Dịch tả heo châu phi (ASF) là gì và mức độ nguy hiểm
Dịch tả heo châu Phi (ASF) lần đầu xuất hiện tại Kenya, sau đó lây lan nhanh chóng tại nhiều nước châu Phi, đến năm 1957, dịch ASF xuất hiện tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Dịch tả heo châu Phi:
Kể từ năm 2007, gần 1 triệu con heo tại châu Âu đã bị tiêu hủy vì dịch ASF.
Đầu tháng 8/2018 virus ASF đã bùng phát tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới và được phát hiện tại Mông Cổ vào cuối tháng 1/2018.
Tính đến tháng 2/2019, sau 6 tháng kể từ khi ổ dịch đầu tiên bùng phát, nhà sản xuất heo lớn nhất thế giới đã báo cáo phát hiện dịch ASF tại 26 tỉnh, thành với gần 1 triệu con heo bị tiêu hủy.
Trung Quốc đã triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng và chống dịch ASF, gồm cả việc cấm vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo trong tỉnh và liên tỉnh kể từ khi dịch bùng phát, song vẫn không thể kiếm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Virus ASF gây ra bệnh sốt xuất huyết ở heo với khả năng lây lan nhanh ở mọi lứa tuổi, loại heo và tỉ lệ tử vong lên tới 100% đối với những con heo nhiễm bệnh.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), dịch bệnh hiện chưa có vacxin phòng chống, nhưng không gây nguy hiểm cho con người.
Dịch ASF một khi xuất hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi tại khu vực đó.
Để ngăn chặn dịch ASF lây lan, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện "5 KHÔNG" theo đúng quy định của Luật thú y gồm không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi heo.
Tại Việt Nam, dịch tả heo châu Phi chính thức được phát hiện vào ngày 19/2/2019 tại hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.
Tính đến ngày 5/3, ASF đã lây lan đến 8 tỉnh thành gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình.
Tạm tính đến ngày theo các con số được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, đã có 3.928 con heo phải tiêu hủy trên cả nước.