo của Trung Quốc 10/07/2022 - 08:12
Kể cả trong trường hợp Bắc Kinh không trộn lẫn hay bán lại LNG của Moscow sang phương Tây, thì lượng khí đốt mua từ Nga có thể được sử dụng trong nước, trong khi nhiên liệu do chính Trung Quốc khai thác được xuất đi nước ngoài.
Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra với dầu. Theo Reuters, Arab Saudi, một cường quốc về dầu khí, lại đang nhập hàng trăm nghìn thùng nhiên liệu giá rẻ của Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước nhằm giúp giải phóng thêm khối lượng dầu có thể xuất khẩu.
Hay nói cách khác, châu Âu vẫn đang gián tiếp mua nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhưng với giá cắt cổ, đồng thời giúp làm giàu cho không chỉ Moscow, mà còn cả Bắc Kinh hay Riyadh.
Không nên vội mừng
Mức dự trữ khí đốt của toàn châu Âu đã đã vượt qua mục tiêu 80% trước kế hoạch hai tháng, theo Gas Infrastructure Europe. Nguồn khí đốt dư thừa của Trung Quốc đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công của châu Âu trong việc chuẩn bị cho mùa đông.
Tuy nhiên, nguyên nhân Trung Quốc có thừa khí đốt để bán là do hoạt động kinh tế đang chậm lại do chính sách Zero COVID và khủng hoảng bất động sản trong nước. Một khi nền kinh tế ổn định trở lại, Bắc Kinh ngừng tái xuất những lô hàng LNG của Nga để giúp châu Âu giữ ấm trong mùa đông.
Thật trớ trêu, khi thay vì phụ thuộc vào khí đốt của Nga, châu Âu lại đang dựa vào nguồn năng lượng từ Trung Quốc. Và nguồn năng lượng này, về căn bản, vẫn có nguồn gốc từ Nga, chẳng qua được sơn thêm lớp vỏ bọc “made in China”.
Tệ hơn, thay vì mua LNG hay khí đốt của Nga với giá rẻ (do hệ thống đường ống sẵn có và khoảng cách địa lý gần), châu Âu lại đang trả gấp rất nhiều lần để có được những lô hàng trên thị trường giao ngay.
Nikkei Asia cũng ngầm thừa nhận rằng châu Âu đang mua LNG của Nga thông qua Trung Quốc: “Nếu Nga xuất thêm nhiều khí đốt hơn tới Trung Quốc như một cách để trừng phạt châu Âu, thì Bắc Kinh sẽ có nhiều khí đốt hơn để bán trên thị trường giao ngay, gián tiếp giúp đỡ châu Âu”.
Tuy nhiên, cũng có thể hiểu rằng Trung Quốc đang giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt, và cả hai nước đều cùng nhau chỉa sẻ lợi nhuận: Moscow bán được khí đốt, Bắc Kinh ăn chênh lệch.
Tờ Nikkei Asia nhận định rằng khi châu Âu càng trở nên tuyệt vọng về nguồn cung năng lượng, thì những quyết sách của Trung Quốc càng có nhiều ảnh hưởng tới khối. Khi cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, điều trớ trêu là châu Âu lại càng phải dựa vào Trung Quốc.