|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Có đến 1/6 hộ gia đình Mỹ không trả nổi tiền điện

10:47 | 24/08/2022
Chia sẻ
Giá điện tại Mỹ đã tăng khoảng 15% chỉ trong tháng 7, do đó dù các hộ gia đình có tiết kiệm điện thì hóa đơn cũng không giảm. Chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ chứng kiến một đợt cắt điện quy mô lớn trong thời gian tới.

Khoảng 20 triệu hộ gia đình Mỹ đã trễ hạn thanh toán hóa đơn điện nước, phí vệ sinh... (Ảnh:  Bloomberg). 

Làn sóng cắt điện khổng lồ 

Buổi sáng ngày 25/7, cô Adrienne Nice tỉnh dậy và nhận ra cơn ác mộng đã trở thành hiện thực. Công ty điện lực Xcel Energy đã cắt điện căn hộ nhỏ nơi cô sống cùng con trai ở Minneapolis giữa lúc đợt nắng nóng ập vào thành phố.

Cô Nice đã gặp khó khăn về tài chính kể từ khi đại dịch xuất hiện, nợ hơn 3.000 USD hóa đơn tiền điện. Cô đã chuẩn bị tinh thần khi nhận được “Thông báo cuối cùng”, nhưng vẫn thấy hụt hẫng khi tủ lạnh tối om và điều hòa im phăng phắc. Cô cần sớm có điện trở lại để sống qua đợt nắng nóng 35 độ C sắp đến.

Nhà cô Nice chỉ là một trong khoảng 20 triệu hộ gia đình tại Mỹ - tức là 1/6 hộ gia đình trên toàn quốc – trễ hạn thanh toán hóa đơn tiện ích (điện, nước, khí đốt, phí vệ sinh,...).

Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà Hiệp hội Giám đốc Hỗ trợ Năng lượng Quốc gia Mỹ (NEADA) từng ghi nhận. Theo Bloomberg, căn nguyên chính của cuộc khủng hoảng là sự gia tăng chóng mặt của giá điện, được thúc đẩy bởi đà tăng khủng khiếp của khí tự nhiên.

 

Khủng hoảng tiền điện ở châu Âu thậm chí còn tồi tệ hơn. Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã vội vã hành động, phê duyệt hàng tỷ USD hỗ trợ các gia đình khó khăn để giúp họ thanh toán hóa đơn. Nhưng tại Mỹ, các chính trị gia hầu như không nhắc đến vấn đề này. Nỗi lo của họ tập trung chủ yếu vào giá xăng dầu.

Tuy nhiên, việc cắt điện có thể tạo ra hậu quả chết người trong bối cảnh nắng nóng chạm mốc kỷ lục. Trong lúc giá cả mọi thứ leo thang, ngày càng nhiều người phải đối mặt với sự lựa chọn giữa thực phẩm, nhà ở và năng lượng.

Bà Jean Su, chuyên gia pháp lý cấp cao tại Trung tâm Đa dạng Sinh học, nơi theo dõi hoạt động ngắt dịch vụ tiện ích trên toàn nước Mỹ cho biết: “Tôi dự kiến chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng cắt điện khổng lồ”.

Tương lai tăm tối

Công ty điện lực và khí đốt PG&E ở California nhận thấy kể từ tháng 2/2020, số khách hàng dân cư trễ hạn thanh toán đã tăng hơn 40%. Còn đối với công ty Public Service Enterprise Group ở New Jersey, số khách hàng trễ hạn từ 90 ngày trở lên nhảy vọt hơn 30% - và mới chỉ tính từ tháng 3 năm nay.

Giá điện trung bình mà người tiêu dùng phải trả trong tháng 7 năm nay tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ năm 2006. Dự kiến đà tăng sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới.

Ngay cả tại nước định hướng thị trường tự do như Mỹ, các biện pháp kiểm soát giá điện của chính phủ khiến các nhà cung cấp khó có thể ngay lập tức đẩy chi phí nhiên liệu cao sang phía người tiêu dùng, do vậy các đợt tăng gần đây rất có thể chỉ là màn dạo đầu.

Trong những ngày đầu của đại dịch, một số bang và nhà cung cấp đã tạm ngừng việc ngắt điện, bảo vệ các khách hàng rơi vào hoàn cảnh khó khăn như cô Nice. Nhưng những biện pháp này kết thúc đúng lúc lạm phát tăng tốc. Theo NEADA, các hộ gia đình Mỹ đang nợ khoảng 16 tỷ USD hóa đơn năng lượng trễ hạn, gấp đôi tổng số tiền trước đại dịch.

Số dư nợ trung bình đã tăng 97% kể từ năm 2019 lên 792 USD. Ông Mark Wolfe, Giám đốc điều hành của NEADA nhận xét: “Hóa đơn tiền điện vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ gia đình. Những gia đình nghèo khó không thể thanh toán nổi”.

 

Các công ty tiện ích tư nhân ở Mỹ thường không bị thiệt hại tài chính từ các chồng hóa đơn trễ hạn của khách hàng. Đó là vì các bang thường cho phép doanh nghiệp thu hồi lỗ bằng cách áp thêm phí vào các khách hàng trả được hóa đơn, hoặc chính quyền địa phương dùng tiền thuế để thanh toán hộ.

Trong trường hợp của cô Nice, nhà cô chỉ bị cắt điện ba ngày. Tổ chức phi lợi nhuận Citizens Utility Board of Minnesota đã giúp cô thương lượng kế hoạch thanh toán với Xcel. Trường hợp như cô Nice không hiếm. Xcel cho biết doanh nghiệp chỉ cắt điện của khách hàng khi không còn sự lựa chọn khác.

Giám đốc Wolfe của NEADA cũng nói rằng khoảng 80% khách hàng Mỹ bị cắt các diện vụ tiện ích sẽ được khôi phục lại trong vài ngày. Nhưng 20% còn lại có thể sắp bị trục xuất hoặc trở thành người vô gia cư. 

Cần thêm sự giúp đỡ

Chính phủ Mỹ có Chương trình Hỗ trợ Năng lượng cho Gia đình Thu nhập Thấp (Liheap), nhưng quy mô còn kém xa so với trợ cấp năng lượng mà một số nước châu Âu và châu Á cung cấp.

Theo tờ Bloomberg, ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính quyền hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình. Hồi đầu tháng 8, một nhóm gần 60 nghị sĩ lưỡng đảng đã kêu gọi bổ sung tài trợ khẩn cấp cho Liheap trong năm 2023 ngoài số tiền 4 tỷ USD được phân bổ ban đầu.

Hồi tháng 7, Hội đồng Thành phố New Orleans đã đề nghị Entergy tự nguyện ngừng việc cắt điện trong những tháng mùa hè nắng nóng và công ty đã đồng ý. Tuy nhiên, Giám đốc Wolfe cho rằng hoãn nợ chỉ là biện pháp tạm thời. Ông dự đoán việc ngắt điện sẽ gia tăng trên toàn nước Mỹ: “Lạm phát đang gây ảnh hưởng lớn đến mọi người. Các công ty điện không thể xử lý một lượng lớn người không thể trả hóa đơn”.

Mùa hè ngày càng nóng bức đang làm gia tăng nguy cơ tử vong đối với một số người bị mất điện. Trong giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm Mỹ ghi nhận 188 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng. Con số bình quân của 5 năm trước đó chỉ là 81 trường hợp.

 

Ông David Konisky, đồng Giám đốc của Phòng thí nghiệm Công bằng Năng lượng cũng có chung nhận định rằng việc ngắt điện “sẽ càng tồi tệ hơn trong những năm tới. Các đợt nắng nóng làm tăng nhu cầu năng lượng, đẩy giá lên cao”.

Giang