|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc quyết tăng tỷ lệ sinh, tránh khủng hoảng nhân khẩu học

13:09 | 18/08/2022
Chia sẻ
Trung Quốc đang nỗ lực khuyến khích tăng tỷ lệ sinh, đảo ngược chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ nhằm đảm bảo ổn định quy mô dân số và sự phát triển kinh tế.

Theo The Guardian, chính phủ Trung Quốc đang cam kết cải thiện các dịch vụ trước và sau sinh, đồng thời nhấn mạnh "không khuyến khích" nạo phá thai để tìm cách xoay chuyển tỷ lệ sinh đang giảm. Các biện pháp do Ủy ban Y tế Quốc gia công bố bao gồm giúp các phương pháp hỗ trợ sinh sản trở nên dễ tiếp cận hơn.

Trong nhiều năm, các nhà chức trách gợi ý việc mở rộng khả năng tiếp cận thụ tinh ống nghiệm cho cả phụ nữ độc thân. Hiện tại, phương pháp này vẫn chỉ giành cho các cặp vợ chồng đã kết hôn.

Ủy ban sẽ hướng dẫn chính quyền địa phương và các tổ chức y tế thực hiện những thay đổi, bao gồm việc cung cấp “các dịch vụ cho quần chúng thông qua giáo dục sức khỏe, tư vấn tâm lý, dịch vụ y học cổ truyền Trung Quốc, điều trị bằng thuốc, phẫu thuật, công nghệ hỗ trợ sinh sản và các phương tiện khác để nâng cao trình độ phòng ngừa và điều trị vô sinh”.

Các chiến dịch giáo dục sức khỏe sinh sản cũng sẽ được thực hiện để nâng cao nhận thức của cộng đồng và “ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn cũng như giảm trường hợp phá thai không cần thiết”.

Những biện pháp trên được mô tả là hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển cân bằng lâu dài của dân số.

Tỷ suất sinh (TFR) hàng năm của Trung Quốc đang tương đương với các quốc gia phát triển.

Những chỉ dẫn mới đây của Ủy ban Y tế Quốc gia đánh dấu nỗ lực toàn diện nhất ở cấp toàn quốc, bao gồm nỗ lực giảm thiểu tình trạng nạo phá thai, vốn dĩ phổ biến trong nhiều năm.

Theo một báo cáo của Ủy ban công bố vào cuối năm 2021, có ít nhất 9,5 triệu ca phá thai đã được thực hiện từ năm 2015 đến 2019, nhưng một số chuyên gia tin rằng con số này còn cao hơn nhiều.

Chính phủ Trung Quốc trước đó đã công khai chủ trương hạn chế “phá thai không dùng thuốc” vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa xác định rõ phá thai “không dùng thuốc” là gì cũng như cách thức triển khai chủ trương này.

Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích người dân sinh thêm con vẫn chưa thành công. Quốc gia này đang tiến gần hơn tới cuộc khủng hoảng nhân khẩu học với tốc độ tăng dân số thấp nhất trong hơn 6 thập kỷ.

Chi phí sinh hoạt cao, kết hôn muộn và thiếu sự di động xã hội thường được cho là những yếu tố góp phần khiến người trẻ Trung Quốc ngại có con. Ngoài ra, tác động của chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của chính phủ, bao gồm cả biện pháp cưỡng ép phá thai trong những năm trước, cũng khiến tỷ lệ sinh tại quốc gia tỷ dân này ngày càng thấp.

Trong những năm gần đây, chính phủ đã dỡ bỏ giới hạn về số lượng con mà một cặp vợ chồng có thể có, đưa ra các khoản khấu trừ thuế và ưu đãi khác, đồng thời tìm cách giải quyết chi phí nuôi dạy trẻ cao, bao gồm cả việc cấm dạy thêm học thêm.

Ông Yi Fuxian, một nhà nghiên cứu sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin-Madison, cho rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn khi chuyển chính sách từ hướng coi mang thai là gánh nặng sang thành mang thai là đóng góp vào sự giàu có cho đất nước.

Trung Quốc đang có tỷ suất sinh thấp hơn khá nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân.

Ông Yi nói rằng việc triển khai các chính sách đối nội không có nhiều tác dụng, vì các cặp vợ chồng không muốn có con, không đủ khả năng, hoặc kết hôn quá muộn khiến họ không thể thực hiện được.

“Tất cả chính sách kinh tế và xã hội [của Trung Quốc] đều xoay quanh việc các gia đình thông thường chỉ có một con. Vì vậy, những người trẻ phản đối bằng cách không sinh con, và giới trẻ Thượng Hải đã hét lên rằng ‘chúng tôi là thế hệ cuối cùng’”, ông Yi nói.

“Chỉ khi bù đắp được từng thiếu sót [về mặt chính sách trên thì Trung Quốc] mới có thể tăng tỷ lệ sinh”. Ông Yi cũng cho biết nhiều nước Đông Á đang phải vật lộn để giải quyết tỷ lệ sinh giảm.

Ông nói: “Ở Đông Á, Nhật Bản là quốc gia hào phóng và thành công nhất trong việc khuyến khích sinh, thông qua các ưu đãi về tiền mặt, trợ cấp nhà ở, trông trẻ, giáo dục, chăm sóc y tế miễn phí cho trẻ dưới 16 tuổi”.

“Mặc dù chi phí bỏ ra rất cao, nhưng hiệu quả lại không tốt. Tỷ lệ suất sinh của Nhật Bản đã tăng từ 1,26 vào năm 2005 lên 1,45 vào năm 2015 và giảm xuống 1,3 vào năm 2021” ông Yi cho hay.

Minh Quang