|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nắng hạn vào mùa hè có thể khiến châu Âu lạnh cóng vào mùa đông

14:16 | 25/08/2022
Chia sẻ
Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm tại châu Âu đang đẩy hệ thống năng lượng tới giới hạn, ảnh hưởng tới nguồn dự trữ cho mùa đông cũng như hủy hoại mùa màng.

CNBC trích dẫn phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chung của Liên minh châu ÂU (EU) cho thấy châu lục già đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm, với những đợt nắng nóng gây ra cháy rừng, giảm năng suất cây trồng và sản lượng điện năng.

Báo cáo từ Đài quan sát Hạn hán châu Âu (EDO) cho biết 47% diện tích châu Âu đang trong tình trạng cảnh báo, với độ ẩm đất bị suy giảm đáng kể. Đặc biệt, 17% châu lục già đang trong tình trạng báo động, với thảm thực vật bị ảnh hưởng do hạn hán.

Nhiệt độ kỷ lục ở châu Âu trong mùa hè này đã làm gián đoạn giao thông vận tải, buộc hàng nghìn người phải di dời và hàng trăm người chết. Nắng nóng cũng làm trầm trọng thêm hiện tượng cháy rừng có sức tàn phá nghiêm trọng.

Xác tàu chiến Đức từ Thế chiến II nổi lên tại nhánh sông Danube ở Serbia ngày 18/8. (Ảnh: Fedja Grulovic/Reuters). 

"Sự kết hợp giữa hạn hán nghiêm trọng và nắng nóng đã tạo ra một áp lực chưa từng có đối với mực nước trong toàn bộ EU", Ủy viên Đổi mới Châu Âu Mariya Gabriel cho biết trong một tuyên bố.  “Mùa cháy rừng năm nay nghiêm trọng hơn mức trung bình và hoạt động nông nghiệp đang bị ảnh hưởng”.

Ông Johannes Bahrke, người phát ngôn Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát của EDO cảnh báo: “Thời tiết tại khu vực phía tây Địa Trung Hải được dự báo sẽ nóng và khô hơn trung bình cho đến tháng 11”.

Thiếu nước và nhiệt độ cao đã làm giảm năng suất vụ mùa năm 2022 của châu Âu, với dự báo đối với ngô chăn nuôi, đậu tương và hướng dương sẽ thấp hơn lần lượt 16%, 15% và 12% so với mức trung bình của 5 năm trước.

Thiếu mưa cũng đã ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông trên khắp châu Âu. Lượng nước thấp khiến năng suất thủy điện và khả năng làm mát cho nhà máy điện giảm.

Báo cáo cho biết nguy cơ hạn hán đang gia tăng đáng kể nhất tại Bỉ, Pháp, Đức, Hungary, Italy Luxembourg, Moldova, Hà Lan, bắc Serbia, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha, Ukraine và Anh.

Hệ thống năng lượng tới giới hạn

Theo công ty Lane Clark & ​​Peacock, một đợt nắng nóng gay gắt đang đẩy hệ thống điện của châu Âu đến giới hạn, buộc châu lục này phải áp dụng những chính sách năng lượng thường chỉ được sử dụng vào mùa đông.

Cái nóng gay gắt làm hoạt động sản xuất điện bị hạn chế. Các nhà máy điện chạy bằng khí đốt trở nên kém hiệu quả hơn, trong khi những nhà máy điện hạt nhân gặp khó khăn trong việc làm mát, theo Bloomberg.

Thời tiết nắng nóng đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Theo Rystad Energy, nguồn cung năng lượng có thể sẽ khổng đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng, chưa kể tới việc phải tích trữ cho mùa đông sắp tới. 

Ông Rajiv Gogna thuộc Lane Clark & ​​Peacock cho biết: “Nhiệt độ hiện tại đang khiến hệ thống năng lượng trên khắp châu Âu và Anh hoạt động kém hiệu quả hơn và không thể cung cấp công suất như bình thường”.

Vào đầu tháng 8, nhà điều hành năng lượng hạt nhân EDF của Pháp đã giảm sản lượng tại một nhà máy ở miền tây nam do nhiệt độ sông Garonne tăng cao. Cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo với các lò phản ứng dọc sông Rhone.

Theo Reuters, tình trạng thiếu nước gây ra các vấn đề về bảo trì, buộc một lò phản ứng của Pháp phải đóng cửa, gây thêm áp lực lên lưới điện châu Âu.

 

Thủy điện cũng chịu tác động tương tự khi sản lượng từ các nhà máy ven sông tại châu Âu tính đến đầu tháng 7 thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2021.

Sản lượng thủy điện tại Italy giảm 5.039 GWh so với mức trung bình, Pháp giảm 3.939 GWh, Bồ Đào Nha giảm 2.244 GWh. Mực nước hồ chứa tại Bulgaria, Montenegro, Na Uy, Romania, Tây Ban Nha cũng thấp hơn.

Tại Tây Ban Nha lượng nước được tích trữ trong các hồ chứa chỉ ở mức khoảng 38%. Ở Bồ Đào Nha, lượng nước trong các hồ chứa chỉ bằng 1/2 so với mức trung bình của 7 năm trước.

Trong khi đó, tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ tạm thời bảo dưỡng đường ống khí đốt tới EU. Giá khí đốt đã tăng mạnh vào hôm 19/8 sau thông báo trên và hiện đã gấp đôi so với một năm trước.

Chính phủ tại Berlin đã đồng ý đưa 24 nhà máy nhiệt điện than trở lại nhằm tiết kiệm khí đốt cho mùa đông. Luật đã được thông qua vào tháng 7 nhưng chỉ có một nhà máy than hoạt động trở lại do các vấn đề về nguồn cung. Hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước sông Rhine xuống thấp, làm các xà lan chở than không thể mang đầy tải trọng.

Không thể khởi động lại nhiều nhà máy điện than đồng nghĩa với việc Đức phải dùng đến những nguồn năng lượng khác, như hạt nhân hay khí đốt. Các nhà máy điện hạt nhân của Đức đã quá tuổi, trong khi nguồn khí đốt quý báu cần được tích trữ cho mùa đông.

Báo động về vụ thu hoạch

Sky News cho biết, hạn hán chưa từng có trong mùa hè này cũng đang gây tổn hại cho nông nghiệp châu Âu. Về cây trồng, "điều kiện thời tiết đặc biệt nóng và khô ở các khu vực rộng lớn tại châu Âu tiếp tục làm giảm đáng kể triển vọng năng suất", người phát ngôn Ủy ban châu Âu Johannes Bahrke  nói.

Thu hoạch ngô, đậu tương và hướng dương sẽ thấp hơn 12-16% so với mức trung bình trong 5 năm qua.

Năng suất của một số loại lương thực quan trọng có thể sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong năm nay.

Tại Romania, nhà sản xuất ngô lớn thứ hai của EU, việc thiếu mưa kể từ mùa xuân đã bắt đầu làm ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng mùa hè, dự kiến ​​sẽ thấp hơn mức trung bình 5 năm, theo cơ quan giám sát mùa vụ của EU.

Theo Reuters, tại khu vực Homokhatsag (Sand Ridge), Hungary, nằm giữa hai con sông Danube và Tisza, với các loại cây trông như ngô, ngũ cốc và hoa hướng dương thường nhận được lượng mưa từ 550 đến 600 mm hàng năm. Tuy nhiên, dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Hungary cho thấy trong nửa đầu năm 2022, khu vực này chỉ nhận được 120-150 mm mưa.

Nông dân trên khắp Hungary đã báo cáo thiệt hại do hạn hán "lịch sử" ảnh hưởng đến khoảng 550.000 ha đất, Bộ Nông nghiệp cho biết vào tháng 7.

Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, thu hoạch ngô năm nay dự kiến ​​sẽ thấp hơn 18,5% so với năm 2021. Trong khi đó, tình trạng thiếu thức ăn cho bò vì hạn hán đồng nghĩa với việc thiếu sữa trong những tháng tới.

Các khu vực miền bắc Italy có nguy cơ mất tới một nửa sản lượng nông nghiệp do hạn hán, vì đa phần các hồ và sông đang ở mức thấp nguy hiểm. Các con sông khác tại miền trung Italy cũng thấp hơn nhiều so với mức bình thường vào thời điểm này trong năm.

Nông dân ở Tuscany, trung tâm của ngành sản xuất rượu vang và dầu ô liu của Italy đang chiến đấu để cứu vãn vụ mùa năm nay khỏi hạn hán và nắng nóng. Sự thiếu hụt lượng mưa kể từ mùa xuân thậm chí còn ảnh hưởng đến các loài thực vật ưa nóng.

Minh Quang