|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung lương thực toàn cầu cùng lúc chịu ba cú sốc: Lũ lụt, hạn hán và giá lạnh

10:47 | 26/07/2021
Chia sẻ
Thời tiết khắc nghiệt đang gây hại đến mùa màng trên khắp thế giới, kéo theo rủi ro lạm phát lương thực giữa lúc giá thực phẩm đã gần chạm mức cao nhất trong một thập kỷ.

Đợt lạnh kỷ lục trong hơn hai thập kỷ tại Brazil đang giáng một đòn chí mạng vào thủ phủ cà phê của thế giới. Lũ quét ở vùng trọng điểm nuôi heo của Trung Quốc đang làm ngập lụt các trang trại và làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh trên động vật.

Giữa lúc đó, đợt nắng nóng và hạn hán kinh hoàng đang tàn phá mùa màng ở cả hai bên biên giới Mỹ - Canada. Và ở châu Âu, những trận mưa lớn liên tục đang làm tăng rủi ro nấm bệnh trên ngũ cốc cũng như khiến nông cụ chết máy trên những cánh đồng ngập nước.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã cảnh báo về các sự kiện bất thường này. Biến đổi khí hậu và thời tiết biến động sẽ khiến hoạt động sản xuất lương thực trở nên khó khăn hơn, các nước nghèo nhất thường chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong một số trường hợp còn có thể phát sinh bất ổn xã hội và chính trị.

Trước khi hạ nhiệt vào tháng 6, Chỉ số Giá Lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tăng trong 12 tháng liên tiếp cho đến tháng 5 lên 124,6 điểm, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Agnes Kalibata, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực năm 2021 và là cựu Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Rwanda, cho hay: "Các sự việc xảy ra ở một vài nơi trên thế giới đang tác động đến tất cả chúng ta".

Đơn cử như Brazil, đây là nhà xuất khẩu đường và nước cam lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất ngô và đậu nành quan trọng. Brazil chiếm khoảng 40% sản lượng cà phê arabica thu hoạch trên toàn cầu, một nguyên liệu chính trong cốc Starbucks của người tiêu dùng.

"Không có quốc gia nào có thể tác động đến điều kiện của thị trường thế giới bằng Brazil. Bất kể điều gì xảy ra ở đất nước Nam Mỹ này cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi người", ông Michael Sheridan, quản lý cấp cao của hãng bán lẻ cà phê Intelligentsia Coffee, nhấn mạnh.

Nắng nóng thiêu đốt ở Bắc Mỹ

Thời tiết khô hạn kết hợp cùng nắng nóng kỷ lục đã gây ra hàng trăm vụ cháy rừng ở Canada, một số xảy ra trên diện rộng. Hỏa hoạn nghiêm trọng ở cực tây của tỉnh British Columbia đến mức hàng nghìn toa tàu chở ngũ cốc xuất khẩu phải tạm dừng hoạt động trong nhiều tuần.

Hạn hán cũng đang làm khô héo cây trồng ở vùng trồng ngũ cốc trọng điểm của Canada và miền bắc nước Mỹ. Nông dân buộc phải thu gom những thân lúa mì và lúa mạch năng suất thấp để bán làm thức ăn cho gia súc.

Nguồn cung lương thực toàn cầu cùng lúc chịu ba cú sốc: lũ lụt, hạn hán và giá lạnh - Ảnh 1.

Cháy lớn ở một cánh rừng ở British Columbia, ngày 29/6. (Ảnh: Reuters).

Giá lúa mì tại khu vực Bắc Mỹ, nguyên liệu chính để chế biến bánh mì và vỏ bánh pizza, gần đây đã chạm mức đỉnh trong hơn 8 năm.

Hơn nữa, đến các loài động vật có vỏ ở khu vực tây bắc của Thái Bình Dương cũng trở thành nạn nhân của cái nóng khắc nghiệt, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh vật biển, Bloomberg thông tin thêm.

Đợt lạnh kỷ lục ở Brazil

Thời tiết lạnh cực đoan đã tàn phá các vùng trồng cà phê arabica lớn ở Brazil. Đặc biệt, đợt lạnh này còn làm chết cây non, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hơn cho nông dân và làm ảnh hưởng đến sản lượng trong nhiều năm.

Nguồn cung lương thực toàn cầu cùng lúc chịu ba cú sốc: lũ lụt, hạn hán và giá lạnh - Ảnh 2.

Sương giá đọng trên những cây cà phê ở thành phố Cristais Paulista, São Paulo, Brazil. (Ảnh: Jonas Ferraresso).

Bà Judy Ganes, chuyên gia tư vấn hàng hóa với kinh nghiệm hơn 30 năm, cho biết việc cây non bị chết có thể gây hại cho mùa màng thậm chí đến hơn hai năm kể từ bây giờ. Nông dân sẽ phải giảm thiểu thiệt hại hoặc trồng lại cây mới.

Lũ lụt ở Trung Quốc

Tình trạng ngập lụt ở tỉnh Hà Nam, một trung tâm sản xuất nông nghiệp và thực phẩm ở đất nước tỷ dân, hiện đã được kiểm soát nhưng giới chức Bắc Kinh vẫn đang theo sát để xem tình hình có dấu hiệu gián đoạn nghiêm trọng hơn hay không.

Trong khi một số trang trại nuôi heo và trồng ngô bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn thời gian gần đây, hầu hết hoạt động sản xuất đều nằm cách xa vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Nguồn cung lương thực toàn cầu cùng lúc chịu ba cú sốc: lũ lụt, hạn hán và giá lạnh - Ảnh 3.

Nước lũ cao ngang thân người ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Getty Images).

Nỗi lo lớn hơn ở thời điểm này là khả năng lây lan các dịch bệnh trên động vật, bao gồm dịch tả heo châu Phi (ASF). Đến nay, đàn heo của Trung Quốc chỉ vừa phục hồi sau đợt bùng phát kinh hoàng vào năm 2018 khiến một nửa đàn heo phải mang đi tiêu hủy.

Cuối tuần trước, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ xuất hiện bệnh trên vật nuôi sau trận lũ lụt ở tỉnh Hà Nam. Bộ này cho biết dịch bệnh có thể lây lan từ động vật chết cũng như qua đất và nước bị ô nhiễm.

Chính quyền địa phương được khuyến cáo nên vớt xác động vật khỏi các hồ và sông, khử trùng chuồng trại thường xuyên hơn và nghiêm cấm việc buôn bán cũng như chế biến vật nuôi đã chết.

Châu Âu cũng ngập trong nước

Mùa hè năm nay tại châu Âu, mưa lớn đã gây ngập úng ở nhiều thị trấn của Đức và Bỉ, gây hại đến nhiều loại ngũ cốc và làm chậm quá trình thu hoạch mùa màng.

Trước đó, châu Âu cũng từng hứng chịu một đợt lạnh giá vào mùa xuân, các loại cây trồng từ củ cải đường đến cây ăn quả đều bị hư hại. Các vườn nho ở Pháp và một số khu vực khác cũng bị ảnh hưởng.

Mặc dù sản lượng lúa mì của châu Âu được dự đoán là sẽ tăng trong năm nay, một phần thu hoạch có thể phải đem cho gia súc chứ không thể chế biến thành nguyên liệu làm bánh mì. Điều này có thể đe dọa các chuyến hàng đến Bắc Phi, nơi phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu ngũ cốc chất lượng cao từ khu vực khác.

Khả Nhân