Liệu Đức có duy trì được các nhà máy điện hạt nhân khi thiếu hụt khí đốt?
Hiện nay, các nhà điều hành lưới điện đang kiểm tra hệ thống truyền tải để đánh giá những nguy cơ do cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt từ Nga, khi mùa đông đến gần. Kết quả dự kiến sẽ sớm được công bố.
Theo Reuters, các nhà quan sát cho rằng kết quả cuộc kiểm tra có thể thúc đẩy Chính phủ Đức tăng tuổi thọ cho các lò phản ứng hạt nhân.Đức đang phải tìm cách bổ sung nguồn cung điện cho nền kinh tế và ngăn chặn suy thoái, khi nguy cơ Nga ngừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt ngày càng tăng.
Cựu Thủ tướng Angela Merkel đã khởi xướng đưa ra luật ngừng sử dụng điện hạt nhân sau sự cố tại nhà máy Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản, với đa số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều người đang thay đổi quan điểm giữa những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.
Việc đảo ngược hay trì hoãn kế hoạch dừng hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân sẽ khiến các doanh nghiệp tiện ích như E.ON, RWE và EnBW phải sắp xếp lại kế hoạch hoạt động, bổ sung nhân viên, trong khi chính phủ cần giải quyết các vấn đề về pháp lý, an toàn. Dưới đây là lời giải đáp cho một số thắc mắc liên quan đến vấn đề trên.
Vì sao Đức cần những lò phản ứng hạt nhân?
Nga đã giảm nguồn cung khí đốt cho Đức thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống chỉ còn 20% công suất. Nga cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine đang cản trở quá trình sửa chữa thiết bị.
Trong khi đó, châu Âu cho rằng lập luận của Nga chỉ là cái cớ để giảm nguồn cung và Moscow đang sử dụng khí đốt như một vũ khí chính trị. Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ quan điểm này.
Đức, khách hàng mua khí đốt đơn lẻ lớn nhất của Nga, đã cắt giảm 15% lượng sử dụng nhiên liệu này trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2022. Mặc dù đang khai thác các nguồn cung khác, Đức vẫn phụ thuộc vào Nga.
Cơ quan quản lý năng lượng Bundesnetzagentur (Đức) cho biết nguồn cung thắt chặt đồng nghĩa với việc sẽ có những khó khăn trong đáp ứng nhu cầu sưởi ấm của người tiêu dùng và đảm bảo hoạt động cho các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, đà tăng của giá khí đốt cũng khoét sâu mối lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt đóng góp khoảng 15% sản lượng điện. Các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện chạy than có thể thay thế một phần mức đóng góp của các nhà máy chạy bằng khí đốt. Việc sử dụng ít khí đốt hơn để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm của 41 triệu hộ gia đình Đức có thể giúp cho các ngành công nghiệp có thêm nhiên liệu đầu vào.
E.ON, RWE và EnBW đang điều hành 4.300 MW điện hạt nhân thông qua các lò phản ứng Isar 2, Emsland và Neckarwestheim 2. Cùng với ba lò phản ứng khác đã ngừng hoạt động vào cuối năm ngoái, điện hạt nhân có thể đóng góp 12% sản lượng điện.
Ngoài ra, Đức cũng có điện gió, điện Mặt Trời và đang phát triển các kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Ngày 16/8, Đức đã nhận được cam kết từ các nhà nhập khẩu lớn về việc duy trì hai kho cảng LNG từ mùa đông năm nay. Theo biên bản ghi nhớ (MoU) với các công ty Uniper, RWE và VNG của EnBW, hai hệ thống FSRU (hệ thống quan trọng trong vận chuyển và lưu trữ LNG bằng đường biển) sẽ có nguồn cung cấp đầy đủ bắt đầu từ mùa đông cho đến tháng 3/2024.
Quan điểm của các doanh nghiệp tiện ích
Giám đốc điều hành (CEO) E.ON, ông Leonhard Birnbaum cho biết doanh nghiệp này có thể tăng tuổi thọ của lò phản ứng Isar 2 thêm vài tháng cho tới sang năm 2023 mà không cần bổ sung thêm thanh nhiên liệu mới.
CEO của RWE, ông Markus Krebber nhận định về mặt lý thuyết các nhà máy điện hạt nhân có thể tiếp tục hoạt động cho đến những tuần đầu của năm tới, song để hoạt động lâu hơn nữa sẽ cần thêm các thanh nhiên liệu mới.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần đưa ra quyết định về việc có “hồi sinh” các nhà máy đã đóng cửa năm 2021 hay không. Giám đốc tài chính của EnBW cũng có quan điểm tương tự.