|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Động thái bất ngờ của NHTW Trung Quốc cho thấy triển vọng kinh tế thực sự đáng lo ngại

16:27 | 15/08/2022
Chia sẻ
Gần đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc còn lên tiếng cảnh báo về lạm phát. Nhưng động thái cắt giảm lãi suất đầu tuần này cho thấy kinh tế suy yếu mới là nỗi lo lớn nhất của Trung Quốc.

Người đi bộ qua trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. (Ảnh: Reuters). 

Bất chấp lời cảnh cáo từ các nhà hoạch định chính sách rằng lạm phát đang đi lên và cần được kiểm soát, ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn phải quăng phao cứu sinh cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và nhu cầu tín dụng giảm sút, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã làm rõ rằng phục hồi kinh tế mới là ưu tiên hàng đầu.

Giá cả tăng tuy là điều đáng ngại nhưng chỉ là ưu tiên thứ hai – ít nhất là cho đến lúc này. Theo tờ Bloomberg, rõ ràng Bắc Kinh cho rằng triển vọng kinh tế tương lai rất thảm khốc.

PBoC đã khiến các nhà kinh tế bất ngờ khi hạ lãi suất đối với cơ sở cho vay trung hạn một năm từ 2,85% xuống còn 2,75%. Trong khi đó theo khảo sát 32 chuyên gia thị trường được thực hiện tuần trước, tất cả đều cho rằng lãi suất sẽ được giữ nguyên.

Mức giảm 10 điểm cơ bản tương đối khiêm tốn nhưng động thái của PBoC vẫn gây sốc bởi gần đây ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tỏ vẻ ngần ngại với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Chỉ vài ngày trước đó, các quan chức PBoC dường như đã ám chỉ với nhà đầu tư rằng họ sẽ không cắt giảm lãi suất. Các quan chức chỉ ra mối nguy hiểm của lạm phát gia tăng, tuy vẫn còn thấp hơn nhiều Mỹ và châu Âu.

Đợt cắt giảm lãi suất của PBoC không phải là thừa. Cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc rõ ràng là cần sự trợ giúp.

Tăng trưởng tín dụng lao dốc trong tháng trước, bị tổn thương bởi khủng hoảng bất động sản và nhu cầu yếu ớt của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chưa đầy một giờ sau thông báo giảm lãi suất, các báo cáo mới được công bố cho thấy sản lượng công nghiệp thấp hơn dự đoán, doanh số bán lẻ tăng trưởng kém hơn kỳ vọng và đầu tư trì trệ.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao kỷ lục và gần tiến tới mức 20%. Các dữ liệu đáng thất vọng càng cho thấy mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5,5%” của chính phủ Trung Quốc là xa vời.

Theo Bloomberg, PBoC cần phải cải thiện cách thức giao tiếp với công chúng. Đó là yêu cầu cơ bản đối với cơ quan quản lý chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Báo cáo hàng quý của PBoC, vừa công bố tuần trước, cam kết sẽ tránh kích thích lớn và in tiền quá nhiều.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Trung Quốc tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất trong vòng hai năm. PBoC dự đoán lạm phát có thể vượt quá 3% trong năm nay. “Chúng ta không thể dễ dàng hạ thấp cảnh giác”, báo cáo viết.

 

Tuy PBoC có lẽ đã cố gắng đẩy lùi kỳ vọng về kích thích lớn nhưng khả năng chịu đựng của cơ quan này cũng có giới hạn. Nền kinh tế Trung Quốc có lẽ sẽ cần thêm sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ. Các đợt bùng phát COVID-19 dai dẳng và biện pháp phong tỏa ưa thích của Bắc Kinh sẽ cản trở bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào của tăng trưởng kinh tế.

Một trong những điều có thể an ủi PBoC là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng mắc các sai lầm về giao tiếp trong năm qua. Và trong khi Fed và ECB tăng lãi suất, hành động giảm lãi suất của PBoC càng làm nổi bật hai hướng đi khác biệt rõ rệt của những động cơ kinh tế chính của thế giới. Không một hướng đi nào đem lại tia hy vọng rằng thế giới có thể tránh được một giai đoạn suy giảm mới.

Trung Quốc vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân khi nền kinh tế thế giới chững lại. Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng và cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu vào tháng trước, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế mà ước tính tăng trưởng bị điều chỉnh mạnh nhất.

Trong hàng chục năm qua, chúng ta đã quen với việc Trung Quốc là thành trì bảo vệ tăng trưởng kinh tế trong lúc các cường quốc khác như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chao đảo. Nhưng giờ đã khác. Tăng trưởng suy yếu ở các nền kinh tế lớn đã làm giảm nhu cầu cho hàng hóa Trung Quốc, khiến thách thức tăng lên gấp bội. 

Giang