Giá sinh hoạt và nhà ở đắt đỏ, dân số châu Âu có thể giảm một nửa vào năm 2100
Theo The Telegraph, dân số của châu Âu có thể sẽ giảm một nửa trong thế kỷ này khi giá nhà tăng phi mã và ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa COVID khiến các cặp đôi có ít con hơn.
Nhà kinh tế James Pomeroy tại ngân hàng HSBC cho biết châu lục già có thể chỉ còn là nơi sinh sống của khoảng 350 triệu người vào cuối thế kỷ 21, giảm một nửa so với hơn 700 triệu ngày nay.
Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), chỉ tính riêng khu vực Liên minh châu Âu (chiếm hơn một nửa dân số châu Âu), dân số trong năm 2020 và 2021 đã liên tục giảm. Kể từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022, dân số của EU đã tụt từ 447 triệu người xuống chỉ còn 446,8 triệu.
Ông Pomeroy nói: “Mặc dù phát triển kinh tế thường làm giảm tỷ lệ sinh nhưng tại các quốc gia phát triển, có một số bằng chứng cho thấy tỷ lệ sinh đang bị kìm hãm bởi giá nhà tăng cao, điều này khiến các cặp vợ chồng hoãn sinh con đầu lòng”.
“[Nguyên nhân] một phần do mọi người có xu hướng kết hôn muộn hơn, nhưng đồng thời cũng vì phải tiết kiệm lâu hơn để có được một ngôi nhà cho gia đình”, ông nói thêm.
Kể từ khi đại dịch COVID hoành hành, nhu cầu bất động sản lớn đã làm cho những ngôi nhà trở nên đắt đỏ hơn trên khắp thế giới. Ông Pomeroy nói: “Trong những năm qua, giá nhà đã tăng rất cao, đặc biệt khi so với thu nhập”.
“Ở Đức, Hà Lan, Canada và New Zealand, giá nhà so với thu nhập đã tăng 30% kể từ năm 2015. Đối với nhiều hộ gia đình trẻ và có mức thu nhập thấp, những ngôi nhà đủ lớn để nuôi một gia đình hiện đã quá xa tầm với”, ông cho hay.
Xu hướng này không chỉ diễn ra tại châu Âu, mà còn ở nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển trên khắp thế giới.
Theo xu hướng hiện tại, dân số Trung Quốc có thể giảm từ 1,42 tỷ người xuống chỉ còn 1,17 tỷ người vào năm 2050, trong khi Hong Kong thu hẹp từ 7,5 triệu xuống 6,7 triệu người.
Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, tăng từ 1,42 tỷ trong năm nay lên 1,55 tỷ vào giữa thế kỷ 21.
Mỹ, quốc gia có tỷ lệ sinh cao hơn Trung Quốc cũng như có truyền thống cởi mở với người di cư, sẽ đạt quy mô dân số 345 triệu người vào năm 2050, tăng so với con số 338 triệu hiện nay.
HSBC cho biết việc mua nhà nằm ngoài khả năng của các cặp vợ chồng trung bình ở độ tuổi 20 tại Anh. Khoản thế chấp mua nhà hiện nay đang gấp 4,5 lần thu nhập của người trẻ.
Ông Pomeroy nói thêm: “Thu nhập cần phải cao hơn mức trung bình gần 20% để người trẻ có thể mua một căn nhà. Và một ngôi nhà 3-4 giường (cho một gia đình) sẽ còn đắt đỏ hơn giá của những ngôi nhà bình thường”.
Giá nhà trung bình tại Anh đạt 286.000 bảng Anh/căn vào tháng 6, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - tăng 7,8%, tương đương 20.000 bảng trong vòng một năm.
Mặc dù tăng trưởng giá đã chậm lại trong thời gian gần đây, nhưng giá nhà của tháng 6 so với tháng 5 vẫn chênh lệch gần 3.000 bảng.
Trong khi đó, chi phí sinh hoạt đang tăng nhanh chóng trên khắp châu Âu, do nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID kết hợp với việc xung đột Ukraine làm lạm phát của nhiều nước chạm hai mức con số.
Ông Pomeroy cho biết "các cặp vợ chồng nghĩ đến việc lập gia đình có thể phải suy nghĩ kỹ lưỡng” vì chi phí nuôi con và áp lực lớn về tài chính.
Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, ông kỳ vọng dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh sớm nhất vào năm 2043, nhanh hơn 4 thập kỷ so với dự báo của Liên Hợp Quốc, ngay cả sau khi tổ chức này đã cắt giảm dự đoán về tỷ lệ sinh.
Tăng trưởng chững lại
Tỷ lệ sinh giảm sẽ dẫn đến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn, đồng thời tạo ra những thách thức đối với tài chính công do có ít lao động trẻ hơn để trả thuế cho những dịch vụ mà người cao tuổi cần như lương hưu hay bảo hiểm, HSBC lưu ý.
Ngân hàng nước Anh cho biết thêm rằng các khoản nợ chính phủ sẽ trở nên “kém bền vững hơn” vì ngày càng ít người làm việc để đóng thuế, khiến chính phủ khó trang trải nợ nần hơn.
Các giải pháp tiềm năng bao gồm khuyến khích mọi người sinh thêm con, nhưng HSBC cảnh báo rằng "nỗ lực tăng tỷ lệ sinh thường chỉ mang lại thành công hạn chế".
HSBC đề xuất giảm chi phí chăm sóc trẻ em, thúc đẩy nhập cư để thu hút nhiều lao động hơn, tuy nhiên ngân hàng cũng thừa nhận rằng “giải pháp này có thể không được ủng hộ về mặt chính trị tại nhiều quốc gia”.