|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc còn nhiều việc phải làm để giữ đà tăng trưởng

10:59 | 18/08/2022
Chia sẻ
Với việc lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, Trung Quốc sẽ cần hành động quyết liệt hơn để giúp nền kinh tế vượt qua được suy thoái của thị trường bất động sản cũng như ảnh hưởng từ chính sách Zero COVID.

Theo Bloomberg, việc Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất cũng chẳng giúp làm bớt đi sự lo ngại về thị trường bất động sản và suy thoái do chính sách Zero COVID. Các nhà kinh tế và phương tiện truyền thông nhà nước đã kêu gọi những biện pháp kích thích bổ sung.

Trong một bài báo trên trang nhất hôm 16/8, tờ Financial News trích dẫn quan điểm của nhà kinh tế trưởng Wen Bin tại Ngân hàng Minsheng cho rằng Bắc Kinh nên đưa ra những chính sách hỗ trợ mới vào thời điểm thích hợp để giữ tăng trưởng trong phạm vi hợp lý.

GDP của Trung Quốc suy giảm trong quý II/2022.

Tờ Securities Times cho rằng việc cắt giảm lãi suất bất ngờ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) có thể là bước đầu tiên trong một loạt các chính sách nhằm ổn định tăng trưởng.

Ông Lu Ting, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Nomura, mô tả việc giảm lãi suất cho vay trung hạn cho các tổ chức tài chính (MLF) 10 điểm cơ bản (bps) hôm 15/8 là “quá ít, quá muộn”. Ông cho rằng kế hoạch cắt giảm lãi suất cho vay với các khoản vay kỳ hạn một năm áp dụng cho khách hàng ưu tiên (LPR) vào tuần tới cũng sẽ khó thúc đẩy nhu cầu tín dụng.

Các nhà kinh tế học từ Standard Chartered đến UBS đều kỳ vọng vào sự hỗ trợ chính sách lớn hơn trong những tháng tới, bao gồm việc cắt giảm lãi suất, cho vay lại của PBoC và thúc đẩy tài khóa.

Bà Wang Tao, nhà kinh tế trưởng UBS tại Trung Quốc, cho biết: “Do các biện pháp hạn chế COVID sẽ còn kéo dài và sự phục hồi kinh tế mong manh, chúng tôi kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ chính sách trong phần còn lại của 2022”.

"Con đường phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm sẽ gập ghềnh và không chắc chắn, tùy thuộc vào dịch COVID và các chính sách liên quan cũng như tình hình của thị trường bất động sản và tốc độ tăng trưởng của thế giới”, bà Wang nói.

Các nhà giao dịch đang đặt cược rằng động thái nới lỏng tiếp theo có thể đến vào ngày 22/8 (tức thứ Hai tuần sau), với việc PBoC giảm lãi suất LPR.

Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia trên thế giới hạ lãi suất cơ bản. Đa số các nước phải tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát kỷ lục.

Không giống như nhiều nền kinh tế tiên tiến hiện nay, lạm phát lõi của Trung Quốc (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) khá ổn định, giảm xuống còn 0,8% trong tháng 7 do nhu cầu trong nước vẫn yếu.

Do đó, PBoC có thể thực hiện các mục tiêu của mình, bao gồm duy trì đồng nội tệ ổn định, kích thích tăng trưởng và ngăn ngừa rủi ro tài chính.

Đồng thời, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng thận trọng về việc nới lỏng quá mạnh tay, có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế trong dài hạn do tỷ lệ nợ đã tăng cao.

Lãi suất chính sách

Một số nhà phân tích cho rằng PBoC nhiều khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất (MLF) trong những tháng tới, khi mà lo ngại về lạm phát và trượt giá tiền tệ không còn cấp bách.

Bloomberg Economics dự kiến ​​Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) một lần nữa trong quý IV. Ông Ding Shuang, Kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Hoa của Standard Chartered, cũng dự đoán lãi suất chính sách sẽ hạ thêm 10 điểm vào cuối tháng 10.

Tuy nhiên, những người khác như ông Lu Ting tại Nomura lại nói rằng dư địa để cắt giảm thêm là hạn chế do tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng bị thu hẹp và các nước đang thắt chặt chính sách tiền tệ thay vì nới lỏng như Trung Quốc.

Lãi suất cho vay

Các ngân hàng có khả năng cắt giảm lãi suất LPR vào tuần tới. LPR dựa trên lãi suất mà 18 ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng tốt nhất của mình và được tính chênh lệch trên lãi suất chính sách (MLF).

 

Nhà kinh tế Li Chao của Zheshang Securities dự báo mức giảm 10 điểm cơ bản cho lãi suất LPR kỳ hạn một năm và giảm 25 điểm cơ bản cho lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm. 

Lần gần đây nhất, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm với mức kỷ lục 15 điểm cơ bản vào tháng 5.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Nhiều nhà kinh tế đang kỳ vọng PBoC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), tức là lượng tiền mặt tối thiểu mà ngân hàng phải giữ lại trong quỹ, không cho vay ra.

Không giống như các khoản vay chính sách, thanh khoản từ việc cắt giảm RRR là miễn phí đối với các ngân hàng thương mại. Ping An Securities dự báo PBoC có thể cắt giảm RRR khoảng 25-50 điểm cơ bản trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Qin Tai của Shenwan Hongyuan Group kỳ vọng mức cắt giảm 50 bps trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 vì lý do tương tự.

Công cụ cấu trúc

Kể từ năm 2020, PBoC đã tập trung nhiều hơn vào các công cụ cấu trúc nhằm giúp đỡ một số khu vực nhất định của nền kinh tế, chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ. 

Ping An Securities cho biết Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể mở rộng tái cho vay và hạ lãi suất cho các quỹ để giúp ngân hàng thương mại cung cấp nhiều khoản vay hơn.

Chính sách tài khóa

Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng chính sách tài khóa sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế trong nửa cuối năm nay, vì các đợt phong tỏa COVID và suy thoái bất động sản đã làm giảm tác dụng của kích thích tiền tệ.

Theo bà Wang của UBS, chính phủ Trung Quốc có thể chuyển hạn ngạch trái phiếu cho chính quyền địa phương từ năm sau sang năm nay, cho phép sử dụng hạn ngạch trái phiếu còn lại từ những năm trước và nới lỏng các quy định tài chính đối với chính quyền địa phương.

Theo bà , những chính sách tài khóa này sẽ giúp củng cố tăng trưởng đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ 10% đến 12% trong nửa cuối năm.

Hỗ trợ ngành bất động sản

Một số cổ phiếu và trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản lớn đã tăng mạnh vào hôm 16/8 sau khi có tin cơ quan quản lý có kế hoạch để các doanh nghiệp nhà nước đảm bảo việc phát hành trái phiếu mới trong nước.

Một số nhà phát triển bất động sản găp khó khăn đã được thông báo tại các cuộc họp kín rằng các nhà quản lý có kế hoạch hỗ trợ thanh khoản thông qua trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ do các công ty nhà nước đảm bảo và bảo lãnh.

Minh Quang