|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thương nhân châu Á trộn LNG thừa thành hàng mới, bán sang châu Âu kiếm lời

12:00 | 31/08/2022
Chia sẻ
Các thương nhân buôn bán khí đốt hoá lỏng (LNG) tại châu Á đang có động thái lạ là đóng gói nhiên liệu thừa thành các lô hàng mới để vận chuyển sang châu Âu, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao ở lục địa già.

Mô hình sinh lời

Tại các trung tâm cung ứng LNG lớn như Australia và Oman, sau khi các thương nhân giao hàng cho khách ở Đông Bắc Á thì hay còn thừa lại một ít nhiên liệu. Các chuyến hàng “chắp vá” tới châu Âu sẽ tận dụng lượng LNG còn thừa lại này.

Theo Bloomberg, lượng LNG bị thừa sẽ được chuyển lên một tàu duy nhất ngoài đại dương để tạo thành một lô hàng mới, sau đó đem bán sang châu Âu hoặc cho các khách hàng khác ở châu Á.

Theo công ty phân tích năng lượng Vortexa, hoạt động chuyển hàng từ tàu này sang tàu kia đã được ghi nhận ở vùng biển ngoài khơi Malaysia vào tháng 7. Đây là bằng chứng đầu tiên cho mô hình này trong suốt 9 tháng qua.

Việc chắp vá hàng thừa thành một lô hàng mới rất ít khi xảy ra trên thị trường LNG. Trong khi đó, trên thị trường dầu mỏ, dầu thô thuộc nhiều loại khác nhau thường được pha trộn lại để bán cho khách hàng mới.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Trộn lẫn khí LNG thừa thành một lô hàng hoàn chỉnh thường sẽ lãng phí cả thời gian và tiền bạc, nhưng việc thực trạng này tái diễn đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của cú sốc năng lượng toàn cầu hiện nay.

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đã khiến nhu cầu đối với LNG tăng vọt và kéo giá lên mức cao kỷ lục. Do đó, việc pha trộn LNG thừa thành các lô hàng mới đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh sinh lời.

Trao đổi với Bloomberg, các nhà giao dịch cho biết, trong bối cảnh giá LNG tại châu Âu đã chạm mức 100 USD/mmBTU nhưng giá LNG có kỳ hạn ở các thị trường khác chỉ ở mức 20 USD hoặc thấp hơn, các công ty năng lượng đã nhìn thấy cơ hội kiếm tiền.

Ông Felix Booth - trưởng bộ phận phân tích LNG tại Vortexa, cho hay: “Hoạt động vận chuyển LNG thừa từ tàu này sang tàu kia ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục duy trì, bởi các thương nhân đang cố gắng đáp ứng nhu cầu năng lượng ở châu Âu”.

Theo các công ty tiện ích, thương nhân và nhà phân tích, do thị trường năng lượng đang bị siết chặt, người bán có thể cung ứng ít LNG hơn, miễn là thoả các hợp đồng hiện hành. Nguyên nhân là vì các hợp đồng hiện nay cho phép người bán có thể giao hàng ít hơn 5% so với khối lượng cần thiết.

Điều đó cho phép người bán có thể “giữ lại” một phần nguồn cung sẵn có để sau đó pha trộn và chắp vá thành một lô hàng hoàn chỉnh. Hơn nữa, họ cũng có thể triển khai đội tàu linh hoạt hơn, phục vụ cho việc bán các lô hàng này sang châu Âu, ông Booth giải thích.

 

Đường đi phức tạp của các con tàu

Dữ liệu của Vortexa cho thấy, một tàu chở khí LNG mang tên Attalos đã cập cảng châu Âu vào tuần trước. Con tàu này đã chở hai phần hàng khác nhau, một phần là LNG của Australia và phần còn lại là của Qatar.

Trước khi gặp Attalos ở Malaysia vào tháng trước, ba tàu - Patris, Seapeak Glasgow và Kinisis, đều đã lên đường đến Đông Bắc Á để dỡ một phần hàng. Patris sau đó đã ghé trạm khí đốt North West Shelf tại Australia.

BP có một cơ sở tại khu vực nói trên. Phát ngôn viên của gã khổng lồ năng lượng từ chối bình luận về các thông tin liên quan tới tàu Patris.

Trong khi đó, tàu Flex Resolute trong tháng này đã dỡ một phần lô LNG có xuất xứ từ Oman tại cảng Dahej của Ấn Độ, trước khi chuyển phần hàng còn lại qua con tàu British Partner ngoài khơi Malaysia, theo dữ liệu của Bloomberg.

British Partner cũng nhận được một lượng khí đốt Qatar từ Flex Aurora - con tàu khởi hành từ cảng Ras Laffan của Qatar đến Nhật Bản hồi tháng 7 rồi sau đó đi đường vòng tới Malaysia.

Tàu British Partner hiện đang ở Biển Đông.

Các chuyến hàng chắp vá này nhìn chung đang đe doạ đến nguồn cung khí LNG của các công ty sản xuất điện tại châu Á. Từ khi châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng, châu Á đã phải cạnh tranh khốc liệt để tích trữ đủ hàng tồn kho trước mùa đông.

Giá khí LNG chuẩn tại châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng, trong bối cảnh triển vọng nguồn cung cho châu Âu trở nên khó đoán vì xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục.

Khả Nhân

Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Giai đoạn gần đây thị trường chứng kiến nhịp tăng giá luân phiên của cổ phiếu ngành ngân hàng và thép. Diễn biến này gợi nhớ câu chuyện bộ ba cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán thay nhau dẫn sóng giai đoạn 2021 - 2022. Liệu kịch bản này có lặp lại?