|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sông ngòi cạn khô, Trung Quốc thiếu từ nước uống đến nước làm thủy điện

08:49 | 23/08/2022
Chia sẻ
Nhiệt độ cao bất thường và hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng tới nhiều khu vực của Trung Quốc, làm cho mùa màng thất thu cũng như gây ra thiếu nước trên diện rộng.

Xe tải chở nước uống đến cho người dân ở một ngôi làng tại thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, ngày 13/8/2022. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Dân thiếu nước uống

Tình trạng thiếu mưa dài ngày đã gây ra những tác hại ghê gớm tại siêu thành phố Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Quốc. Truyền thông nhà nước cho biết nhiều xe cứu hỏa đã được sử dụng để chở nước uống cũng như nước tưới tiêu tới cho các ngôi làng ở vùng ngoại ô xa xôi.

Lượng mưa ở Trùng Khánh trong năm nay chỉ bằng khoảng một nửa mức thường thấy hàng năm và nhiều kênh rạch, sông ngòi nhỏ đã khô cạn hoàn toàn.

Theo AP, nhà chức trách đã phải đưa ra cảnh báo tới người dân khi nhiệt độ ngoài trời vượt ngưỡng 40 độ C. Nhiệt độ tại nhiều địa phương khác trong năm nay cũng đã phá kỷ lục lịch sử.

Đợt hạn hán tại Trùng Khánh đã gây ảnh hưởng tới 600.000 người, và 36.700 ha cây trồng, Tân Hoa Xã cho hay. Tỉnh Hồ Bắc kế bên cũng bị thiệt hại nặng nề với nhiều khu vực báo cáo vụ mùa mất trắng vì hạn hán.

Mực nước trên sông Dương Tử giảm sút, trơ ra lòng sông khô nứt nẻ, ngày 16/8/2022. (Ảnh: AP).

 

Theo tờ The Guardian, tình trạng khô hạn đã ảnh hưởng tới ít nhất 2,46 triệu người và 2,2 triệu ha đất nông nghiệp ở các tỉnh Tứ Xuyên, Hà Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy và Trùng Khánh.

Thống kê của Bộ Nguồn nước Trung Quốc cho thấy tính đến ngày 17/8, nguồn nước cho khoảng 830.000 người dân tại 6 tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán, hơn 300.000 người gặp khó khăn ngay cả với việc tiếp cận nước uống.

Chính quyền Trung Quốc đã phải trực tiếp cứu trợ cho nhiều người dân. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm dùng xe tải chở nước tới từng ngôi làng.

Không đủ nước cho thủy điện, nông nghiệp.

Nhiều con sông tại Trung Quốc - bao gồm một số đoạn của sông Dương Tử - đã khô trơ đáy vì nắng nóng, gây gián đoạn nghiêm trọng tới ngành thủy điện, vận tải thủy nội địa và buộc nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động.

Hôm 19/8, Trung Quốc đã phải cảnh báo tình trạng hạn hán toàn quốc lần đầu tiên trong 9 năm. Các chuyên gia dự báo đợt nắng nóng hiện nay có thể sẽ còn kéo dài sang tháng 9.

Lượng nước ít ỏi chảy về hệ thống đập thủy điện rộng lớn của Trung Quốc đã gây ra “tình thế nguy cấp” ở tỉnh Tứ Xuyên. Khoảng 80% lượng điện của địa phương này đến từ thủy điện.

Hôm 21/8, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên công bố mức cảnh báo cao nhất là “đặc biệt nghiêm trọng” khi lượng nước vào các hồ thủy điện đã giảm một nửa so với bình thường. Trong khi đó, nhu cầu điện trong mùa hè này lại tăng 25%.

Tuần trước, tỉnh Tứ Xuyên đã phải cắt hoàn toàn hoặc hạn chế cung cấp điện cho hàng nghìn nhà máy, đồng thời giảm tiêu thụ điện của người dân.

Foxconn, Toyota và Tesla nằm trong số những doanh nghiệp lớn phải tạm dừng sản xuất ở một vài nhà máy trong nửa tháng qua. Hôm 21/8, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết kế hoạch nối lại sản xuất trong tuần này đã bị hoãn lại.

Sông Dương Tử còn có tên khác là sông Trường Giang, là con sông dài nhất châu Á và dài thứ 3 thế giới. Con sông này cung cấp nước uống cho khoảng 400 triệu người Trung Quốc và là tuyến đường thủy quan trọng nhất đối với nền kinh tế tỷ dân. Sông Dương Tử cũng đóng vai trò thiết yếu đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên trong mùa hè 2022, mực nước trên con sông này đã xuống thấp kỷ lục, nhiều khúc sông và hàng chục phụ lưu cạn trơ đáy.

Lượng nước ở dòng chính của sông Dương Tử hiện thấp hơn 50% so với mức trung bình 5 năm trước. Tuyến đường thủy nội địa ở đoạn giữa và hạ lưu của con sông này hiện không thể khai thác được, SCMP cho biết.

Dương Tử là con sông dài nhất Trung Quốc và thứ 3 thế giới.

Chính quyền Trung Quốc ở nhiều nơi đang gấp rút thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung nước và điện trong bối cảnh mùa thu hoạch các loại cây trồng cần nhiều nước như lúa và đậu tương đang tới gần.

Hôm Chủ nhật (21/8), nhà chức trách đã xả 980 triệu m3 nước từ các hồ chứa nhằm hỗ trợ hoạt động thủy lợi ở phía hạ lưu, truyền thông nhà nước cho hay.

Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc tuần trước ước tính đợt nắng nóng riêng trong tháng 7 đã trực tiếp gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 2,73 tỷ nhân dân tệ (tương đương 400 triệu USD) và ảnh hưởng tới 5,5 triệu người.

Tại Trùng Khánh, mực nước sông Dương Tử xuống thấp đã để lộ ra những pho tượng Phật cổ khoảng 600 năm tuổi.

Nước sông Dương Tử cạn đi để lộ ra tượng Phật ở đáy sông, tại Trùng Khánh ngày 20/8/2022. (Ảnh: Reuters).

Các con sông trên khắp thế giới đang khô hạn thêm từng ngày khi các đợt nắng nóng kỷ lục liên tục diễn ra. Sông Rhine ở Đức, Loire ở Pháp, Colorado và Mississipi ở Mỹ, … đều không phải ngoại lệ.

Nhà chức trách Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định hạn hán và nắng nóng là do biến đổi khí hậu gây ra. Bà Chen Lijuan, chuyên gia dự báo tại Trung tâm Khí hậu Bắc Kinh đã miêu tả tình trạng hạn hán và nắng cháy hiện nay như là một chiếc “nồi áp suất”.

“Chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng các đợt nắng nóng tương tự sẽ xảy ra thường xuyên trong tương lai và sẽ trở thành bình thường mới”, bà Chen nói.

Tác động tức thời của tình trạng thời tiết khắc nghiệt đối với nguồn cung điện năng đã gây áp lực lên cam kết khí hậu của Bắc Kinh. Tuần trước, Phó Thủ tướng Hàn Chính tuyên bố chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ cho các nhà máy nhiệt điện than.

Đức Quyền