|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đơn hàng của các nhà sản xuất Trung Quốc vơi dần, trở thành dấu hiệu đáng ngại cho kinh tế toàn cầu

08:20 | 15/08/2022
Chia sẻ
Nếu muốn đánh giá tâm lý của người tiêu dùng toàn cầu thì nhà đầu tư không cần nhìn đâu xa hơn, mà chỉ cần quan sát số lượng đơn hàng của các nhà máy tại Trung Quốc ngay bây giờ.

Đơn hàng từ khách ngoại vơi dần

Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất từ đồ trang trí Giáng sinh cho đến quần áo đều chia sẻ với Bloomberg rằng đơn đặt hàng từ khách nước ngoài đang cạn dần, một số dự đoán kịch bản khả quan nhất mà họ có thể nhắm đến là nhu cầu sẽ đi ngang so với một năm ngoái.

Thông tin trên cho thấy người tiêu dùng trên toàn cầu đã thắt chặt chi tiêu để ứng phó với cú sốc giá và có thể sẽ thận trọng như vậy trong một thời gian dài. Điều này sẽ làm tăng thêm sức nặng cho các cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn.

Bà Wendy Ma - Giám đốc marketing tại một công ty dệt may ở thành phố Ninh Ba, cho hay: “Người tiêu dùng không có tiền để chi tiêu trong bối cảnh lạm phát tăng cao như bây giờ”. Theo bà, sự sụt giảm nhu cầu này diễn ra rất đột ngột.

Vị nữ giám đốc cho biết so với cùng kỳ năm trước, các đơn hàng từ nút áo, khoá kéo đến chỉ khâu đã sụt khoảng 30% trong tháng 7 và tháng 8 do nhu cầu từ những thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đi xuống.

Công nhân làm việc tại một hãng sản xuất phụ tùng ô tô tại Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg).

Báo cáo từ các nhà sản xuất cho thấy sự ổn định được thấy trong dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ giảm dần. Nói cách khác, sự bùng nổ thời gian qua đã phần nào được hỗ trợ bởi lạm phát giá cả.

Đồng thời, xuất khẩu mạnh cũng nhờ các nhà máy cố gắng bù đắp các đơn hàng bị chậm trễ trong thời gian phong toả cũng như hoàn thành các đơn hàng được doanh nghiệp đặt sớm hơn nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi các nút thắt trong chuỗi cung ứng.

Ông Larry Hu - trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group, bình luận: “Nhận định chung là tăng trưởng xuất khẩu của đất nước tỷ dân sẽ chững lại trong những tháng tới và có thể đạt mức âm vào cuối năm”. Ông lưu ý rằng nhu cầu đối với hàng hoá Trung Quốc sẽ giảm từ từ, thay vì đột ngột sụp đổ.

Các “cơn gió ngược” đã hình thành trong nhiều tháng qua. Ông Clark Feng, chủ công ty Vita Leisure chuyên mua lều và đồ nội thất từ các sản xuất nội địa để bán ra nước ngoài, nói các đơn hàng xuất khẩu đã sụt dần kể từ tháng 3.

Ông Feng cho biết thêm rằng các khách hàng ở châu Âu chỉ yêu cầu mua khoảng 30 - 50% những gì họ cần vào năm ngoái. Công nhân ở một số nhà máy đã bị cho nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ ngơi, điều mà ông chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.

Feng nói, các khách hàng nước ngoài đang tìm cách giải phóng lượng hàng tồn kho hiện có thay vì đặt đơn hàng mới. “Các sản phẩm của chúng tôi rất phổ biến vào năm ngoái. Giờ chúng tôi phải chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, nhu cầu thì thậm chí còn thấp hơn mức trước đại dịch. Tôi có chút cảm giác hoảng sợ”, ông bày tỏ.

 

Tồn kho cao ngất ở trời Tây

Trong năm ngoái, giá trị hàng tồn kho tại các công ty trong chỉ số tiêu dùng tuỳ ý và tiêu dùng chủ lực của S&P đã tăng 93,5 tỷ USD, tương đương tăng 25%, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Xu hướng trên xuất hiện sau khi doanh nghiệp bán lẻ tăng cường trữ hàng để đối phó với tình trạng chậm trễ kéo dài trong quá trình vận chuyển cũng như do một số đơn hàng Giáng sinh đến sớm.

Điều này cũng trùng hợp với sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng toàn cầu, khi họ dần lựa chọn dịch vụ thay vì hàng hoá trong bối nền kinh tế mở cửa trở lại. Các nhà bán lẻ như Walmart và Target đang hạ giá bán quần áo và đồ gia dụng, ngay cả khi họ tính giá cao hơn ở một số mặt hàng khác.

Theo một số công ty, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cần phải chốt đơn hàng từ trước. Tồn kho phình to như vậy đồng nghĩa rằng nhu cầu của người tiêu dùng có thể trở nên yếu ớt hơn trong nhiều tháng tới.

Ông Joe Kwok - CEO tại hãng dệt may Hengda Printing & Dyeing (Thượng Hải), cho biết các khách hàng bán lẻ và đồ thể thao lớn đã cắt giảm tới 30% đơn hàng kể từ tháng 6. Ông dự báo nhu cầu vẫn sẽ ở mức thấp trong một hai năm tới.

Khó được giúp đỡ bởi thị trường quê nhà

Mặt khác, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ khó mà kích thích thị trường nội địa để bù đắp sự thiếu hụt nhu cầu ở thị trường quốc tế. Chiến lược Zero COVID đã đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng và tàn phá lĩnh vực chế tạo.

Nghĩa Ô, trung tâm cung ứng hàng hoá Giáng sinh lớn nhất thế giới, là minh chứng cho thấy hoạt động kinh doanh có thể trở nên bấp bênh như thế nào khi Trung Quốc vẫn còn tuân thủ Zero COVID.

Cuối tuần qua, thành phố đã gia hạn lệnh phong toả hiện tại vì quan chức y tế đã ghi nhận hơn 630 trường hợp nhiễm COVID. Nghĩa Ô cũng từng bị phong toả vào tháng 4, nhưng những hạn chế mới nhất là trở ngại lớn cho các nhà sản xuất giữa thời điểm kinh doanh bận rộn nhất.

 

Theo ông Cai Qinliang - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Sản phẩm Giáng sinh Nghĩa Ô, các nhà xuất khẩu đã rút kinh nghiệm từ những lần gián đoạn trước và đặt hàng sớm hơn ít nhất một tháng.

Tuy nhiên, điều đó cũng không đủ để hỗ trợ cho cuộc phục hồi. Ông Cai nói hoạt động kinh doanh đã giảm hơn một nửa vào năm 2020 do đại dịc khiến thương mại toàn cầu rơi vào hỗn loạn và các khách hàng lớn huỷ đơn.

Doanh số bán hàng cải thiện vào năm ngoái, mặc dù vẫn thấp hơn 20 - 30% so với trước dịch bệnh và có thể duy trì ở mức này trong năm nay, vị tổng thư ký chia sẻ với Bloomberg.

Cách Nghĩa Ô hơn 400 km về phía bắc, câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra. Cô Melissa Shu cho biết năm ngoái cô phải làm thêm giờ tại một nhà sản xuất đèn LED xe hơi ở thành phố Trấn Giang, nhưng giờ phải chịu cảnh đơn hàng bị giảm ít nhất 30%.

Nhà quản lý Shu nói “các khách hàng đang hành động hết sức thận trọng…bởi môi trường kinh tế vĩ mô mờ mịt vì chiến sự, lạm phát, khủng hoảng đời sống - không ai trong chúng ta có thể thoát ra được”.

Yên Khê